Hóa ra đây là nguyên nhân khiến trẻ dù lớn vẫn nói "ngọng líu ngọng lô"

30-08-2021 14:00 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Ngắn hãm lưỡi là một dị tật bẩm sinh nhẹ ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh bị dị tật này sẽ dẫn đến tình trạng khó bú và gây đau núm vú cho mẹ. Với trẻ lớn, trẻ nói ngọng, khó nói - nhất là diễn đạt các câu nói phức tạp.

Theo BS. Đỗ Duy Thanh – Khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt, BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, bệnh ngắn hãm lưỡi hay còn được gọi là phanh lưỡi bám thấp hoặc dính thắng lưỡi, là một tật bẩm sinh do dây hãm lưỡi.

Đây là một dây chằng mỏng nối từ lưỡi đến sàn miệng, bị ngắn hơn so với bình thường làm hạn chế vận động của đầu lưỡi. Bệnh khá phổ biến, gặp ở 5-10% dân số.

Hình ảnh hãm lưỡi (thắng lưỡi) bình thường và hãm lưỡi (thắng lưỡi) ngắn.

Hình ảnh hãm lưỡi (thắng lưỡi) bình thường và ngắn hãm lưỡi (thắng lưỡi) ngắn.

Những dấu hiệu của trẻ mắc ngắn hãm lưỡi

Tùy thuộc lứa tuổi và mức độ dính thắng lưỡi nhiều hay ít, biểu hiện của dính thắng lưỡi như sau:

Thông qua động tác bú sữa của trẻ có thể thấy dấu hiệu trẻ bị ngắn hãm lưỡi như sau: Bình thường, trẻ ngậm hết được núm vú và lưỡi trẻ sẽ kê quanh phần dưới núm vú và phần lợi dưới.

Ngược lại, trẻ bị ngắn hãm lưỡi sẽ không thể mở rộng miệng và bắt vú hoàn chỉnh, do đó trẻ sẽ biểu hiện:

- Khó khăn khi bắt vú và giữ núm vú cho đến hết bữa bú

- Thời gian mỗi bữa bú kéo dài (bình thường là 10-20 phút), trẻ liên tục phải nghỉ giữa bữa bú

- Do lượng sữa bú vào là không đủ nên trẻ thường xuyên ngủ không ngon, quấy khóc

Đôi khi, ngắn hãm lưỡi cũng gây ra những vấn đề cho mẹ như:

- Đau hoặc nứt núm vú

- Ít sữa

- Viêm vú tái diễn

photo-1630301583196

Em bé hãm lưỡi bình thường và em bé ngắn hãm lưỡi khi bú mẹ.

Những dấu hiệu khác có thể bắt gặp như:

Khi trẻ khóc, đầu lưỡi trẻ có hình trái tim do cử động của lưỡi bị giới hạn.

Đầu lưỡi không thè ra ngoài môi được.

Đầu lưỡi không thể đụng nóc vòm họng hoặc các răng ở hàm trên.

Nói ngọng ở trẻ lớn đặc biệt các từ như: t, l, ch, d, r

photo-1630301583909

Đầu lưỡi trẻ có hình trái tim do cử động của lưỡi bị giới hạn.

Ảnh hưởng của ngắn hãm lưỡi đối với trẻ

Ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ do trẻ khó khăn khi bú, có thể dẫn đến bỏ bú (cả bú mẹ và bú bình)

Ảnh hưởng tới chức năng phát âm của trẻ đặc biệt các từ như: t, l, ch, d, r

Ảnh hưởng đến sự đều đặn của bộ răng

Khi nào cần can thiệp cắt ngắn hãm lưỡi cho trẻ?

Bất kể khi nào trẻ có những dấu hiệu trên, nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế có đủ năng lực để đưa ra quyết định điều trị chính xác nhất cho trẻ.

Việc đưa ra quyết định phẫu thuật hay không phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của bệnh đến quá trình phát triển và chức năng phát âm của trẻ.

Nếu phát hiện và xử lý muộn sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển và hoàn thiện của trẻ trong tương lai.

photo-1630301584659

Các bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi.

Trẻ có dấu hiệu ngắn hãm lưỡi khi đi khám tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ sẽ được bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt thăm khám và đánh giá mức độ ngắn hãm lưỡi để xác định có cần phải can thiệp phẫu thuật hay không.

Về phẫu thuật cắt hãm lưỡi sẽ được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt hoặc Tai Mũi họng.

- Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (vài tháng tuổi): Do vùng hãm lưỡi thường có rất ít dây thần kinh và mạch máu nên thủ thuật thường không gây đau, do đó, thường được thực hiện dưới gây tê tại chỗ, việc gây mê được thực hiện ở trẻ ngẵn hãm lưỡi mức độ nặng, cần phải chỉnh hình hãm lưỡi.

- Đối với trẻ lớn (trên 1 tuổi): Thường sẽ phải gây mê do trẻ không hợp tác.

Sẽ mất khoảng 5 - 15 phút để hoàn tất quá trình phẫu thuật. Quy trình phẫu thuật đơn giản, hầu như không mất máu. 

Bác sĩ sẽ sử dụng kéo mổ, dao điện hoặc dao laser để giải phóng phần hãm lưỡi bị ngắn, do đó, trẻ sẽ có vết trắng tại vùng hãm lưỡi, vết này sẽ hết sau vài ngày và không ảnh hưởng đến quá trình ăn uống của trẻ.

Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật ngắn hãm lưỡi

- Đối với trẻ bú mẹ và chưa học nói: Tất cả các chuyên gia đều nhận định rằng phẫu thuật cắt hãm lưỡi giúp trẻ bú tốt hơn và quá trình nói sau này hoàn toàn bình thường

- Đối với trẻ đã học nói và đang bị nói ngọng do ngắn hãm lưỡi: Do trẻ đã quen với việc nói trong khi hãm lưỡi bị ngắn nên phẫu thuật không hoàn toàn giải quyết được vấn đề nói ngọng. Trẻ sẽ cần phải tham gia các lớp học phát âm để hoàn thiện lại khả năng nói.


BS. Đỗ Duy Thanh
Khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt, BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ
Ý kiến của bạn