(SKDS) - Khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi đã từng rất băn khoăn vì không thể tìm được một tiêu đề ưng ý cho bài viết của mình. Bởi nhân vật của tôi, trong suy nghĩ của tôi giống như cây dó bầu biết dồn nhựa sống biến nỗi đau thành trầm thơm, như loài trai ngoài biển khơi chắt huyết biến vết thương thành ngọc quý. Người bác sĩ ấy đang lặng lẽ dành những tháng ngày cuối cùng của đời mình để chăm sóc sức khoẻ và sinh mạng của người khác, mong họ sẽ tự luyện được ngọc, được trầm cho đời mình từ những sai lầm.
Khu vực trạm xá của trại không lúc nào rảnh rỗi bởi hàng nghìn phạm nhân đang thụ án tại Trại giam Thủ Đức là hàng nghìn người bệnh tiềm ẩn với đủ loại bệnh lí khác nhau. Do đặc thù của môi trường công tác nên cùng một lúc, Ánh và các đồng nghiệp phải khám chữa đủ các loại bệnh, từ ốm đau vặt, nhức đầu sổ mũi đến thương hàn, sốt rét và cả điều trị HIV, lao kháng thuốc… Thậm chí có những phạm nhân thời gian ở bệnh xá nhiều hơn cả thời gian ở các phân trại cải tạo. Chuyện phạm nhân nhiễm các căn bệnh xã hội viện cớ ốm đau, dọa nạt cán bộ, cắt ven lấy máu để tạo áp lực là chuyện Ánh phải đối mặt thường xuyên.
Đại úy Nguyễn Quang Ánh tận tình chăm sóc người bệnh - phạm nhân tại trạm xá của trại giam. |
Đối đầu với nguy hiểm là thế, vậy mà dù tuổi đời còn rất trẻ, BS. Nguyễn Quang Ánh đã xác định được rằng, những con người đang bị pháp luật trừng trị kia dẫu có là kẻ sát nhân máu lạnh, dẫu có là trùm ma túy hay những kẻ lọc lừa, gian xảo thì đối với anh, họ chỉ là những bệnh nhân đang cần được chăm sóc sức khỏe, cần đến tình thương yêu của những người như anh để vin vào đó mà tìm một lối về cho đường đời bão táp của mình. Đặc biệt với những phạm nhân bị các bệnh xã hội, có nguy cơ lây nhiễm cao thường bị gia đình hắt hủi, bỏ rơi không thăm nuôi thì lại càng cần phải gần gũi động viên, giúp họ không bi quan rồi sinh ra chống đối, bất cần đời.
Chứng kiến một ngày làm việc của anh, chúng tôi không giấu được sự nể phục về sự tận tâm của người BS trẻ. Đa phần những bệnh nhân cần được chăm sóc của BS. Nguyễn Quang Ánh là những người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối. Cơ thể họ bị lở loét, chảy dịch gây mùi rất khó chịu. Trước đây, các y bác sĩ của trạm xá phải khoét giường tạo lỗ thủng để cho các mảng mục da thịt có chỗ rơi rụng xuống. Ngày ngày phải đối mặt với cảnh tượng ấy, phải chăm sóc, thăm khám cho những cơ thể đang hoại tử từng ngày ấy, những người không đủ bản lĩnh có lẽ sẽ bỏ nghề. Trong suốt thời gian công tác của mình tại đây, Ánh đã nhiều lần phải chứng kiến sự đau đớn, tuyệt vọng của người bệnh - phạm nhân trước lúc lâm chung, không ít lần bàn tay anh vuốt mắt cho sự ra đi trong cô đơn, tủi phận.
Nhưng tất nhiên, sẽ chẳng có gì nhiều để nói về người bác sĩ trẻ này bởi bất cứ một bác sĩ nào công tác trong ngành trại giam cũng có thể làm được điều ấy. Là con trai của một cựu quân nhân, Ánh được thừa hưởng từ cha mình bản lĩnh vững vàng trước mọi gian nan, thử thách và đức hy sinh, biết sẻ chia vì người khác. 5 năm qua, không một chút oán hận cuộc đời, không dựa vào bệnh tật để đòi hỏi những quyền lợi ưu tiên hay sự chăm sóc, bồi dưỡng theo luật định, không bi quan, tuyệt vọng…, người BS ấy đã tự khâu vết thương lòng, biến niềm đau của mình thành nơi gieo hạt cho những mầm thiện dưới chân núi Mây Tào.
Sau một ngày làm việc, mỗi buổi tối, khi bạn bè, đồng nghiệp vui sum vầy bên gia đình thì Nguyễn Quang Ánh lại lặng lẽ tập luyện thể lực nơi khoảng sân nhỏ phía sau dãy nhà công vụ của đơn vị. Đó cũng là lúc chỉ mình anh với nỗi cô đơn, đối diện với nỗi buồn không dễ gì vơi cạn của chính mình. Anh viết nhật kí cho cô con gái bé bỏng rằng: “Cứu một đám cháy, cần có người lao vào lửa và để đẩy lùi một hiểm họa cũng cần phải có người như bố. Phải hy sinh vì nhiệm vụ, bố không có gì ân hận, bố chỉ thương mẹ đã vội vã ra đi mà chưa kịp nghe bố giãi bày nguyên nhân tai nạn”. Những lời lẽ này, một người đọc vô can cũng còn thấy xót xa thương cảm, người viết ra nó hẳn phải đau đớn đến vô chừng.
Nhưng đã bao năm qua, sau những rủi ro trong tác nghiệp, kể cả lần Ánh bất ngờ bị phạm nhân Bùi Văn Phú hất cả chậu nước đá có máu vào người khi đang xử lý chấn thương, anh cũng chưa một lần cảm thấy ân hận vì sự tận tâm chăm sóc người bệnh của mình đã đẩy anh và gia đình vào bi kịch có tên “tai nạn nghề nghiệp”. Anh không biết mình đã bị nhiễm bệnh từ lúc nào. Chỉ đến khi cô giáo Hậu (vợ anh) qua cơn vượt cạn, sinh ra một thiên thần bé nhỏ thì hạnh phúc chưa kịp đong đầy đã vội nhường chỗ cho tang tóc đau thương. Chị còn chưa cho con bú được một lần thì đã nhận được tin mình nhiễm HIV từ người chồng thân yêu. Sự trầm cảm của phụ nữ sau khi sinh cộng với cú sốc quá lớn khiến chị suy sụp hoàn toàn và tìm đến cái chết như một sự giải thoát.
Ở cái vùng quê nhỏ bé, an lành nơi anh cất tiếng khóc chào đời, người BS trại giam này đã và luôn là niềm tự hào của bố mẹ và dòng họ. Vậy nên, khi biết tin con trai mình bị nhiễm HIV, ông Nguyễn Quang Nam, một đại tá quân đội nghỉ hưu đã bàng hoàng hơn chính mình bị tuyên án tử. Đối diện sao đây với tai nạn của con, đối diện sao đây với lời dị nghị của xóm làng? Người lính năm xưa từng vào sống ra chết đã vịn vào tình yêu thương của người cha đối với con để sống tiếp, lặng lẽ theo sát từng giây phút sống của con mình qua mọi kênh thông tin có thể và giữ tất cả những tờ báo có bài viết về con mình để làm thành một tập kỉ niệm nếu con ông có mệnh hệ nào. Ông bảo, giờ đây, tôi chỉ còn biết động viên con để nó hoàn thành trách nhiệm của nó với chính cuộc đời của nó mà thôi.
Đối diện với đại úy, BS. Nguyễn Quang Ánh, tôi tự hỏi, nếu biết sự sống của mình chỉ còn được đong đếm bằng ngày, giờ thì mình sẽ làm gì? Có lẽ tôi sẽ làm những việc mà tôi thích nhất, hoàn thiện mọi giấc mơ còn dang dở… Và tự tôi thấy mình thật ích kỉ và nhỏ bé trước anh. Ánh đã mất vợ, phải xa con và mang trong mình cái chết được báo trước, vậy mà mỗi ngày sống của anh là mỗi ngày cống hiến vì người bệnh, dẫu rằng chính ai đó trong số họ đã đẩy anh cùng gia đình vào tai họa này. Anh giành giật sự sống hàng ngày không phải chỉ cho chính mình mà còn vì người khác.
Bố mẹ đại úy Nguyễn Quang Ánh chăm sóc cháu nội thay cho người con trai bận công tác xa. |
Phút giây lặng buồn giữa hai chúng tôi bất ngờ bị gián đoạn khi Nguyễn Quang Ánh nhận được điện thoại thông báo có một phạm nhân nhiễm HIV của phân trại 3 cần cấp cứu. Anh xin lỗi tôi rồi thoắt cái đã lao về phía con đường dẫn về trạm xá. Tất tả, lo lắng như thể phạm nhân kia là người thân của anh vậy.
Mai đây, những phạm nhân đang nằm điều trị tại trạm xá kia có người khỏi bệnh, ra tù và trở về đoàn tụ với gia đình. Cũng có người vĩnh viễn nằm lại nghĩa trang vắng lặng dưới chân núi phía xa kia. Nhưng tôi chắc chắn một điều, sẽ không có ai quên câu chuyện về một người thầy thuốc đã vắt kiệt sức lực và những ngày sống cuối cùng của mình cho những người bệnh – phạm nhân mà không cần đòi hỏi một lời cảm ơn hay hậu tạ. Câu chuyện ấy sẽ được truyền đi từ phòng giam này đến phòng giam khác, từ những phạm nhân lâu năm đến những người mới nhập trại để họ hiểu hơn về những người đang lặng lẽ làm công việc cảm hoá phạm nhân, về một người lính mang hai màu áo đã cống hiến và hy sinh như thế…
Bài, ảnh: Đặng Tuệ Lâm