Hoa ngày xuân: Đẹp nhưng coi chừng “độc”

31-01-2021 15:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Mỗi dịp xuân về, việc trang trí nhà cửa với những loài hoa đẹp, nhiều sắc màu mang nhiều ý nghĩa may mắn, cầu mong nhiều điều tốt lành là thói quen và cũng là tập quán truyền thống của người dân.

Tuy nhiên việc chọn lựa cần có kiến thức để tránh những ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của một số loài hoa kiểng.

Nếu có dịp dạo quanh một số địa phương nổi tiếng với làng nghề trồng hoa kiểng ở nước ta như làng hoa Nghi Tàm, Quảng Bá (Hà Nội);  Vạn Thành (Đà Lạt); Sa Đéc (Đồng Tháp), Cái Mơn (Bến Tre) trong những ngày chuẩn bị cho cuối năm, chúng ta sẽ vô cùng kinh ngạc về số lượng chủng loại các loài hoa được trồng để tiêu thụ trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Việc đa dạng các giống hoa, cây cảnh trong dịp Tết không chỉ giúp người tiêu dùng có nhiều hơn những lựa chọn phù hợp nhu cầu và điều kiện kinh tế mà còn mang lại một bức tranh ngày xuân với sự đa dạng của những sắc màu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc trang trí ngày tết bằng hoa, cây cảnh là truyền thống có từ lâu đời nhưng người dân cũng cần lưu ý một số điểm để tránh những ảnh hưởng không tốt.

Hoa ngày xuân

Những loại hoa đẹp được mọi người yêu thích nhưng chúng rất độc, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, đơn cử:

Hoa thủy tiên: Là loài hoa rất quen thuộc, thường được trồng để trang trí nhà cửa trong những ngày lễ, Tết. Giống thuỷ tiên có cánh màu trắng gọi là “ngọc chảu ngân đài”. Thủy tiên có cánh màu vàng gọi là “ngọc chảu kim đài”. Tuy nhiên, những bông hoa này lại chứa nhiều độc tính, nếu chẳng may bạn ăn phải với số lượng lớn. Hoa thủy tiên có củ như hành tây nên đã có nhiều người lầm tưởng chúng với củ hành. Một số triệu chứng thường gặp như: chóng mặt, nôn mửa, co giật và tiêu chảy.

Nguy cơ mất an toàn của việc sử dụng một số loài hoa có mang các thành phần độc chất trong các bộ phận thân, lá, hoa, củ… của cây càng cao đối với các gia đình có trẻ nhỏ. Hoa thường có màu sắc đẹp nên trẻ em rất tò mò với thiên nhiên, nhìn ngắm, sờ, ngửi hoặc cho vào miệng nếm thử.

Hoa cẩm tú cầu: Là cây thân mộc, thân thảo bụi ưa bóng râm ẩm thấp, sống lâu năm, lá mọc đối theo từng đốt trên thân, hoa vô tính, lúc đầu hoa màu trắng sau biến dần thành màu lam hay màu hồng. Tất cả bộ phận của cây chứa độc tố có thể gây ngộ độc ở người khi ăn phải. Người bệnh có thể bị ngứa da, nôn mửa, suy yếu và toát mồ hôi. Một số còn bị hôn mê, co giật và ngừng lưu thông máu.

Hoa trúc đào: Hở hoa rất đẹp nhưng có độc tố mạnh, chất này có ở mọi thành phần của cây, có thể gây hại mắt khi bị tác động hoặc tử vong nếu tiếp xúc trực tiếp. Trúc đào còn chứa chất nguy hiểm như strychni. Nhai một lá trúc đào đủ gây nguy hiểm cho trẻ em, nhai 10 - 20 lá gây nguy hiểm cho người lớn. Các triệu chứng ngộ độc khi ăn phải trúc đào thường buồn nôn, nôn, tiêu chảy có thể ra máu, đau bụng, loạn nhịp tim, trụy tim, tụt huyết áp, lạnh người do tuần hoàn máu không ổn định. Dẫn đến các rối loạn hệ thần kinh trung ương, thiếu ôxy lên não, hôn mê và dẫn đến tử vong. Nhựa trúc đào gây rát da, rát mắt, viêm da.

Một số loài cây cảnh khác thường được trồng trong nhà khác như xương rồng bát tiên có thể gây bỏng rát khi tiếp xúc nhất là với trẻ nhỏ. Cây chuỗi ngọc có chứa thành phần gucosides. Nếu ăn phải sẽ gây mệt mỏi, khó thở, tiêu chảy…

Một mối nguy khác cũng cần chú ý trong việc lựa chọn hoa cảnh ngày tết đó là không đặt quá nhiều trong nhà, phòng kín vào ban đêm vì vào ban đêm, cây sẽ hút khí o xy trong không khí để tạo ra năng lượng duy trì hoạt động sống, thải ra khí carbonic và hơi nước. Trong khí đó, con người cũng hít khí ô xy và thải ra khí carbonic khiến chúng ta dễ bị ngạt thở khi ngủ trong một căn phòng đóng kín có nhiều cây xanh.


HOÀNG NGỌC
Ý kiến của bạn
Tags: