Biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm
Chị Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) là một người năng động, tham công tiếc việc. Không chỉ là làm việc ở công ty xuất nhập khẩu, chị còn đứng ra kinh doanh bất động sản. Cộng với việc nuôi con nhỏ nên lúc nào chị cũng rất căng thẳng. Một lần trên đường đi làm, chị bị ngất xỉu, khi tỉnh lại thấy không có gì nên chị nghĩ không sao. Sau đó vài lần chị cũng bị vậy nhưng vì tham việc nên chị “quên” đi khám bệnh. Vài tháng sau chị lại ngất xỉu, khi gia đình đưa chị vào viện đã trong tình trạng hôn mê. Qua thăm khám, các bác sỹ phát hiện chị mắc bệnh tim.
Cả tháng nay chị Hồng (Cầu Giấy, Hà Nội) cảm thấy đau đầu, khó ngủ. Nhiều lúc chị thấy hoa mắt, chóng mặt khi đứng lên, nặng hơn thì cổ vai, gáy lúc nào cũng thấy mỏi rã rời.Chịu không nổi chị tranh thủ đi khám mới biết mình bị thiếu máu não. Đến lúc này thì chị mới thực sự lo lắng cho sức khỏe của mình.
BS Dương Đình Phúc – Chủ nhiệm Khoa nội tâm thần kinh (BV 354) cho hay, hoa mắt, chóng mặt mỗi khi đứng lên, ngồi xuống là biểu hiện của nhiều bệnh. Nhiều người bị hoa mắt, chóng mặt thường nghĩ mình bị bệnh thiếu máu hoặc bình thường. Tuy nhiên, hoa mắt, chóng mặt nó có thể là biểu hiện ban đầu của nhiều bệnh nguy hiểm khác như rối loạn chức năng tiền đình, xuất huyết tiêu hóa, huyết áp thấp. Ngoài ra đó cũng có thể là những biểu hiện của hội chứng tiểu não, bệnh tim, rối loạn của giấc ngủ hoặc suy nhược thần kinh, trầm cảm…
Bình thường biểu hiện hoa mắt chóng mặt mỗi khi thay đổi tư thế hay gặp ở lứa tuổi từ 50 trở lên. Rất ít khi gặp ở người trẻ. Hoặc với những phụ nữ sau sinh nuôi con nhỏ ăn uống không đủ chất, ngủ không đủ thời gian, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo… làm giảm hạ đường huyết, thiếu máu cũng có thể dẫn tới những biểu hiện hoa mắt, chóng mặt.
“Khi có những biểu hiện hoa mắt, chóng mặt nghĩa là sức khỏe của bạn không được bình thường. Nếu các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt chỉ xuất hiện thoáng qua rồi hết, thỉnh thoảng có lặp lại nhưng xuất hiện ngắn thì thường là lành tính. Bạn chỉ cần tăng cường nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Tuy nhiên, khi các triệu chứng trên xuất hiện kéo dài, không cải thiện thì thường gắn liền với các bệnh lý nguy hiểm trên. Bạn nên đi khám sức khỏe để được bác sỹ kiểm tra sức khỏe tổng thể sớm, tránh những biến chứng. Phương hướng hỗ trợ chẩn đoán bệnh hiệu quả là CT scaner, cộng hưởng từ, điện não đồ, huyết áp, siêu âm tim… để xác định bệnh” – BS Phúc cho hay.
Hoa mắt, chóng mặt có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm… Ảnh minh họa
Phòng bệnh “hoa mắt, chóng mặt”
Triệu chứng hoa mắt chóng mặt có thể làm bạn bị tai nạn, ngã dẫn đến chấn thương sọ não. BS Dương Đình Phúc khuyên, khi bị hoa mắt hay chóng mặt cần dừng lại tất cả công việc, ngồi hoặc nằm nghỉ ngay lập tức. Nên giữ cho môi trường xung quanh được thoáng mát, yên tĩnh.
Cách phòng ngừa và điều trị triệu chứng này tùy thuộc vào từng bệnh lý cụ thể. Tuy nhiên, việc duy trì lối sống khỏe mạnh sẽ góp phần đẩy lùi sự xuất hiện của các triệu chứng. Trước tiên cần duy trì chế độ ăn đủ chất, ngủ đủ thời gian và chất lượng chất ngủ phải đảm bảo. Không nên thức khuya, giảm áp lực công việc. Ngoài ra cần phải tập luyện nhẹ nhàng, nghỉ ngơi hợp lý, không hút thuốc lá, tránh căng thẳng. Tránh thay đổi tư thế đột ngột như đang nằm đứng nhanh dậy hay xoay nhanh sang hai bên.
Ăn uống cần đa dạng, khẩu phần nhiều rau và trái cây tươi, uống đầy đủ nước. Dựa theo từng bệnh lý nền tảng gây chóng mặt mà chúng ta nên điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt cho hợp lý. Ví dụ, bệnh nhân hoa mắt, chóng mặt do tăng huyết áp cần giảm ăn mặn, giảm dầu mỡ. Bệnh nhân thiếu máu, thiếu sắt cần ăn nhiều thức ăn có màu sắc đậm như thịt bò, rau muống, củ dền…
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi bị hoa mắt, chóng mặt tránh làm các công việc việc nguy hiểm như lái xe, leo trèo cao. Cần lưu ý việc lạm dụng các thuốc điều trị chóng mặt có tác dụng ức chế thần kinh trung ương sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tự phục hồi kiểm soát thăng bằng của cơ thể và có thể dẫn đến các cơn chóng mặt tái phát khó điều trị.