Vỏ thân, vỏ rễ, vỏ quả lựu được dùng làm thuốc với công dụng sáp tràng (làm săn se niêm mạc), chỉ tả (cầm tiêu chảy), chỉ huyết (cầm máu) khu trùng (trừ giun sán)... Hạt lựu chữa bệnh đường tiêu hóa. Hoa lựu chữa viêm tai, đề phòng chảy mủ tai. Hoa lựu nhờ chứa nhiều chất chống ôxy hóa giúp giảm căng thẳng. Dầu hạt lựu có khả năng làm mau liền vết thương ngoài da.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại: nước quả lựu giàu chất chống ôxy hóa polyphenol, vitamin B1, B2, vitamin C, Ca, Na và P, bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây lão hóa, các bệnh tim mạch, tiểu đường... Những người bị tăng huyết áp, uống 50ml nước quả lựu mỗi ngày trong 2 tuần liên tục có thể hạ được mức huyết áp. Nước lựu có tác dụng tăng cholesterol tốt HDL, giảm cholesterol xấu LHD với tỉ lệ là 20%, giúp làm giảm quá trình hình thành các mảng bám trong các động mạch. Ngoài ra, nước lựu còn có tác dụng khử trùng và giúp phụ nữ đối phó với các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh. Dịch quả tươi giúp hạ nhiệt, làm mát.
Một nghiên cứu khoa học cho thấy: người bệnh tiểu đường nên bổ sung hoa lựu cùng với thuốc chống tiểu đường.
Bổ sung hoa lựu cùng với thuốc chống tiểu đường không chỉ làm giảm stress ôxy hóa mà còn cải thiện khả năng học tập và ghi nhớ ở người bệnh tiểu đường.
Để làm thuốc, hoa lựu được thu hái khi mới nở, dùng tươi hoặc đem phơi trong bóng râm cho khô, bảo quản, cất giữ nơi khô ráo, dùng dần. Hoa lựu có thể làm giảm những triệu chứng khó chịu ở mũi, điều trị khi gặp chấn thương nhẹ như chảy máu tay chân lấy hoa lựu thả vào chậu nước ấm rồi dùng để rửa vết thương. Hoa lựu cho vào bát nước ấm, áp sát mắt vào xông giảm nhức mỏi mắt.
Hoa lựu chủ trị các chứng bệnh về phổi, đau răng, vết thương xuất huyết.
Theo Đông y, hoa lựu vị chua sáp, tính bình có công năng chủ trị các chứng bệnh về phổi, chảy máu cam, nôn ra máu, xuất huyết do trật đả, kinh nguyệt không đều, lỵ tật, bạch đới, viêm tai giữa, đau răng...
Cũng như vỏ quả và vỏ rễ, người bị táo bón không nên dùng hoa lựu.
Dưới đây là một số bài thuốc cụ thể:
Trị áp-xe phổi (chứng phế ung): Hoa lựu trắng 7 đóa, hạ khô thảo 9g, sắc uống. Hoặc dùng bài: hoa lựu 6g, ngưu tất 6g, dây kim ngân 15g, bách bộ 9g, bạch cập 30g, đường phèn 30g sắc uống.
Trị lao phổi: Hoa lựu trắng 30g, hạ khô thảo 30g sắc uống.
Trị ho và nôn ra máu: Hoa lựu trắng tươi 24 đóa, đường phèn 9g sắc uống.
Trị viêm tiền liệt tuyến: Hoa lựu trắng tươi 30g nấu canh thịt ăn hàng ngày.
Chữa khí hư: Hoa lựu 3-5 đóa, sắc với chút rượu uống. Hoặc hoa lựu 30g, sắc kỹ, bỏ bã rồi ngâm, rửa âm đạo.
Trị băng lậu: Hoa lựu 9g, trắc bách diệp 9g, sắc uống.
Hoặc dùng bài: Hoa lựu 5g sắc với rượu uống.
Chữa trĩ xuất huyết: Hoa lựu trắng 7 đóa, đường phèn 9g, sắc uống.
Trị đau răng: Hoa lựu lượng vừa đủ sắc uống thay trà.
Vết thương xuất huyết: Hoa lựu khô, tán vụn rồi rắc lên vết thương.
Hoặc dùng bài: Hoa lựu 1 phần, thạch khôi 2 phần, hai thứ sấy khô, tán bột mịn, rắc vào nơi tổn thương.
Trị viêm loét miệng: Hoa lựu đốt tồn tính, tán bột rồi bôi vào vết loét, ngày 2 lần, có thể cho thêm chút thanh đại thì càng tốt.
Trị viêm tai giữa: Hoa lựu lượng vừa đủ, sấy khô, cho thêm chút băng phiến rồi tán thành bột mịn, mỗi lần lấy một ít thổi vào tai bị bệnh.
Hoặc dùng bài: Hoa lựu 50g đem ngâm với 250ml rượu trắng, sau 10-15 ngày, lọc kỹ qua gạc vô trùng rồi cho thêm 4g băng phiến. Khi dùng cần vệ sinh cho tai sạch mủ rồi dùng dịch thuốc nhỏ vào tai, mỗi lần nhỏ 1-2 giọt, ngày nhỏ 3-4 lần.