Hòa làng – Làng no tiếng cười

19-07-2009 09:10 | Xã hội
google news

Vùng Kinh Bắc gần như huyện nào cũng có làng cười, ví như huyện Yên Phong có làng cười Đông Yên, huyện Tiên Sơn có làng cười Yên Tử, Hiên Ngang...,

Vùng Kinh Bắc gần như huyện nào cũng có làng cười, ví như huyện Yên Phong có làng cười Đông Yên, huyện Tiên Sơn có làng cười Yên Tử, Hiên Ngang..., huyện Yên Dũng có làng cười Đông Loan, Nội Hoàng, huyện Quế Võ có làng cười Đồng Sài, Trúc Ổ, huyện Tân Yên có làng cười Hòa Làng. Chúng tôi "mục kích" về làng Hoà Làng, một làng cười nổi tiếng, nơi đây con người mộc mạc, yêu đời luôn biết làm cho cuộc sống của mình trở nên tươi đẹp, dẫu vẫn bộn bề khó khăn gian khổ.
 
Làng Hòa Làng thuộc xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Về đây, gặp các cụ già, các cụ cho biết: "Hòa Làng nói khoác gấp ba Dương Sơn". Hỏi vì sao có chuyện đó, các cụ nói: Do ngày xưa hai làng phải thi nói khoác, làng nào cũng cố nói để thắng. Dường như ông trời ban cho người Hòa Làng cái cổ họng khỏe, kéo được nhiều hơi mà toàn thắng làng Dương Sơn ở bên kia sông. Sau mỗi cuộc thi, người Hòa Làng thường hả hê với tài của mình. Các cụ già, các em nhỏ vẫn còn nhớ nhiều cuộc thi nói khoác như thế. Cái tài của dân làng Hòa Làng chủ yếu để chơi lại đối thủ và gây cười. Nếu củ sắn Dương Sơn to xát được 8 gạt thì củ sắn Hòa Làng xát được những 24 gạt. Tàu thuốc (cây thuốc lá) của Dương Sơn to bằng cái quạt thì Hòa Làng to bằng lá chuối...
 
 Một người dân làng Văn Lang đang trổ tài nói khoác.
Dân Hòa Làng nghĩ ra câu chuyện táo bạo, có thể làm sởn gai ốc của một số người nghe, đó là câu chuyện bắt hổ con: "Tôi đem hai con hổ con ra Hà thành bán. Tiếng đồn đến tai ông Trưởng phường xiếc Tạ Duy Hiển, ông ta mời tôi vào nhà đãi làm thượng khách rồi đặt mua con hổ, tôi nhận tiền ra về. Tìm được hang hổ con mọn, tôi chui vào, rón rén bò qua đến chỗ hổ bố ngủ, tôi nhổ trụi râu nó, nó buồn quá lại càng ngủ say... Vượt qua hổ bố, tôi lần đến chỗ hổ con, bịt mũi đem ra, hổ bố vẫn gáy phe phe...". Ông Nguyễn Văn Thiết năm nay đã 80 tuổi - một người có nhiều năm nói khoác tâm sự: "Dòng họ chúng tôi, đến đời tôi là 7 đời nói khoác. Điều này không nhằm ý gì khác là sự vui vẻ, lạc quan với tính hài hước của người nông dân. Với lại, do cuộc sống kinh tế còn khó khăn, những câu chuyện nói khoác là để xua đi cái sự chật vật cố hữu, thể hiện cái khát vọng no đủ...". Đến con cháu của ông Thiết, đi ra Hà Nội học cũng mang theo "cây nhà lá vườn", khiến cả lớp học được nhiều phen cười đến... vỡ bụng.
 
Thêm nữa, nhân dân ta nói chung, vùng Kinh Bắc nói riêng, cuộc sống mang tính cộng đồng làng xã. Điều đó làm nên sự gắn kết lâu bền, qua cả những tục lệ, lời ăn tiếng nói, cách xã giao. Những câu chuyện trào tiếu, những tiếng cười sảng khoái là tiếng nói chung của cả làng. Đất Việt mến yêu ta từ Nam đến Bắc có hàng chục làng cười, đâu đâu cũng có phong cách riêng. Từ cụ già đến em nhỏ, ai cũng góp vào kho tàng của dân làng những câu chuyện, làm cho nó đa dạng, nối dài mãi. Ông Thiết say sưa diễn giải: "Những câu chuyện đó có thể đơn giản, có thể phức tạp tùy theo từng lứa tuổi, từng người và từng trình độ nữa. Nói khoác mà hiểu văn nghệ, văn hóa và hay chữ thì nói hay hơn nhiều". Và ông liệt kê cho tôi hàng trăm chuyện mà người dân quê ông đã kể trong một đêm giao lưu văn nghệ ở sân đình. Một người kể chuyện: Có người khoe đánh bả được con chuột to bằng gốc tre; có người lại bảo đánh được chuột to đầy giành tích; một em bé Hòa Làng góp chuyện: Nhà cháu thì không có gốc tre, không đem giành tích ra so nhưng chỉ biết có một con rơi uỵch từ gác xuống lún cả nền nhà, lại nứt dọc bức tường xây 20...
 
Bây giờ người dân ở Hòa Làng vẫn chưa hết vất vả. Dù kinh tế có khá hơn trước nhiều, nhưng trong số đó vẫn còn người già neo đơn, những cô gái ở giá, những nạn dịch khiến đàn gia súc gia cầm phải chết, những túng thiếu liên miên. Thành ra kho chuyện cười cứ được bổ sung thêm mãi. Họ kể chuyện tiếu lâm hằng ngày, khi đi làm, khi tiếp khách, khi giao lưu. Những câu chuyện đó khi giải thích ra vẫn có cái lý, nhưng kỳ thực gây cười, sảng khoái.
 
Dịp xuân đến, người Hòa Làng tổ chức thi nói khoác thì thật vui. Các cụ bảo cuộc thi vui vẻ đó đôi khi diễn ra từ sáng đến tối. Ngày xưa những bậc  lão thành của làng, với vốn kinh nghiệm dân gian, chuyện khoác "đầy mình" nên không thanh niên nam nữ nào thắng được. Giờ các cụ chủ yếu truyền đạt kinh nghiệm cho con cháu, còn phần thi giành nhiều cho bậc trung niên và thanh niên. Các cụ, các ông là những "cây" nói khoác phải kể đến các cụ Nguyễn Chí Bao, Trần Mãi, các ông Nguyễn Đình Đại, Nguyễn Đình Vinh... Có rất nhiều năm, người thi hăng say, câu chuyện này lấn át câu chuyện kia, người sau mạnh hơn người trước, khiến Ban tổ chức căng thẳng, không biết trao giải nhất cho ai. Có một lần, khi Ban tổ chức họp bàn nhau lại, suy nghĩ mãi mà không biết trao giải cho ai, bỗng một thanh niên nhảy vào, lảo đảo như người say, vung dao nhọn, đòi: "Giải này của tôi, ai đòi tôi đâm chết hết". Mọi người nhìn con dao múa may đâm tán loạn, sợ quá định kéo nhau chạy. Thanh niên kia bỗng cuống quýt gọi lại: "Bà con ơi, tôi cũng thi nói phét đấy thôi, có dám đâm ai đâu". Lúc đó, mọi người vỡ lẽ, cười òa.
 
 Ông Thiết say sưa với những câu chuyện nói khoác.
Năm ngoái, người dân Hòa Làng và người Dương Sơn bên kia sông tổ chức nói khoác thi. Dương Sơn nói: "Làng tôi có cái trống to bằng ba mẫu ruộng". Hòa Làng nói: "Làng tôi có con trâu, đứng từ làng tôi ngó cổ sang Dương Sơn liếm mất ba mẫu ruộng". Người Dương Sơn dẩu môi: "Làm gì có con trâu nào to thế!". Hòa Làng cãi: "Cũng làm quái gì có cái trống nào to bằng ba mẫu ruộng?". Dương Sơn nói: "Các ông mang tiếng là dân nói khoác, mà không biết rằng con trâu nhà các ông bị chúng tôi lột da, làm trống à?". Hòa Làng nắm được thóp: "Thế mà các ông cũng đòi nói khoác, không có con trâu to của chúng tôi, thì lấy đâu ra da cho các ông làm trống!". Xong, cả hai làng cùng cười rũ rượi.
 
Chúng tôi về nhà ông Nguyễn Đình Vinh, xin ông vài chuyện nữa để mang về quê... đãi bạn bè. Nào ngờ khi nghe ông nói, mải nghe, mải nghĩ quên mất cả ghi, may mà còn cái máy ghi âm. Ông Vinh khoe: "Năm ngoái tôi bắt được một con ếch, ăn thịt hai năm mới hết". Tôi không tài nào đoán được chuyện có ý nghĩa gì, giải thích ra sao thì ông Vinh tiếp: "Đêm 30 cầm đèn qua bờ ao, bắt được một con ếch to về làm thịt, bắc mâm ra còn là năm cũ, ăn qua giao thừa sang năm mới mới hết. Thế chẳng là con ếch ăn hai năm mới hết là gì?"
 
Mỗi một chuyện cười khuếch khoác là một điểm sáng chói, soi tỏ chuỗi ngày làm việc cơ cực của người dân. Dù họ còn lam lũ, vất vả nhưng vẫn lạc quan, sống bằng tiếng cười sảng khoái theo ý mình. Được phóng khoáng, hào sảng như vậy thật vui vẻ biết bao, mà đâu phải làng quê nào cũng làm được.

Ghi chép của Văn Học


Ý kiến của bạn