Các đối tác Hoa Kỳ và Bộ Y tế Việt Nam hiện đang hợp tác để xây dựng một hệ thống kiểm định quốc gia để cấp chứng chỉ chất lượng đào tạo y khoa liên tục (CME) cho các cán bộ y tế. Trong năm 2009, Việt Nam đã thông qua Luật Khám chữa bệnh yêu cầu tất cả các cán bộ y tế cứ 2 năm phải có 48 giờ tham gia đào tạo y khoa liên tục để duy trì giấy phép hành nghề của họ.
Đào tạo y khoa liên tục rất quan trọng vì nó giúp cập nhật thông tin và kiến thức cho các bác sĩ. "Đào tạo y khoa liên tục là một phần quan trọng trong chiến lược quốc gia nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế ở Việt Nam, đồng thời đây cũng là một trong những yếu tố then chốt trong việc đảm bảo chất lượng và sự đồng đều của đội ngũ cán bộ y tế, nhằm đảm bảo chất lượng và sự công bằng trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, Việt Nam chưa bao giờ kiểm định đào tạo y khoa liên tục. Tại hội thảo này, chúng tôi rất vinh dự có cơ hội học hỏi từ Giáo sư Murray Kopelow, Chủ tịch Hội đồng kiểm định Đào tạo Y khoa liên tục Hoa Kỳ (ACCME), và các đồng nghiệp Hoa Kỳ khác về việc cấp chứng chỉ CME, nhờ vậy chúng tôi có thể sớm bắt đầu thực hiện công việc quan trọng này tại Việt Nam”, Giáo sư Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (ASTT), Bộ Y tế Việt Nam cho biết.
Hơn 40 cán bộ từ Bộ Y tế, các bệnh viện và trường đại học tham dự hội thảo diễn ra vào 26 -27/3 tại Hà Nội do Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Tổ chức hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN) cùng với Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) và ACCME tổ chức.
"Tất cả các cán bộ y tế cần được tiếp cận với CME chất lượng cao để cập nhật thông tin và kiến thức trong lĩnh vực của mình. Trong những năm gần đây, Bộ Y tế Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc thiết lập hệ thống quốc gia CME và HAIVN rất vinh dự được hỗ trợ Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế xây dựng hệ thống kiểm định CME, " Tiến sĩ Todd Pollack, Giám đốc tổ chức HAIVN cho biết.
HAIVN là một đối tác của CDC Hoa Kỳ, được hỗ trợ bởi Chương trình cứu trợ HIV/AIDS khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR), và đã làm việc với Bộ Y tế Việt Nam từ năm 2004 nhằm cải thiện hệ thống Đào tạo Y khoa cho sinh viên đại học và các bác sĩ thực hành.
BV