Cảnh báo: Bệnh lao sẽ quay lại nếu lơ là phòng chống
Việt Nam được xếp vào vào nhóm 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới với 172.000 người mắc lao và hơn 10.000 người chết vì căn bệnh này mỗi năm. Những tác động của COVID-19 đã khiến các dịch vụ phát hiện bệnh lao và chăm sóc bệnh lao ở Việt Nam giảm nghiêm trọng, với tỷ lệ phát hiện ca bệnh lao giảm 23,5% trong 10 tháng đầu năm 2021. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40% ca mắc lao mới không được phát hiện và điều trị. Để giải quyết vấn đề này, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang hỗ trợ lồng ghép sàng lọc bệnh lao vào các chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc BV Phổi TƯ, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho rằng, COVID-19 đã làm giảm số ca phát hiện bệnh lao tới 23,5%. Đây là mức giảm rất mạnh so với trung bình của thế giới. "Llà điều đáng lo ngại", PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.
Tại nhiều địa phương, tỉnh đã phân công bệnh viện chuyên khoa điều trị bệnh phổi điều trị cho bệnh nhân COVID-19, có nơi cả bệnh viện chỉ dành để điều trị COVID-19. "Vậy người bệnh lao đến đâu để được phát hiện và điều trị " – PGS TS Nguyễn Viết Nhung đặt vấn đề. Ông cho rằng, nếu không thay đổi nhanh, trong thời gian tới, bệnh lao sẽ quay trở lại. Đến lúc đó, sẽ cần rất nhiều nguồn tài chính để khống chế bệnh lao.
Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam cho rằng, mỗi năm tại Việt Nam có hàng nghìn người tử vong vì bệnh lao, trong khi đây là căn bệnh hoàn toàn có thể dự phòng và điều trị khỏi.
Hoa Kỳ hỗ trợ nâng cao năng lực phát hiện và điều trị lao
Nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực trong việc phát hiện, quản lý và điều trị bệnh lao, đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, sáng 16/2, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trao tặng thêm các thiết bị phát hiện và chẩn đoán nhanh bệnh lao và thuốc điều trị lao với tổng trị giá khoảng 3 triệu USD cho Bệnh viện Phổi Trung ương.
Trong đợt trao tặng lần này có 38 máy chẩn đoán lao nhanh, 90.000 bộ xét nghiệm kèm theo và 10 máy X-quang kỹ thuật số siêu nhẹ có kết hợp trí tuệ nhân tạo sẽ được phân bổ cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa như Nghệ An, Lai Châu, An Giang và Đồng Tháp, những nơi có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao. Cả máy chẩn đoán lao nhanh và máy X-quang kỹ thuật số trao tặng lần này đều được thiết kế để có thể hoạt động tại các vùng xa xôi, hẻo lánh.
Máy chẩn đoán lao nhanh có thể phát hiện tại chỗ bệnh lao và lao kháng thuốc trong thời gian dưới 2 giờ và được vận hành bằng pin. Các máy X-quang kỹ thuật số là các thiết bị cầm tay siêu nhẹ được trang bị phần mềm hỗ trợ phát hiện dấu hiệu nghi ngờ bệnh lao giúp phát hiện ca bệnh ở những nơi có thể không có kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh.
Giám đốc BV Phổi TƯ, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia khẳng định, các trang thiết bị này vô cùng cần thiết, giúp phát hiện vi khuẩn lao và kháng thuốc, đặc biệt có thể sử dụng các thiết bị này ngay tại tuyến huyện, hoặc tuyến xã. Ngoài ra, thiết bị còn giúp phát hiện các tác nhân gây bệnh khác như virus, nấm, vi khuẩn khác … , kể cả virus gây bệnh COVID-19.
Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam khẳng định, sự hỗ trợ này là một phần trong quan hệ hợp tác lâu dài giữa USAID và Chương trình chống lao quốc gia của Việt Nam.
Số thiết bị chẩn đoán và thuốc điều trị được chuyển giao sẽ hỗ trợ trực tiếp cho chiến lược "2X" của Chương trình Chống Lao Quốc gia tại Việt Nam nhằm cải thiện khả năng phát hiện bệnh lao và tăng cường thực hiện điều trị dự phòng lao, góp phần mạnh mẽ vào nỗ lực chung của hai quốc gia nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam.
Chiến lược 2X là phương pháp phát hiện bệnh lao sử dụng cả chụp phim X-quang ngực và công nghệ chẩn đoán nhanh hiện đại gọi là GeneXpert. Công nghệ hiệu quả cao này cho phép phát hiện được nhiều ca bệnh lao hơn và phát hiện sớm khi bệnh mới khởi phát.
Phát hiện sớm ca bệnh vừa giúp ngăn ngừa việc lây lan, vừa giúp tăng khả năng cứu sống người bệnh. Bởi lao là bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi được.
Ngoài ra, trong đợt trao tặng này sẽ có thuốc đủ để điều trị cho 15.000 bệnh nhân lao tiềm ẩn với liệu trình điều trị 3 tháng và sẽ được cấp phát trên toàn quốc. Bên cạnh đó, USAID cũng cung cấp các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho Chương trình Chống lao Quốc gia, cho nhân viên các cơ sở y tế và các đối tác địa phương. Điều này sẽ giúp nâng cao tính bền vững cho các nỗ lực tăng cường công tác phát hiện ca bệnh của Việt Nam, đảm bảo chẩn đoán chính xác và kịp thời, cũng như hỗ trợ kết nối người bệnh tới dịch vụ điều trị bệnh lao và lao tiềm ẩn.
Bà Ann Marie Yastishock hy vọng với số trang thiết bị này sẽ giúp gia tăng số lượng người được chẩn đoán và điều trị bệnh lao triệt để. Đợt trao tặng này bổ sung vào các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của USAID thông qua các đối tác nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 thông qua việc cải thiện công tác giám sát, dự phòng, phát hiện và điều trị bệnh lao.