Hoa Kỳ “ở lại” châu Á

22-11-2011 8:10 AM | Quốc tế

Tổng thống Mỹ Barack Obama trở lại Washington sau chuyến công du châu Á 9 ngày. Giới quan sát nhận định, nguyên thủ Hoa Kỳ có thể tuyên bố là ông đã hoàn thành nhiệm vụ, đạt được các kết quả mỹ mãn trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và địa - chiến lược.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trở lại Washington sau chuyến công du châu Á 9 ngày. Giới quan sát nhận định, nguyên thủ Hoa Kỳ có thể tuyên bố là ông đã hoàn thành nhiệm vụ, đạt được các kết quả mỹ mãn trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và địa - chiến lược.

Chặng đầu tiên trong chuyến công du là Hawaii, nơi ông sinh ra, Tổng thống Mỹ đã chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tại đây, ông Obama đã gặt hái được thành công quan trọng: Thúc đẩy dự án thành lập khu vực tự do trao đổi thương mại lớn nhất thế giới, kéo thêm được Nhật Bản, Canada và Mexico vào vòng đàm phán, đưa tổng số nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lên thành 12 quốc gia.
 
Lãnh đạo Hoa Kỳ sau đó sang thăm Australia và thông báo, HoaKỳ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương qua việc triển khai 2.500 lính thủy quân lục chiến ở phía Bắc Australia. Chuyến đi châu Á của Tổng thống Mỹ kết thúc với cuộc viếng thăm chính thức Indonesia và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN. Trong khuôn khổ quan hệ song phương Hoa Kỳ - Indonesia, Tổng thống Mỹ đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận mua 230 máy bay Boeing 737. Đây là một hợp đồng lớn chưa từng thấy đối với Tập đoàn Chế tạo máy bay Hoa Kỳ, trị giá lên tới gần 22 tỷ USD, tạo khoảng 110 ngàn việc làm tại Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, phía Indonesia còn dự tính mua thêm 150 máy bay, đưa tổng giá trị hợp đồng lên tới gần 35 tỷ USD.
 
 Tổng thống Mỹ Obama dự ASEAN, đánh dấu sự tham gia chính thức của Hoa Kỳ.
Thông báo về hợp đồng mua bán máy bay này được đưa ra đúng thời điểm, vào lúc tỷ lệ được lòng dân của ông Obama, người chắc chắn sẽ ra tái ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa, đang xuống thấp, kinh tế Mỹ gặp khó khăn và thất nghiệp dao động ở mức 9%. Do vậy, ông Obama khẳng định là chính quyền của ông đã đóng vai trò quyết định trong việc đạt được thỏa thuận này. Cũng tại Indonesia, ông Obama dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, đánh dấu sự tham gia chính thức của Hoa Kỳ vào khối 18 nước trong đó có Trung Quốc.
 
Trong dịp này, nguyên thủ Hoa Kỳ thông báo sẽ cử Ngoại trưởng Hillary Clinton sang Myanmar vào tháng 12 tới, sau những động thái đáng khích lệ của chính quyền dân sự trong lĩnh vực cải cách chính trị và nhân quyền. Theo ông Tom Donilon, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, thì chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương thể hiện sự chỉnh hướng quan trọng và chiến lược trong chính sách của Hoa Kỳ, một sự cân bằng lại với việc Hoa Kỳ tăng cường hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương. Bên lề hội nghị, Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Mặc dù có được đồng thuận trên một số hồ sơ như CHDCND Triều Tiên, Iran, quan hệ Mỹ - Trung vẫn căng thẳng, đặc biệt trong hai vấn đề: Bắc Kinh giữ tỷ giá đồng nhân dân tệ thấp so với đô-la và vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.

Nhận định về chuyến công du của Tổng thống Mỹ, có thể tóm gọn như sau: Obama rời châu Á, nhưng Hoa Kỳ thì ở lại.

 
Tổng thống Hoa kỳ nhấn mạnh, việc giảm bớt chi tiêu quốc phòng của Hoa Kỳ sẽ không ảnh hưởng đến châu Á - Thái Bình Dương: ”Khi lên kế hoạch ngân sách cho tương lai, chúng tôi sẽ phân bổ nguồn lực cần thiết để duy trì sự có mặt quân sự mạnh mẽ của chúng tôi trong khu vực. Chúng tôi sẽ bảo tồn năng lực vô song để ngăn chặn các mối đe dọa tới hòa bình”.
 
Ông Obama còn cho biết, Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc và cải thiện sự liên hệ giữa hai cường quốc: “Chúng tôi thấy rằng Trung Quốc có thể là một đối tác, từ việc giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đến việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân. Chúng tôi phải tìm nhiều cơ hội hơn nữa để hợp tác với Bắc Kinh, kể cả liên lạc nhiều hơn giữa quân đội hai nước, thúc đẩy hiểu biết và tránh những bước đi sai lầm”. Ông khẳng định, Hoa Kỳ thảo luận thẳng thắn với Trung Quốc về “tầm quan trọng của việc duy trì các thông lệ quốc tế”.

SONG HÀ (Theo AFP, RFI)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH