Ông Eric Goosby - Đại sứ, Điều phối viên Toàn cầu của Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS vừa có chuyến thăm Việt Nam. Nhân dịp này, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc phỏng vấn ông Goosby về thực trạng và ứng phó của Việt Nam đối với vấn đề HIV/AIDS.
PV: Ông đánh giá thế nào về vấn đề HIV/AIDS ở Việt Nam và sự ứng phó của Chính phủ?
Đại sứ Eric Goosby: Chính phủ Việt Nam đã ứng phó mạnh mẽ trong việc xác định rõ thực trạng HIV ở Việt Nam. Họ đã có nhận thức chân thành và từ đó công nhận vai trò của các nhóm cộng đồng chủ chốt (người làm nghề mại dâm, người tiêm chích ma túy, người quan hệ tình dục đồng tính nam và các khách mua dâm) cũng như thừa nhận sự lây lan của virut trong các cộng đồng này. Họ cũng đã công nhận phải đặt công tác dự phòng và điều trị HIV ở vị trí tương xứng, điều quan trọng có tính quyết định. Họ thấy được tầm quan trọng của việc tiếp tục lập sơ đồ về virut trong dân chúng và về công tác ứng phó. Chính phủ Việt Nam cũng đóng vai trò quy tụ trong việc xác định và thu hút các nguồn lực bên ngoài để bổ sung cho nguồn lực của chính họ. Chính phủ Việt Nam đã hết sức nỗ lực để phân bổ đồng đều công tác dự phòng và điều trị HIV cho các nhóm dân số bên lề mặc dù công tác này đặt ra những thách thức cho các nguồn lực tài chính của đất nước và kéo căng năng lực của cơ sở hạ tầng về y tế hiện nay. Họ đã xác định được những ưu, nhược điểm của hệ thống và đang bắt đầu xử lý.
Tôi đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam đạt được trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là vai trò lãnh đạo và giám sát của Bộ Y tế Việt Nam. Nhờ thành tựu đạt được, Việt Nam đã được PEPFAR (Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS) và Quỹ Toàn cầu lựa chọn là nước thí điểm thực hiện chương trình trong thời gian sắp tới.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Đại sứ Eric Goosby cùng các cán bộ Bộ Y tế Việt Nam. Ảnh: HB |
PV:PEPFAR đang trợ giúp như thế nào và ông có kế hoạch sẽ trợ giúp gì hơn thế nữa?
Đại sứ Eric Goosby: PEPFAR luôn cam kết duy trì quan hệ đối tác vững mạnh với Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Đến nay, quan hệ đối tác đã kéo dài 10 năm và nó sẽ tiếp tục được trân trọng. Chuyển đổi các chương trình thành các dịch vụ bền vững là ưu tiên hàng đầu. Hoa Kỳ luôn cam kết làm việc với Việt Nam để xác định gói các dịch vụ HIV/AIDS cấp thiết mà các nhóm cộng đồng sẽ cần đến.
PV: Ông có thể nói khái quát về sự thay đổi chiến lược của PEPFAR ở Việt Nam như đã được thảo luận trong các cuộc họp của ông ở đây?
Đại sứ Eric Goosby: Chiến lược của chúng tôi là ghép những nhu cầu đó với nhiều bên tham gia để duy trì bền vững và mở rộng công tác ứng phó với HIV/AIDS. Năng lực của chúng tôi để làm việc này là bằng cách chuyển sang một quá trình cho phép hội tụ các nguồn lực bổ sung cho các nguồn lực của chính Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ là bên có khả năng tốt nhất để quy tụ quá trình này.
PV: Cảm ơn đại sứ!
Ðại sứ Eric Goosby giữ vị trí Ðiều phối viên Chương trình phòng, chống AIDS toàn cầu của Hoa Kỳ, lãnh đạo các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Chính phủ Hoa Kỳ trên toàn thế giới. Trong vai trò này, Ðại sứ Goosby giám sát việc thực hiện Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR), cũng như phần tham gia của Chính phủ Hoa Kỳ vào Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét. Ðại sứ Goosby cũng là người đứng đầu Văn phòng Ngoại giao y tế mới được thành lập thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Văn phòng này có chức năng chỉ đạo tất cả các hoạt động đối ngoại để thúc đẩy sứ mệnh đóng góp cho y tế toàn cầu của Hoa Kỳ với mục đích cải thiện và đảm bảo sức khỏe của người dân và thúc đẩy tính bền vững thông qua việc chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia. Văn phòng Ngoại giao y tế cũng tập trung vào hoạt động hỗ trợ đối ngoại trong quá trình thực hiện các nguyên tắc và mục tiêu của Sáng kiến Y tế toàn cầu của Hoa Kỳ. |