Hà Nội

Hỏa hoạn tại TP.HCM: Khi người dân tự rước lấy bà hỏa

08-11-2014 13:22 | Thời sự
google news

SKĐS - Nguyên nhân gây cháy theo số liệu thống kê do chập điện chiếm hơn 60%. Đáng báo động, đa phần số vụ hỏa hoạn là do sơ suất của người dân

Trong 9 tháng đầu năm 2014, số vụ cháy trên địa bàn TP.HCM đã giảm, tuy nhiên, số người chết lại tăng. Nguyên nhân gây cháy theo số liệu thống kê do chập điện chiếm hơn 60%. Đáng báo động, đa phần số vụ hỏa hoạn là do sơ suất của người dân.

Số vụ cháy giảm nhưng người chết lại tăng

Theo số liệu thống kê của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 221 vụ cháy, giảm 244 vụ, tỉ lệ 52,47%. Số vụ cháy do lực lượng Cảnh sát PC&CC trực tiếp cứu chữa là 165 vụ chiếm 74,66%, số vụ cháy do lực lượng tại chỗ tự dập tắt 56 vụ, chiếm 25,34%. Địa bàn xảy ra cháy nhiều nhất là quận Tân Bình. Nhà dân xảy ra cháy nhiều nhất với 107/221vụ. Lực lượng Cảnh sát PC&CC đã điều tra làm rõ nguyên nhân 185/221 vụ cháy. Trong đó, nguyên nhân gây cháy nhiều nhất là do sự cố và vi phạm quy định trong sử dụng điện (chiếm 77,3%).

 

Nguyên nhân gây ra các vụ cháy hơn một nửa là từ điện 

Nguyên nhân gây ra các vụ cháy hơn một nửa là từ điện

Điều đáng lo ngại, số vụ cháy giảm nhưng số người chết lại tăng. Đã có 15 người chết, tăng 9 người so với cùng kỳ năm 2013. Và đã có 10 người bị thương (giảm 9 người). Về tài sản, ước tính thành tiền khoảng 43 tỉ 900 triệu đồng, còn 28 vụ chưa ước tính thành tiền. Trong thời gian này, trên địa bàn Thành phố còn xảy ra 8 vụ tự đốt gây cháy làm 2 người chết (tăng 2 người) và bị thương 7 người. Thành phố cũng đã xảy ra 2 vụ nổ làm chết 5 người và bị thương 3 người. Ngoài ra, Cảnh sát PC&CC TP.HCM còn nhận được 830 tin báo cháy và đã điều động lực lượng, phương tiện đến các điểm báo cháy, nhưng không triển khai cứu chữa, mà do lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời khi cháy mới phát sinh, không có thiệt hại.

Bình tĩnh thì lành, hoảng hốt thì nguy!

Theo Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP.HCM, trong tất cả các vụ cháy, sự sơ suất, bất cẩn của người dân là lỗi chủ quan cơ bản. Chủ yếu, do người dân sử dụng dây điện không phù hợp, câu, mắc không đúng quy định… dẫn đến tình trạng chập điện và gây cháy. Thêm vào đó, người dân thường sử dụng nơi ở làm nơi chứa đồ để kinh doanh buôn bán nên nguy cơ cháy càng cao, hậu quả gây ra càng nghiêm trọng. Và đặc biệt, người dân thường chưa chú tâm tới việc tạo lối thoát để khi có sự cố có thể thoát thân. Một trường hợp rất đau lòng là vụ cháy làm 7 người chết trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, nguyên nhân cháy được xác định là do điện, nhà chỉ có lối thoát duy nhất lại chứa rất nhiều đồ dễ cháy.

Đại tá Lê Tấn Bửu cho biết, theo đúng quy định phải sử dụng cầu dao, cầu chì tự ngắt, hiện nay đã có loại chống được quá tải, rò rỉ… nhưng người dân rất ít khi sử dụng. Người dân cần sử dụng những thiết bị điện này. Nhà phải có lối thoát hiểm, thiết bị chống cháy, chống lan. Trong trường hợp xảy ra cháy, người dân bình tĩnh xử lý sẽ lành còn hốt hoảng sẽ rất nguy hiểm.

Khi có cháy hãy bình tĩnh suy xét là yếu tố quan trọng nhất. Dùng các thiết bị chữa cháy có sẵn dập tắt đám cháy. Nếu không dập được cháy hãy đóng cửa phòng bị cháy lại. Nếu phải băng qua lửa thì hãy dùng chăn, áo thấm nước ướt trùm lên người. Bò hoặc đi khom người khi di chuyển trong vùng có nhiều khói. Nếu có điều kiện, hãy dùng khăn thấm nước bịt mũi, hạn chế hít phải khí độc. Khi mở cửa, nên tránh mặt, né người sang một bên đề phòng lửa tạt (để tránh tổn thương do hiện tượng chênh lệch áp suất). Khi vào phòng nếu thấy có khói lùa vào hãy dùng vải, giẻ ướt chặn lấy chân cửa.

Trong trường hợp cháy xảy ra tại các tòa nhà, tìm các lối thoát nạn sẵn có theo đèn chỉ dẫn (hoặc nghe thông báo qua hệ thống truyền thanh, vô tuyến). Có thể tìm lối thoát sang các phòng khác. Lưu ý hãy sử dụng cầu thang bộ hay theo lối đèn có chữ “EXIT” - lối ra, để thoát nạn. Tuyệt đối không dùng thang máy vì khi xảy ra hỏa hoạn có thể nguồn điện bị ngắt, bạn sẽ kẹt trong đó.

Nếu không tìm thấy lối ra cửa chính, hãy di chuyển ra ban công hoặc mở cửa sổ. Rồi từ ban công/cửa sổ hãy hô to cho mọi người biết. Sau đó, gọi ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy (số 114) để thông báo vị trí cụ thể của mình. Trong khi chờ đợi lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp, hãy tìm các phương tiện cứu nạn có sẵn trong tòa nhà được trang bị từ trước như thang, dây thoát hiểm để xuống. Hãy quan sát kỹ để tìm kiếm phương tiện, đôi khi tấm rèm, ga xé dọc, quần áo gió buộc lại cũng có thể là phương tiện giúp thoát nạn. Tuyệt đối không hoảng hốt, nhảy từ trên cao xuống sẽ rất nguy hiểm.

Minh Anh

 


Ý kiến của bạn