Hoa Hậu Việt Nam 2014: Vương miện phiên bản mới và những thú vị khác

21-10-2014 10:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

Chiếc vương miện phiên bản mới độc đáo và những nội dung quan trọng nhất của vòng chung khảo khu vực phía Bắc đã được giới thiệu trong họp báo sáng qua 20/10 tại khách sạn Melia, Hà Nội.

“Đột phá trong lịch sử thiết kế và chế tác vương miện

Đó là nguyện vọng của nghệ nhân quốc gia Hồ Thanh Tuấn: “Với ý tưởng và đường nét độc đáo cùng nguyên vật liệu quý hiếm, tôi mong vương miện năm nay sẽ được ghi nhận như sự đột phá trong lịch sử thiết kế và chế tác vương miện cho cuộc thi nhan sắc lớn nhất Việt Nam”.

Trưởng Ban tổ chức Lê Xuân Sơn (đứng) và đại diện các bên trong họp báo

Chiếc vương miện đã lập tức được tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác nhận kỷ lục Guinness Việt Nam tại họp báo, là “Vương miện đính viên ngọc trai trống đồng lớn nhất và có nhiều ngọc trai tự nhiên nhất”.

Hồ Thanh Tuấn kể ông và 20 đồng sự của Công ty ngọc trai Hoàng Gia đã trăn trở để tạo chiếc vương miện khác biệt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc thi.

Hội tụ báu vật của tự nhiên và tinh hoa văn hóa dân tộc với điểm nhấn là viên ngọc trai trống đồng 15 mm màu vàng kim đặt tại tâm. Ngọc trai trống đồng được Cục bản quyền cấp bằng, là ngọc trai độc quyền đầu tiên trên thế giới theo phương pháp Hồ Thanh Tuấn.

Bao bọc chung quanh có 18 viên ngọc trai màu vàng kim hình dạng tự nhiên như những giọt sương đọng trên búp sen, tôn vinh người đội nó. 36 viên ngọc trai biển Akoya màu trắng tinh khiết khác góp phần điểm tô, cùng với gần 1.000 viên kim cương đậu trên các họa tiết cánh sen tạo ánh sáng lấp lánh làm báu vật thêm lung linh.

Có gì mới ở Nắng Sông Hồng?

Một số người phát biểu, trước họp báo chưa hề biết Làng văn hóa du lịch Nắng Sông Hồng là đâu dù nó chỉ cách cầu Chương Dương chưa đầy 2 cây số. Là bởi làng mới khai trương vài tháng nay. Nơi thí sinh tập luyện 4 ngày liền, ghi hình, hát múa và nhất là diễn ra đêm hội chung khảo.

Một không gian trữ tình lãng mạn dọc bờ bãi sông Hồng tạo bởi gạch vồ, gạch bát, đá xanh, ngói gốm...; khu thủy đình rối nước; 5 nhà hàng; quầy bar ngoài trời lợp tre trúc; chưa kể sân khấu 300 chỗ, khu vui chơi trẻ em, trò chơi dân gian...

Trưởng Ban tổ chức, Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn sau khi cảm ơn đóng góp nhiệt thành của các nhà tài trợ, đã giới thiệu sơ bộ số lượng cũng như chất lượng thí sinh phía Bắc năm nay, khẳng định quy mô nâng hẳn so với các kỳ trước từ vương miện phiên bản mới, tài trợ đông đảo, vòng thi hai khu vực đều dài, kỳ công hơn.

Các tiết mục văn nghệ đêm chung khảo được đạo diễn trẻ Hoàng Nhật Nam dàn dựng dựa trên các yếu tố vừa truyền thống vừa hiện đại với sự tham gia của ca sĩ Mỹ Linh, Hoàng Hải, Lưu Hương Giang...

Ban giám khảo năm nay, trẻ nhất là hoa hậu Ngọc Hân.

Chuẩn Hoa hậu Việt Nam và thế giới: Như nhau

Mối quan tâm của báo chí chủ yếu xoay quanh các vấn đề: Tiêu chí lựa chọn BGK năm nay nhất là Trưởng BGK, vì sao lại 5 chứ không phải 7 người; giá trị hiện kim của vương miện và chuẩn hoa hậu Việt Nam có khác gì so với hoa hậu thế giới.

Giám khảo năm nay, như đã thông tin, gồm: Nhà thơ - Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội; biên đạo múa Trần Ly Ly - Phó hiệu trưởng Trường Múa TPHCM; nhà thơ nhà báo Hữu Việt (Phó ban Văn hóa Văn nghệ báo Nhân Dân); hoa hậu Ngọc Hân và tiến sĩ nhân trắc học Lê Diệp Linh.

Thường lần nào giám khảo cũng có một hoa hậu. Năm nay Ngọc Hân được chọn, lý do theo ông Sơn vì cô là hoa hậu của cuộc cận kề nhất (giám khảo đương kim không được chấm) và nổi bật trong các hoạt động xã hội, từ thiện từ khi đăng quang.

Có một câu hỏi: Gần đây trong một bài báo, hoa hậu châu Á Hương Giang nhận xét rằng chuẩn hoa hậu Việt Nam rất khác hoa hậu thế giới, đây cũng là lý do nhan sắc Việt khó giành giải cao tại đấu trường quốc tế?

Được mời trả lời, nguyên Tổng biên tập Dương Xuân Nam, cố vấn cuộc thi năm nay đồng thời từng chấm nhiều cuộc thi sắc đẹp quốc tế, chia sẻ:

Ngay từ cuộc thi hoa hậu đầu tiên do báo Tiền Phong tổ chức năm 1988, đã đồng hành với thế giới. Năm đó người đăng quang thế giới là hoa hậu Phon-thít người Thái Lan, chúng tôi đã nghiên cứu qua băng hình và tư liệu khác để áp dụng các tiêu chí của cuộc thi.

Tôi từng chấm nhiều cuộc quốc tế, thấy không khác gì so với cuộc trong nước mà chúng tôi tổ chức. Chỉ có điều khi ra thế giới hoa hậu của chúng ta có ba điểm yếu.

Thứ nhất là giao tiếp ứng xử, thiếu tự nhiên thoải mái, thiếu sự chân thành thẳng thắn mà chủ yếu là thuộc bài! Thứ hai, ngoại ngữ yếu nên hội nhập kém. Thứ ba là chiều cao chưa đạt. Chứ về nhan sắc thì chúng ta cũng không thua kém lắm đâu.

Không chỉ những cuộc sau này mà ngay từ đầu chúng tôi đã áp dụng chuẩn hoa hậu thế giới vào Việt Nam, cho nên nói khác nhau thì chỉ là nhận xét của một ai đó và nó không chuẩn.

Về giá trị hiện kim của chiếc vương miện phiên bản mới, nghệ nhân Hồ Thanh Tuấn đáp khôn khéo câu hỏi của một phóng viên:

Tôi là người làm nghệ thuật và khi bạn vẽ một bức tranh, sẽ rất khó để bạn đong đếm giá trị nguyên vật liệu làm ra nó. Suốt ba tháng nay tôi không tính tới giá trị của vương miện cho đến ba ngày gần đây, Ban tổ chức yêu cầu nêu giá trị để ghi nhận đóng góp của Công ty Hoàng Gia thì hội đồng thẩm định mới được lập ra, cuối cùng tôi tạm hài lòng với con số 2 tỷ rưỡi hội đồng đưa ra. Tuy nhiên đối với tôi bây giờ, vương miện này đã trở thành vô giá.

 

 

 


Ý kiến của bạn