Hoa hậu, đạo diễn ngồi lên sách: Sai thì nhận sai, phân trần làm gì

07-07-2014 09:49 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hẳn nhiên, sách để đọc, tra cứu. Song với một xã hội trọng hình thức hơn nội dung, quen đánh giá bản chất sự việc bằng hiện tượng, sách còn để làm nhiều hơn thế.

Hẳn nhiên, sách để đọc, tra cứu. Song với một xã hội trọng hình thức hơn nội dung, quen đánh giá bản chất sự việc bằng hiện tượng, sách còn để làm nhiều hơn thế.

1. Căn gác nhỏ số 5, Đinh Lễ của bà Mão không là xa lạ với những người yêu sách Hà Nội. Đặc biệt là những sinh viên nghèo, khát chữ. Căn gác nhỏ được chia ra làm 4-5 phòng bé xíu rộng chừng 10 mét vuông. Mỗi loại sách được chia ra một phòng riêng.

Từ hướng cầu thang đi lên, căn phòng bên phải, lớn nhất chứa các loại sách công cụ về kinh tế, ngoại ngữ, sức khỏe, triết lý sống... Căn phòng liền đó chứa sách văn học nước ngoài. Căn phòng đối diện chứa sách văn học trong nước... Nói chung, đó là một hiệu sách "thập cẩm" tương đối đầy đủ và hoàn thiện.

Căn gác cũ kỹ ở phố sách Đinh Lễ (ảnh Tiền Phong)

Hiệu sách của bà Mão có 3 đặc điểm chính khiến căn gác cũ kỹ, mốc meo vẫn được rất nhiều người yêu sách thủ đô tìm đến. Thứ nhất, sách ở đây giá rẻ (nhiều người cho rằng do sách in nối bản ?!). Thứ hai, những nhân viên bán sách cũng như bà chủ rất am tường những sản phẩm của mình. Ngoài việc thuộc lòng tên các loại sách để người mua dễ dàng tìm thấy cuốn sách định chọn, những người bán sách ở đây còn sẵn sàng hướng dẫn người mua những cuốn sách ưng ý theo miêu tả nhu cầu của người mua.

Và điểm cuối cùng cũng là lý thú nhất hiệu sách này là người yêu sách có thể ngồi trong những căn phòng chật chội đọc sách cả ngày, thậm chí cả tuần, cả tháng trời mà không cần mua cuốn sách nào. Nhiều người đã gắn liền thời sinh viên của mình trong những căn phòng chật chội dặt sách đó.

Nhưng trong những căn phòng độ chục mét vuông, sách kê 4 góc tường, xếp kín sàn cao tới hàng mét, ba bốn người ngồi đâu để đọc những cuốn sách đó? Tất nhiên, phải ngồi lên sách. Mà sách ở đây không phải chỉ là những cuốn sách ngôn tình ba xu, dưới mông đám sinh viên là cả những kinh điển Khổng Tử, triết học Hy Lạp và ti tỉ thứ được coi là tinh hoa nhân loại.

Lúc đó, đám trẻ cứ thấy sách là đọc, cứ thấy chữ là yêu ấy không băn khoăn nhiều về hình tượng "ngồi lên sách". Dù chẳng ai cổ súy nhưng cũng chẳng có ai nâng cao quan điểm để chỉ trích chúng về điều ấy.

2. Mọi chuyện chỉ thực sự ồn ào trong những ngày qua, khi một đạo diễn sắc sảo giỏi ăn nói có tiếng cùng một cô hoa hậu ngồi trên chiếc ghế ở dưới được kê bằng những quyển sách trong phim trường. Giật mình, sốc, choáng váng, bất bình là những từ được các thành viên các diễn đàn, mạng xã hội thốt lên. Nhiều người yêu văn hóa còn khăng khăng không tin, cho rằng đấy là trò đùa ác ý của cư dân mạng bằng Photoshop.

Bức hình "ngồi trên sách" gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây

Sau đó, cả ekip thực hiện chương trình, cô hoa hậu và vị đạo diễn đều đã lên tiếng xác nhận vụ việc. Ekip thực hiện chương trình xin lỗi và thanh minh rằng trời mưa, ekip không ra ngoài tìm được đạo cụ nên buộc phải dùng sách để kê ghế cho vừa khuôn hình ?!. Cô hoa hậu cũng xin lỗi và khẳng định mình là người yêu sách, do gấp gáp nên đến trường quay là ngồi vào ghế và thực hiện phỏng vấn ngay, không biết sách kê ở dưới ?!. Vị đạo diễn nổi tiếng chua ngoa thì cương quyết cho rằng chương trình chưa thành phẩm thì người xem chưa vội phán xét. Và rằng dẫu có sao thì đấy là lỗi của ekip dựng hình, không phải lỗi của ông ?!.

Giá mà các vị chỉ lên tiếng xin lỗi và đừng thanh minh hay khăng khăng nhận mình "là người yêu sách"!

Vì cái hình ảnh ngồi lên sách và đạo mạo bàn chuyện trời bể của các vị (những người có tác động lớn tới công chúng) là phản cảm quá rõ rồi. Và nữa, "thuyết âm mưu" trong môi trường truyền thông mạng xã hội hiện nay khiến vụ việc càng trở nên tệ hại vì những lời thanh minh. Người ra sẽ bẻ từng câu chữ thanh minh ra phân tích, suy diễn; người ta sẽ hình tượng hóa khuôn hình đề cao quan điểm rồi đánh giá một cách mỉa mai và đầy nghi ngờ.

Nên rằng, sai thì phải nhận là sai. Xin lỗi một cách chân thành và trách nhiệm. Đừng phân trần, né tránh!

Còn phía bên kia, công chúng, những người đọc trung bình khoảng 0,8 cuốn sách/ năm (số liệu năm 2013 của Tổng cục Thống kê), giá mà mọi người bớt phức tạp hóa câu chuyện và đóng góp một cách xây dựng. Giá mà những người đọc nhiều nhớ về cái thủa hàn vi ở số 5, Đinh Lễ.

Như thế sách sẽ trở về giá trị sơ khai, cốt lõi của nó là để đọc, nghiên cứu. Chứ không phải gánh thêm chức năng của một hiện vật mang tính biểu tượng, một biểu tượng phủ đầy bụi trên giá của những "nhà đạo đức"./.

 

 


Ý kiến của bạn