Hóa giải nỗi lo tiêu hóa trong bữa ăn ngày lễ tết

06-02-2021 19:37 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy... là những chứng bệnh về đường tiêu hóa mà rất nhiều người gặp phải trong dịp lễ tết.

Bạn hãy thay đổi và thông minh lựa chọn những cách ăn uống và các thực phẩm lành mạnh để kỳ nghỉ lễ tết thật sự trọn vẹn và ý nghĩa với bạn và những người thân.

Bữa ăn ngày lễ tết thường gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của dạ dày nói riêng và hệ tiêu hóa nói chung. Trong suốt những tuần trước và sau dịp lễ tết, dạ dày chúng ta phải chịu đựng lượng thức ăn nhiều hơn ngày thường với những món ăn truyền thống nhiều chất như giò, chả, xôi, gà, nem, thịt nướng, thịt rán, rượu bia, bánh kẹo... Kết cục là chúng ta phải trả giá cho việc ăn uống quá nhiều dẫn đến cuối ngày bụng đầy chướng, khó chịu, ruột gan cồn cào, thậm chí có người phải lụy đến thuốc vì không chịu được.

Vậy chúng ta hãy trang bị cho bản thân và các thành viên trong gia đình những kiến thức về việc ăn uống đúng cách và khoa học, để phá vỡ vòng luẩn quẩn “ăn uống - đầy bụng - chướng hơi - trào ngược - mất vui ngày lễ tết”. Hãy tận hưởng những ngày nghỉ bên gia đình, thưởng thức những món ăn ngon mà không lo bị ợ chua, đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy hay táo bón.

bữa ăn ngày lễ tếtBánh chưng và dưa góp thường được ăn cùng nhau.

Tại sao chúng ta thường bị các vấn đề tiêu hóa trong kỳ nghỉ lễ?

Ăn nhiều: Khi bạn càng nhồi nhét nhiều thức ăn vào dạ dày, thì càng gây áp lực lên cơ thắt của thực quản (đó là cơ giữ không cho thức ăn ngược trở lại từ đường tiêu hóa dưới). Tuy nhiên, khi áp lực đủ lớn do dạ dày quá đầy, thức ăn và acid từ dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản, gây ra ợ chua, ợ nóng. Ngoài ra, ăn quá nhiều cũng làm chậm quá trình tiêu hóa, gây đau dạ dày và táo bón.

Thức ăn nhiều chất: Thực phẩm ngày lễ tết thường có nhiều đường và chất béo. Cả hai loại này đều gây tăng cân trong vài tháng sau tết. Tình trạng dư cân sẽ gây khó chịu cho dạ dày. Trong khi đó, thức ăn nhiều dầu mỡ sẽ ngay lập tức làm chậm quá trình tiêu hóa và có thể gây trào ngược dạ dày. Một số thực phẩm có thể gây trào ngược dạ dày như bánh kẹo ngọt, chocolate, café, rượu, các loại thực phẩm có tính acid (thường có vị chua).

Thiếu chất xơ: Hãy nghĩ về món ăn yêu thích của bạn trong các dịp lễ tết đi nào. Có lẽ đó không phải là rau củ quả hay ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, yến mạch...phải không? Vấn đề là ở đó. Bữa ăn ngày lễ tết thường bị thiếu các loại thực phẩm này, thiếu chất xơ chính là nguyên nhân khiến bạn chán ăn và bị táo bón.

Những căng thẳng trong ngày nghỉ: Nghe thật lạ khi ngày nghỉ lại căng thẳng? Nhưng thực ra những căng thẳng trong dịp lễ tết có thể đến từ việc bạn phải dọn dẹp nhà cửa đón tết, mua sắm, nấu ăn cho ngày tết, hay thậm chí có thể gặp phải những xung đột gia đình trong dịp lễ tết. Tất cả những căng thẳng đó có thể dẫn đến đau dạ dày và ợ chua. Một số người khi gặp căng thẳng còn có xu hướng ăn nhiều hoặc uống rượu. Cách giải quyết này sẽ gây ảnh hưởng thêm đến dạ dày và đường tiêu hóa.

 bữa ăn ngày lễ tếtĐầy bụng khó tiêu là triệu chứng thường xảy ra trong dịp tết.

Hóa giải đầy bụng, khó tiêu trong dịp lễ tết

Hãy hiểu rõ cơ thể mình: Hãy chủ động lập kế hoạch trước cho dịp lễ tết và để mắt đến những thực phẩm mà bạn sẽ ăn trong dịp này.

Ghép cặp thực phẩm: Thực tế là những ngày nghỉ bạn sẽ nghỉ ngơi và ăn uống nhiều hơn ngày thường - ai cũng vậy. Vấn đề là bạn hãy lên một chiến lược nghỉ ngơi và ăn uống sao cho khoa học và phù hợp nhất. Hãy nghĩ về món ăn bạn ưa thích nhất và lên kế hoạch để ăn món đó một cách thông minh. Chẳng hạn, ngày tết bạn thích ăn bánh chưng/bánh tét. Vậy hãy lên kế hoạch để bữa ăn ngày tết của bạn có bánh chưng/bánh tét mà vẫn không bị đầy bụng. Vì đây là món ăn nhiều năng lượng, nhiều tinh bột, ít chất xơ, nên bạn hãy nhớ chuẩn bị nhiều rau củ quả ăn kèm cùng bánh chưng/bánh tét trong bữa ăn, ví dụ các món dưa góp, nộm củ quả, rau luộc...

Nguyên tắc bù đắp: Nếu bạn biết trước rằng bạn sẽ có một bữa ăn nhiều đồ béo trong bữa tiệc tối với cả gia đình, hãy bù lại bằng cách ăn uống lành mạnh vào bữa trưa. Các loại rau xanh, củ quả và ngũ cốc giàu chất xơ sẽ giúp giữ cho đường tiêu hóa của bạn hoạt động bình thường. Bạn cũng có thể uống bổ sung chất xơ hòa tan hoặc sử dụng các loại thực phẩm giàu xơ trước khi vào bữa tiệc tối.

Ăn có ý thức: Từ rằm tháng Chạp, đến ông Công, ông Táo cho đến Tết và rằm tháng Giêng, bạn sẽ thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều đồ ăn hơn ngày thường. Hãy luôn để ý đến những gì bạn đang ăn. Đừng để việc ăn uống trở nên mất kiểm soát và theo trào lưu, theo lời mời mà không có điểm dừng cho bản thân.

Hãy ăn chậm thôi: Đó là lời khuyên hữu ích cho tất cả các ngày trong năm, cho bất kỳ lúc nào khi bạn ăn hay uống. Tuy nhiên, lời khuyên đó lại trở nên cực kỳ quan trọng trong dịp lễ tết. Khi ăn chậm, nhai kỹ, điều đó có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn đối với sức khỏe của bạn. Nó sẽ giúp dạ dày tiêu hóa tốt hơn, không bị chướng bụng, khó tiêu. Đồng thời, nó giúp bạn không có xu hướng ăn nhiều hơn nhu cầu mà cơ thể cần, giúp bạn tránh được việc ăn quá nhiều và các cơn thèm ăn (nếu có).

Hạn chế rượu bia: Bản thân rượu có thể gây kích thích đường tiêu hóa, gây ợ chua, ợ nóng. Nó có thể khiến bạn mất kiểm soát cơ thể, từ đó có thể ăn uống nhiều hoặc ăn những thực phẩm không tốt cho sức khỏe của bạn.

Vận động: Sau mỗi bữa ăn no hoặc bữa ăn nhiều chất, đừng nằm dài trên giường xem ti vi. Chắc chắn bạn sẽ bị ợ chua, ợ nóng và thậm chí trào ngược dạ dày. Thay vào đó, hãy đi dạo một lát. Nói chung, hãy cố gắng duy trì kế hoạch tập thể dục thường xuyên của bạn trong những ngày nghỉ lễ tết. Sẽ là một thiếu sót lớn với sức khỏe của bạn nếu bạn quên lên kế hoạch vận động cho những ngày nghỉ dài.

Hãy chủ động lên kế hoạch ăn uống và vận động cho dịp lễ tết sắp tới và tận hưởng một cách trọn vẹn niềm vui của tết đoàn viên và những bữa cơm ấm áp bên gia đình một cách an toàn và khỏe mạnh.

Ăn chậm, nhai kỹ sẽ giúp dạ dày tiêu hóa tốt hơn, không bị chướng bụng, khó tiêu. Đồng thời, giúp bạn không ăn nhiều hơn nhu cầu mà cơ thể cần, tránh được việc ăn quá nhiều và các cơn thèm ăn (nếu có).


TS. BS. Nguyễn Thanh Hà (Bệnh viện Phổi Trung ương)
Ý kiến của bạn