Hóa giải chứng lo âu, hoảng sợ bằng thuốc gì?

17-12-2015 10:39 | Dược
google news

SKĐS - Không ít người bị chứng lo âu, hoảng sợ bệnh lý nhưng không khám chữa hay tự ý dùng thuốc. Đó là sai sót cần khắc phục.

Hầu hết mọi người đều có lo âu (anxiety), hoảng sợ (panic) vào một lúc nào đó, trước một việc nào đó song sẽ tự hết đi; đó là phản ứng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, cũng có khoảng 5% dân số (theo Mỹ) lại bị lo âu, hoảng sợ kéo dài, tồn tại độc lập hay phối hợp với vài bệnh khác; đó là chứng lo âu hoảng sợ bệnh lý, một trạng thái rối loạn tâm thần.

Nhận biết lo âu, hoảng sợ

Triệu chứng lo âu: lo âu có thể xảy ra thời gian ngắn (cấp), cũng có thể kéo dài (mạn). Lo âu không có cơn hoảng sợ, gọi là rối loạn lo âu lan tỏa. Đó là tình trạng lo lắng căng thẳng quá mức kéo dài, thường không có yếu tố kích động nào. Nội dung thường là lo bị thảm họa (thiên tai, địch họa, ngày tận số), lo cuộc sống (tiền bạc, công việc, gia đình). Trong rối loạn lo âu lan tỏa có thể có những cơn hoảng sợ cấp hay định kỳ.

Triệu chứng: dễ bị kích thích: bực bội, cáu gắt, căng thẳng, hoang mang, mất ngủ, mệt mỏi. Đau đầu: căng cơ, đặc biệt ở đầu cổ lưng, có thể có cảm giác nặng đầu, đau đầu, khó chịu, đau có thể xuất hiện ở phía sau đỉnh đầu hay trán. Rung cơ: run rẩy, đặc biệt ở cánh tay bàn tay, có thể run, rung toàn thân. Hoạt tính của hệ thần kinh tự động tăng quá mức: dẫn tới đổ nhiều mồ hôi (ở lòng bàn tay), đỏ bừng mặt, khô miệng, tăng tiết nước bọt, rối loạn hệ tiêu hóa (có tiếng sôi trong dạ dày), có cảm giác bỏng rát trong dạ dày, trong ngực, trướng dạ dày, kèm với ợ, tiêu chảy, tiểu nhiều lần, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, ù tai, bàn tay nóng và ẩm, cảm giác như kiến bò ở lòng bàn tay, cảm giác vướng nghẹn trong họng và thở nhanh. Có các biểu hiện thần kinh: không thể thư giãn, luôn luôn bồn chồn, thấp thỏm, đứng ngồi không yên; biểu hiện bên ngoài hay giật lông mày, cử động không ngừng, nét mặt căng thẳng, cau có, run, rung rẩy đau cơ, dễ mỏi, sống trong cảm giác vô hồn và dè chừng bị hại. Tăng sự chú ý đến điều mình lo âu: dẫn đến xao nhãng, đãng trí, bị kích thích, khó tập trung vào những việc khác.

Người mắc chứng lo âu, hoảng sợ không thể thư giãn, luôn luôn bồn chồn, thấp thỏm, đứng ngồi không yên

Người mắc chứng lo âu, hoảng sợ không thể thư giãn, luôn luôn bồn chồn, thấp thỏm, đứng ngồi không yên

Triệu chứng hoảng sợ: hoảng sợ được mô tả là cảm giác khang khác, kỳ lạ, khó hiểu như một bóng ma, như một cái gì đó kinh khủng sắp xảy ra. Triệu chứng: có cơn hoảng sợ và luôn lo lắng có cơn hoảng sợ khác, lo lắng đến kết cục hậu quả của cơn hoảng sợ. Có thay đổi hành vi kèm theo cơn hoảng sợ (sợ chết, trở nên điên rồ, ngớ ngẩn, làm những điều không kiểm soát được cơn). Không có bệnh lý liên quan đến cơn hoảng sợ. Không liên quan với nỗi sợ trong đám đông. Tần suất xảy ra tùy theo cá thể, có người chỉ vài cơn trong đời, có người xảy ra thường xuyên trong tháng, tuần. Có ít nhất là 4 trong số các triệu chứng (tạm gọi là thực thể) kèm theo:

Đau vùng ngực: khác với đau vùng ngực ở bệnh tim; chỉ xảy ra trong vài giây, có thể lặp lại vài phút hay vài giờ, không liên quan đến sự gắng sức, xảy ra ngay cả khi nghỉ, không mất đi khi ngừng hoạt động thể lực, vẫn có thể hoạt động thể lực khi đau. Khó thở: thở nhanh hay sâu không theo nhịp vốn có; nhịp điệu ấy sẽ gây mất cân bằng khí, tạo ra tê chân tê tay hay có cảm giác như có kim châm đầu ngón chân, bàn chân, mặt, đầu óc quay cuồng, choáng váng. Cảm thấy tim đập mạnh hơn, cảm giác bị nghẹt thở, cảm giác bị loạng choạng, chao đảo, cảm giác có kiến bò ở bàn tay, bàn chân, cảm giác huyền ảo. Có cơn nóng bừng hay lạnh toát. Đổ nhiều mồ hôi. Ngất. Run: run rẩy, lắc lư.

Khám lo âu hoảng sợ: thầy thuốc chẩn đoán chủ yếu dựa vào lời khai của người bệnh; quan trọng là phải khai trung thực, không giấu giếm song cũng không tự khai ra những điều không thực cho phù hợp với gợi ý của thầy thuốc. Mặt khác, thầy thuốc cũng có thể dựa vào sự theo dõi quan sát sinh hoạt của người bệnh (nếu có điều kiện nên cho người bệnh nội trú để thầy thuốc có cơ hội tiếp xúc thu thập các hiện tượng để đưa ra chẩn đoán).

Thuốc hóa giải lo âu, hoảng sợ

Nhóm thuốc benzodiazepin (BZD):

Thái độ cũ: kể từ khi phát minh, đã thấy BZD có nhiều nhược điểm. Từ đó có một số đánh giá khe khắt tồn tại cho đến giờ. Một trong những đánh giá đó là ý kiến của Anthierens: “Dùng BZD lâu dài sẽ bị lờn, lệ thuộc thuốc, bị hội chứng cai, bị trầm cảm, suy giảm nhận thức, suy giảm tâm lý vận động. Lợi ích an thần là hạn chế, không bù được nguy cơ, đặc biệt với người cao tuổi”.

Thái độ mới: đa số thầy thuốc không còn giữ thái độ khe khắt. Điều này thể hiện trong kết luận rút ra từ các nghiên cứu của nhiều tác giá. Scherich và DuPont cho rằng: “Dùng lâu dài BZD kiểm soát chứng lo âu, hoảng sợ không liên quan đến việc suy giảm thần kinh - tâm lý, không gây ra vấn đề gì đáng kể cho hầu hết người bệnh…”. Theo Busto UE: “Không có bằng chứng có ý nghĩa lâm sàng nào chứng minh dùng BZD lâu dài dẫn tới teo não, thay đổi nhân cách”. Glasdjo và Bruce cũng khẳng định: “Những người có rối loạn lo âu dùng BZD thường có cảm giác chủ quan là bị suy giảm hay mất trí song nghiên cứu nghiêm túc thấy không có bằng chứng phi lâm sàng nào có ý nghĩa về tổn thương thần kinh-tâm lý”. Rộng lớn hơn, vừa qua Bỉ đã công bố một nghiên cứu cho biết: “Khảo sát 948 bác sĩ gia đình kê đơn dùng BZD thấy: có 50% không thấy có vấn đề gì; khoảng 25% coi việc quen dùng là có thể lý giải được khi người bệnh cảm thấy khá hơn, không gặp tác dụng phụ; khoảng 70% tin rằng kê đơn dùng trên dưới 1 tuần là hợp lý (dẫn theo Roger LadouceurFam Physycan - 2010). Theo đó, dùng BZD cẩn trọng có điều kiện là cần song nếu đi quá xa, cấm hoặc khuyên không dùng BZD mà chỉ dùng liệu pháp tâm lý thư giãn, thiền để chữa lo âu, hoảng sợ là không đúng. Lo âu, hoảng sợ là trạng thái rối loạn tâm thần, BZD có vai trò hóa giải trạng thái bệnh lý này.

Chọn thuốc: nhóm BZD có khoảng 20 thuốc, chia ra 3 phân nhóm: an thần - gây ngủ - trung gian (liều thấp an thần, liều cao gây ngủ). Với chứng lo âu hoảng sợ, chỉ dùng phân nhóm đầu, gồm các thuốc: alprazolam, bromazepam, chlordiazepoxid clorazepat. Chúng có cơ chế chung gắn kết với thụ thể GABA-(A) gây ra những thích nghi dài hạn trên các thụ thể này, làm cho cơ thể ít nhạy cảm với sự kích thích, do vậy, có tính giảm lo âu, thôi miên, giãn cơ, chống co giật song các thuốc có khác nhau chút ít: Alprazolam dùng trong chứng lo âu hoảng sợ vừa và nặng, các trạng thái lo âu liên quan đến trầm cảm. Bromazepam dùng trấn tĩnh, giải lo âu, chỉ khi liều cao mới có tính an thần thôi miên, giãn cơ. Chlordiazepoxid dùng giải lo âu, an thần, gây ngủ nhẹ; có tính chống co giật thư giãn cơ yếu, nên không dùng chống động kinh. Clorazepat có tính tính giải lo âu, an thần, giãn cơ, chống co giật; tính chống co giật khá mạnh, nên dùng chống động kinh, ít dùng hóa giải lo âu (riêng Anh cấm lưu hành).

Tác dụng không mong muốn: nằm trong nhóm BZD, chúng có thể gây quen thuốc, lệ thuộc thuốc, ngừng thuốc đột ngột có thể bị phản ứng nghịch thường. Tuy nhiên mức độ thấp hơn phân nhóm gây ngủ, chỉ một số người bị tác dụng không mong muốn này, thường xảy ra sau 4 tuần dùng.

Nhóm thuốc khác không thuộc BZD:

Bao gồm các thuốc có cấu tạo hóa học, cơ chế hóa giải lo âu hoảng sợ khác nhau:

Meprobamat: tác dụng lên thụ thể GABA (A) làm gián đoạn thông tin trong các tế bào thần kinh hình thành nên lưới và dây cột sống, giảm đau, thay đổi nhận thức đau. Theo TS Benger, meprobamat làm thư giãn trong khi các thuốc an thần khác lại có tính đàn áp hệ thần kinh trung ương. Dùng hóa giải lo âu khi thần kinh trung ương bị kích thích quá mức, lo âu gây khó ngủ, mất ngủ có khi còn dùng trong loạn thần nhẹ.

Fluoxetin: nếu lo âu, hoảng sợ là biểu hiện của bệnh trầm cảm thì dùng thuốc trầm cảm nhóm SSRI, thường dùng là fluoxetin. Fluoxetin ức chế tái nắm bắt serotonin, làm tăng serotinin trong synap, do vậy làm thay đổi trạng thái trầm cảm, chuyển từ trạng thái lo âu sang trạng thái vui vẻ. Fluoxetin thải trừ rất chậm. Nếu đang dùng fluoxetin mà muốn chuyển sang thuốc trầm cảm khác thì phải nghỉ dùng fluoxetin đủ 35 ngày.

Busprion: chất chủ vận từng phần thụ thể serotonin 5-HT9(1A) tiền và hậu synap, tạo nên tác dụng trung gian giữa giải lo âu và chống trầm cảm. Hiệu lực khởi phát chậm, có thể phải mất vài tuần sau khi dùng; trong khi BZD chỉ cần mất vài giờ. Bước đầu nên kết hợp với BZD để có hiệu lực sớm, sau đó bớt dần BZD, tăng dần busprion.

Citopiam: kháng histamin H, dùng như một thuốc an thần, giải lo âu.

Trimetozim: có tính hướng thần nhẹ, không gây thư giãn cơ, không làm biến đối các phản xạ; do đó, không ảnh hưởng đến hoạt động tâm thần, trí óc, các giác quan. Dùng hóa giải lo âu khi cảm xúc quá mức, thần kinh căng thẳng, rối loạn cư xử, kém thích nghi với môi trường.

Người bệnh cần lưu ý gì?

Khi bị lo âu hoảng sợ kéo dài, cần đến khám với thầy thuốc chuyên khoa tâm thần.Trong quá trình dùng thuốc cần tái khám theo lịch hẹn để thầy thuốc có quyết định tiếp tục hay ngừng dùng hoặc điều chỉnh thuốc nếu cần.

Liệu pháp tâm lý, thư giãn, thiền nên được phối hợp với dùng thuốc song không thể thay thế được thuốc. Chứng lo âu hoảng sợ là trạng thái rối loạn tâm thần; không dùng thuốc không thể chữa khỏi. Không nên sợ tác dụng phụ mà không dùng hay bỏ dùng thuốc giữa chừng.

Lo âu hoảng sợ xuất phát từ các nguyên nhân, có các trạng thái khác nhau. Dùng thuốc nào, phối hợp với liệu pháp không dùng thuốc ở thời điểm nào, phải có sự chỉ định, theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa tâm thần. Người bệnh, người nhà không có nhãn quan y học không thể nhận biết đúng. Tự ý dùng thuốc sẽ sai sót, làm nặng thêm bệnh, thậm chí có khi gây nguy hiểm.

Lo âu hoảng sợ xuất phát từ các nguyên nhân, có các trạng thái khác nhau. Dùng thuốc nào, phối hợp với liệu pháp không dùng thuốc ở thời điểm nào, phải có sự chỉ định, theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa tâm thần.

DS.CKII. BÙI VĂN UY


Ý kiến của bạn