Hà Nội

Hoa gạo: Tiêu viêm, giảm đau

SKĐS - Cây hoa gạo còn gọi là mộc miên, bông gạo. Trong các y thư cổ như Bản thảo cương mục, Lĩnh nam thái dược lục, Hải Thượng y tông tâm lĩnh..., các bộ phận của cây gạo như: vỏ, rễ, hoa đều được sử dụng để làm thuốc.

Dưới đây xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần.

Chữa viêm dạ dày và ruột cấp tính, tiêu chảy, đại tiện ra máu: Dùng 1 trong số bài thuốc sau:

Bài 1: hoa gạo 60g nấu với nước, thêm mật ong hoặc đường phèn, uống trong ngày.

Bài 2: hoa gạo, hoa kim ngân, phượng vĩ thảo mỗi vị 15g, sắc uống.

Bài 3: hoa gạo 30g sắc uống, chia làm 3 lần, uống trong ngày.

Chữa sưng đau vú sau sinh: rễ hoặc vỏ thân cây hoa gạo 30g sắc uống.

Chữa các bệnh viêm khớp, đau lưng, phong tê thấp: vỏ thân cây gạo 20g nấu lấy nước, bỏ bã, hòa vào chút rượu, uống lúc nóng, ngày 2 lần.

Hoa gạo: Tiêu viêm, giảm đauHoa gạo có tác dụng giảm đau khớp.

Trị vết thương phần mềm, chấn thương sưng đau: rễ và vỏ thân cây gạo ngâm với rượu, xoa bóp ngoài hoặc đem giã nát đắp vào nơi tổn thương.

Trị đau răng: vỏ thân cây gạo 20g sắc đặc, ngậm nhiều lần trong ngày.

Chữa viêm khí phế quản cấp tính: rễ gạo 30g sắc uống.

Trị ho có đờm: hoa gạo 15g, ngư tinh thảo (rau diếp cá) 15g, tang bạch bì 10g sắc uống.

Trị ho ra máu: hoa gạo 14 bông sắc kỹ, chế thêm một chút đường phèn, chia uống vài lần trong ngày.

Chữa viêm dạ dày: rễ, hoa hoặc vỏ thân cây gạo 30g sắc uống. Hoặc dùng bài: rễ, hoa hoặc vỏ thân cây gạo 30g, rễ cây lưỡng diện châm 6g sắc uống.

Chữa trĩ xuất huyết: hoa gạo 20g, quyển bá 10g, hòe hoa 15g sắc uống.

Chữa bong gân: Dùng 1 trong số bài thuốc sau:

Bài 1: vỏ cây gạo 16g (cạo bỏ vỏ ngoài, sao rượu), lá lốt 16g (sao vàng) sắc với 750ml nước, cô còn 250ml, chia uống 2 lần trong ngày.

Bài 2: lá náng, quả đu đủ non và vỏ thân cây gạo lượng bằng nhau rửa sạch, giã nhuyễn, băng vết thương.

Bài 3: rau má tươi, vỏ thân cây gạo tươi, vòi voi tươi và bồ công anh tươi lượng bằng nhau rửa sạch, giã nát, bó vào nơi tổn thương.


BS. Nguyễn Thị Ngọc Lan
Ý kiến của bạn