1. Kim ngân - loài thảo dược thu hút bởi những bông hoa xinh xắn
Lương y Vũ Đình Thắng cho biết, kim ngân là loại cây mọc hoang dại ở nhiều tỉnh vùng núi nước ta, nhất là Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Bình, Phú Thọ, Nghệ An…
Hoa kim ngân thu hút bởi hình ống xẻ hai môi, môi lớn lại xẻ thành 3 hoặc 4 thùy nhỏ, phiến của tràng dài gần bằng ống tràng. Do đặc tính tự nhiên của hoa là chuyển màu, nên trên cây thường cùng một lúc có cả hai màu hoa: Màu trắng như bạc của hoa mới nở và màu vàng như vàng của hoa nở đã lâu. Bởi thế, hoa mới được gọi tên là Kim ngân, tức: Vàng bạc.
Cây kim ngân còn được gọi là nhẫn đông bởi đây là loài cây cho lá xanh tốt vào mùa đông. Nếu hái hoa để làm thuốc, phải hái vào lúc hoa sắp nở hoặc hoa mới nở, vẫn còn đang màu trắng, chưa chuyển sang vàng, mới đảm bảo được dược tính của loài hoa này.
Hoa Kim ngân mới nở có màu trắng.
2. Tác dụng của hoa kim ngân
Theo Lương y Vũ Đình Thắng, kim ngân có vị ngọt, tính hàn (lạnh), không độc, quy kinh tại 4 kinh phế, vị, tâm và tỳ. Kim ngân là một vị thuốc kinh nghiệm trong dân gian, được nhân dân sử dụng để chữa sốt, mụn nhọt, tả, lỵ, giang mai…
Ở một số nơi, kim ngân còn được dùng để pha nước uống thay trà. Tuy nhiên, những người tỳ vị hư hàn không có nhiệt độc không nên dùng.
Trên thực tế lâm sàng, kim ngân thường được dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều vị thuốc khác trị mụn nhọt, mẩn ngứa, sốt nóng, sốt rét, tả lỵ. Trên cơ sở thực nghiệm, kim ngân còn được mở rộng hỗ trợ điều trị có kết quả một số trường hợp viêm mũi dị ứng, thấp khớp và một số trường hợp dị ứng khác.
3. Dùng kim ngân làm thuốc như thế nào?
Kim ngân dùng làm thuốc chủ yếu là hoa, song, cành và lá cũng có dược tính, được sử dụng trong chữa bệnh.
Theo Lương y Vũ Đình Thắng: "Hoa kim ngân có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, trị mụn nhọt, mẩn ngứa, hoặc chữa viêm họng theo bài thuốc Ngân kiều tán. Kim Ngân hiện được xếp đầu bảng trong tiêu độc. Nhiều bài thuốc được chứng minh hiệu quả và ghi chép lại:
- Thuốc K1 (GS.Đỗ Tất Lợi, 1960) chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, một số trường hợp dị ứng: Kim ngân 6g (nếu là hoa), hoặc 12g (nếu là cành và lá), nước 100ml, sắc còn 10ml, thêm đường vào cho đủ ngọt (khoảng 4g). Đun sôi và giữ sôi trong 15-30 phút là dùng được. Người lớn: Uống ngày 2 đến 4 liều như trên, còn trẻ em uống 1 đến 2 liều.
- Thuốc K2 (GS. Đỗ Tất Lợi, 1960): Giống như đơn thuốc K1 nhưng có thêm 3g ké đầu ngựa. Về công dụng và liều dùng cũng giống của đơn K1.
- Thuốc chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, thông tiểu: Hoa kim ngân 6g, cam thảo 3g, nước 200ml, sắc còn 100ml, chia 2 hay 3 lần uống trong ngày.
- Ngân kiều tán (bài thuốc kinh nghiệm từ cổ) thường dùng chữa mụn nhọt, sốt, cảm: Hoa kim ngân 40g, liên kiều 40g, kinh giới tuệ 16g, cát cánh 24g, đạm đậu sị 20g, bạc hà 24g, ngưu bàng tử 24g, đam trúc diệp 16g. Tất cả sấy khô, tán bột. Có thể làm thành viên. Ngày uống 1-2 lần, mỗi lần uống 12g bột".
Ngoài vị kim ngân trong bài (gọi là kim ngân khôn, tên khoa học Lonicera japonica), nhân dân còn dùng một cây kim ngân khác, gọi là kim ngân dại (tên khoa học là Lonicera dasystyla Rehder), có thân xanh và nhẵn, lá xanh, nhẵn chia thùy khi còn non, lá bắc hình dùi, hẹp, dài (dài nhất 10ml), bầu nhẵn. Một loài nữa hay được dùng cũng có lá bắc hình dùi, dài, hẹp, nhưng bầu có lông, có tên khoa học là Lonicera confusa DC.
Xem thêm tư liệu đặc biệt của Báo Sức khỏe & Đời sống:
Tư liệu đặc biệt - Theo chân bác sĩ cấp cứu ca F0 nguy kịch tại nhà, cấp tốc chuyển về bệnh viện dã chiến.