Hoa dẻ tên khác là nối côi, chập chại, hoa dẻ thơm. Loài phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Philippin. Ở nước ta, cây mọc ven rừng. Cây ra hoa vào tháng 6. Thu hái rễ và lá quanh năm, dùng tươi hay phơi khô. Dược liệu có vị cay, tính ấm, có tác dụng mạnh tỳ vị, giảm đau, lợi thấp được dùng cho bệnh viêm gan, gan to, viêm thận. Theo y học hiện đại, dược liệu có tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn, điều trị tiêu chảy, sốt rét. Theo tài liệu nước ngoài, người ta dùng nước sắc của hoa dẻ cho phụ nữ uống chữa đẻ khó; dùng rễ và lá trị bệnh đường tiêu hoá, đau dạ dày, trướng bụng và tiêu chảy, đau bụng trước khi sinh và xuất huyết, thống kinh, thấp khớp đau nhức xương, viêm thận, phù thũng. Dùng ngoài trị đòn ngã tổn thương. Dùng lá tươi giã nát thêm rượu và đắp vào chỗ đau. Dưới đây là một số phương thuốc thông dụng thường dùng:
Chữa ngộ độc, mẩn ngứa, mụn nhọt: rễ hoa dẻ 30g, kim ngân hoa 30g sắc với 400ml nước còn 100ml, uống trong ngày.
Chữa tê thấp, đau nhức gân xương, chân tay tê bại: rễ hoa dẻ, rễ rung rúc, rễ gắm, vỏ thân ngũ gia bì chân chim, rễ bướm bụng, mỗi vị 80g; rễ sâm nam, rễ cỏ xước, rễ ô dược, rễ bướu bạc, rễ tầm xuân, tầm gửi, cây dâu, rễ bạch đồng nữ, mỗi vị 40g; rễ chỉ thiên, cả cây roi ngựa, mỗi vị 20g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, ngâm với 2 lít rượu trắng trong 30 ngày hoặc hơn, càng lâu càng tốt. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-15ml.
Chữa mất ngủ, trấn kinh, an thần: hoa dẻ (khô) 16g hãm với nước sôi. Ngày uống 2 lần trước khi đi ngủ.