Theo Đông y, hoa đào có vị đắng, tính bình, lợi vào 3 kinh tâm - can - vị, có công năng hoạt huyết, lợi thủy, thông tiện, chữa trị chứng thủy thũng, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện bất lợi, kinh nguyệt không đều.
Người ta cũng có thể dùng hoa đào hỗ trợ và điều trị bệnh sởi, thủy đậu, những căn bệnh phổ biến trong mùa đông - xuân.
Bài thuốc từ hoa đào
- Chữa bí đại tiểu tiện: Hoa đào 10g (khô) hoặc 30g (tươi), gạo tẻ 50g, mật ong hoặc đường trắng vừa miệng, nấu cháo ăn trong ngày.
Lưu ý: Khi khỏi bệnh phải ngừng ngay, không nên dùng lâu.
Hoa đào nấu cháo ăn chữa bí tiểu tiện.
- Chữa kiết lỵ: Sắc nước hoa đào uống ngày 3 lần; mỗi lần dùng 15 bông, sắc với 200ml nước, giữ sôi khoảng 5 phút, không đun quá lâu.
- Chữa chứng cước khí, đau vùng tim: Hoa đào phơi trong bóng mát, nghiền mịn; ngày uống 3 lần (sau bữa ăn), mỗi lần 3-4g, chiêu thuốc bằng nước ấm.
- Chữa trứng cá, làm mờ các vết nám: Hoa đào phơi khô trong bóng mát, nhân hạt bí đao, liều lượng bằng nhau; nghiền bột mịn, trộn đều; buổi tối trước khi đi ngủ lấy một lượng thích hợp bột thuốc, trộn đều với mật ong, xoa lên mặt làm mặt nạ, sau 15 phút rửa sạch bằng nước ấm.
Hoa đào ngâm với 500g bổ ngũ tạng, dưỡng nhan.
- Chữa bế kinh: Hoa đào 10g khô (hoặc 30g tươi), ngâm với 100ml rượu trắng, sau 3 ngày có thể sử dụng; mỗi ngày uống 1 lần, mỗi lần 10ml hòa với nước ấm. Liền trong 7 ngày.
- Bổ ngũ tạng, dưỡng nhan: Hoa đào 50g, ngâm với 500g mật ong, sau một tuần có thể sử dụng; mỗi ngày uống 2 lần (buổi sáng và buổi tối), mỗi lần 15ml.
- Giảm nếp nhăn, làm sáng da: Ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch (hoặc trước hay sau tiết Thanh Minh một vài ngày), hái 250g hoa đào (chỉ hái những bông mới chớm nở, mọc trên những cành hướng về phía Đông Nam), ngâm với 500ml rượu trắng; đồng thời dùng bạch chỉ 30g, ngâm với 500ml rượu trắng.
Hoa đào và bạch chỉ ngâm trong 2 lọ riêng, nút kín; sau 1 tháng chắt rượu ra, trộn đều 2 thứ rượu, dùng dần. Hàng ngày, tối trước khi ngủ uống 10-20ml rượu hoa đào bạch chỉ, đồng thời đổ một chút vào lòng bàn tay, xoa hai tay cho nóng, sau đó xát nhiều lần vào những vùng chỗ da bị sạm.
Mời bạn xem thêm video:
Vì sao phụ nữ dễ bị trĩ khi mang thai và sinh con? I SKĐS