Mỗi mẩu chuyện đều thấm đượm một phong cách sống giản dị, một ứng xử sâu sắc, tình cảm. Mỗi dịp Tết đến, tôi lại nhớ mẩu chuyện này.
Ngày 16/2/1969 (mồng 1 Tết), Bác Hồ trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP. Hà Nội) nhân Tết Kỷ Dậu.
Những ngày tất niên âm lịch, theo phong tục dân tộc, nhiều bộ ngành đoàn thể mang lẵng hoa tới chúc Tết Bác. Hoa để đầy một căn phòng. Tối ấy, các cán bộ phục vụ Bác ở Phủ Chủ tịch cũng tập hợp nhau lên chúc Tết Bác. Các anh các chị góp tiền, cũng mua một lẵng hoa đẹp, không thua gì hoa của các cơ quan tới tặng Bác trong ngày. Bác cháu trò chuyện thăm hỏi thân tình. Cuối buổi, khi các anh các chị xin cáo lui để Bác nghỉ. Bác cũng đứng lên, thân ái nhìn các anh các chị rồi nhìn lẵng hoa. Bác nói, giọng Bác trầm xuống và chậm: Các cô các chú mua lẵng hoa này khéo lắm. Nó rất đẹp. Bác cảm ơn. Nhưng cho Bác hỏi nhỏ nhé: Có tốn nhiều tiền không? Các anh các chị nhìn nhau rồi cũng đành thưa thật với Bác giá tiền. Cố nhiên hoa ngày Tết không thể rẻ. So với đồng lương các anh các chị hồi ấy thì càng không rẻ. Bác lắng nghe rồi nói tiếp:
Bác và các cô các chú ngày nào chẳng gặp nhau. Sắp nghỉ Tết, các cô các chú đến chơi với bác là rất quý, sao lại phải mua hoa. Hôm nay Bác đã có bao nhiêu hoa tặng rồi, các cô các chú biết đấy. Rồi Bác cười hiền hậu: Các cô các chú cần mua sao không hỏi Bác, Bác bán rẻ cho. Bác cháu cùng cười. Nhưng tiếng cười của các chiến sĩ cán bộ không được giòn giã lắm. Bác nói tiếp, giọng như tâm sự, một thoáng buồn khẽ loang trong căn phòng tĩnh:
Các cô các chú còn nghèo. Nước ta còn nghèo. Đừng chạy theo nghi thức, tốn kém. Tôi với các cô các chú mà cũng nghi thức ư?
Năm sau, đoàn chúc Tết này, cố nhiên có những người mới chuyển đến, bảo nhau không được mua lẵng hoa. Nhưng đi chân tay không lại thấy không an tâm. Một ai đó dè dặt: hay là ta chọn một lẵng hoa đẹp nhất trong số lẵng các cơ quan tặng Bác, sửa sang lại, đề chữ mới vào làm lẵng hoa tặng Bác, như vậy tiết kiệm mà lại vẫn có hoa. Mọi người khen là sáng kiến, biết biến không thành có và làm theo.
Năm ấy, cuối buổi trò chuyện, lúc tiễn khách về. Bác cũng ngắm lẵng hoa, khen đẹp và nói thêm:
... Đẹp giống như lẵng hoa của Đại diện Mặt trận giải phóng miền Nam tặng Bác chiều nay.
Các chiến sĩ lại nhìn nhau, chột dạ. Một anh tiến lên thưa:
Thưa Bác, vì năm ngoái Bác dạy không nên mua hoa tặng Bác nên năm nay chúng cháu sáng kiến. Cải tiến lại lẵng hoa của Mặt trận để tặng Bác. Bác cười lớn:
Sáng kiến thì đáng khen. Nhưng hóa ra lại lấy của Bác để tặng Bác. Các chú khôn thế!
Tất cả cười vang. Đợi tiếng cười tắt hẳn, một chiến sĩ mạnh dạn hỏi Bác:
Thưa Bác, lên chúc Tết Bác không có hoa, chúng cháu thấy thiếu sót. Mua thì chúng cháu không dám nữa mà “sáng kiến” như hôm nay thì... Dạ, thưa Bác sang năm chúng cháu nên làm thế nào ạ?
Một thoáng yên lặng. Bác nhìn tất cả rồi lại nhìn lẵng hoa:
Bác nhớ khi còn bé, sống ở quê nhà, cuối năm góc vườn nhà Bác có luống cải lên ngồng, hoa vàng rực, đẹp lắm. Bác đã thấy nhiều thứ hoa nhưng Tết đến vẫn nhớ màu hoa cải. Các chú nên cuốc miếng đất góc vườn sau, trồng một luống cải. Cuối năm cải nở hoa, cắt tặng Bác. Bác cháu ta cùng ngắm hoa mà nhớ quê nhà. Ngắm xong lại có thể nộp cấp dưỡng để muối dưa.
Bác cháu cùng cười. Chúng tôi hôm ấy (1969) nghe kể đến đấy, cũng cười. Nhưng sau tiếng cười chúng tôi ngồi lặng. Đằng sau câu chuyện nhỏ bình dị này, hình như có gì thật thắm thiết, sâu nặng trong tình cảm riêng của Bác. Đó là nỗi nhớ quê, nhớ gia đình, nhớ tuổi nhỏ. Ngày thường tình cảm ấy chìm đi dưới bao nhiêu công việc. Tối cuối năm ấy, tiếp các cán bộ chiến sĩ cùng làm việc, có thể cùng ăn ở tập thể ở Phủ Chủ tịch, tình cảm đó mới thức dậy. Một lời khuyên nhỏ, thoáng qua nhưng thể hiện sự tinh tế, tình cảm và trí tuệ trong việc thưởng thức vẻ đẹp của hoa. Cứ gì phải là hoa thời thượng. Nhớ ca dao:
Trăm hoa nở một tháng Giêng
Chỉ bông hoa cải nở riêng tháng Mười.
Bác đã biến một hình thức giao tiếp thành một biểu hiện tình cảm có chiều sâu của ký ức đời người.