Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), vụ ngộ độc ở Hà Nội, khiến 2 tử vong và 20 người nhập viện cấp cứu gần đây là do ngộ độc hóa chất Acetonitrile có trong rượu trắng. Rượu này do nhân viên Công ty TNHH MTV NBC Pacific mang đến bữa tiệc.
Nhiều người thắc mắc Acetonitrile sinh ra từ đâu, có phải là thành phần trong rượu hay không? Chất này độc đến mức nào?
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trong các vụ ngộ độc rượu, thủ phạm phổ biến thường là Methanol, không phải Acetonitrile. Methanol được dùng làm dung môi công nghiệp và đôi khi bị pha trộn vào rượu giả, gây ngộ độc nghiêm trọng.
Còn Acetonitrile là một dung môi công nghiệp được sử dụng trong sản xuất hóa chất, dược phẩm và các ứng dụng kỹ thuật. Acetonitrile thường không phải là thành phần tự nhiên trong rượu. Tuy nhiên, nếu Acetonitrile được sử dụng một cách bất hợp pháp trong quá trình sản xuất rượu hoặc pha trộn rượu giả, thì ngộ độc Acetonitrile có thể xảy ra.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, khi vào cơ thể, Acetonitrile được chuyển hóa thành Cyanide, một chất cực độc và có thể gây ngộ độc nghiêm trọng. Hít phải acrylonitrile có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm hắt hơi, tức ngực, ho, yếu tay chân, buồn nôn và nôn, buồn ngủ, nhịp tim không đều, co giật và ngất xỉu.
"Nhìn chung, mức độ phơi nhiễm càng nghiêm trọng thì các triệu chứng càng nghiêm trọng. Trong cơ thể, acrylonitrile phân hủy để giải phóng xyanua. Các triệu chứng có thể xảy ra do bất kỳ loại phơi nhiễm nào với acrylonitrile bao gồm qua da hoặc qua đường tiêu hóa", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh thông tin.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, Methanol nếu kết hợp Acetonitrile, khi nhiễm vào cơ thể sẽ phân giải thành hợp chất xyanua rất độc, có thể gây chết người.
"Tôi cũng không loại trừ khả năng can đựng rượu trước đó có chứa Acetonitrile, khi tái sử dụng súc rửa chưa sạch. Rượu là dung môi rất tốt hòa tan nên không loại trừ khả năng khi rót rượu vào Acetonitrile còn dính lại ở can gây ra độc tố gây chết người", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Liên quan đến sự việc, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho hay, với các đặc điểm phức tạp, nặng nề và cấp tính của các ca bệnh bị ngộ độc vẫn rất cần theo dõi sát, đánh giá tiếp, điều trị tích cực và có thêm các thông tin tiếp theo mới có thể giúp các bệnh nhân hồi phục chắc chắn và đi tới kết luận cuối cùng.