Hà Nội

Hòa bình Ukraine có vãn hồi?

12-12-2014 07:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 11/12, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã thỉnh cầu Nga rút binh sĩ khỏi Ukraine và đóng cửa biên giới, cho rằng hành động này sẽ gần như mang đến hòa bình ngay lập tức.

Trả lời họp báo chung với Thủ tướng Australia Tony Abbott trong chuyến thăm nước này, ông Poroshenko nói rằng Nga phải tuân thủ kế hoạch hòa bình được đồng thuận tại Thủ đô Minsk của Belarus hôm 5/9. Ông nêu rõ: “Làm ơn ngừng bắn. Làm ơn thả những con tin. Làm ơn rút binh sĩ của nước bạn khỏi lãnh thổ của chúng tôi. Làm ơn đóng cửa biên giới. Và tôi hứa nếu các bạn đóng cửa biên giới, trong vòng 1, 2 hay 3 tuần, chúng ta sẽ có hòa bình và ổn định tại Ukraine”. Tổng thống Poroshenko nói thêm: “Tôi chỉ muốn nói rõ rằng Ukraine tiến hành chiến tranh không phải chỉ vì nền độc lập của chúng tôi, không chỉ vì sự toàn vẹn lãnh thổ, chúng tôi còn chiến đấu vì tự do, dân chủ, hòa bình. Toàn bộ thế giới văn minh, Liên minh châu Âu, Australia, Canada, Mỹ, Nhật Bản, toàn bộ thế giới sát cánh cùng Ukraine còn Nga ở thế bị cô lập”.

Một cô gái Ukraine tiễn người yêu ra trận.

Nhóm tiếp xúc về giải quyết tình hình ở phía Đông Nam Ukraine trong những ngày tới sẽ xem xét kế hoạch của các chuyên gia về việc rút lực lượng vũ trang và thiết bị ra khỏi đường tiếp giáp, điều được quy định trong Bản ghi nhớ Minsk ngày 19/9. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, trong những ngày sắp tới dự định sẽ tiến hành một cuộc họp của Nhóm tiếp xúc, nơi xem xét kế hoạch do các chuyên gia quân sự soạn thảo về những biện pháp thiết thực để thực hiện các điều khoản trong Bản ghi nhớ Minsk. Trong đó liên quan đến việc giảm các lực lượng vũ trang, rút vũ khí hạng nặng ra khỏi đường tiếp giáp với mục đích chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vũ khí và bằng cách đó đạt được sự ổn định của thỏa thuận ngừng bắn, ông Lavrrov nói. Ông nhấn mạnh rằng, phía Nga hy vọng “vào việc thực hiện kế hoạch tiếp đó”. Liệu có một tia hy vọng nào hòa bình sẽ vãn hồi ở miền Đông Ukraine? Vào lúc lệnh ngừng bắn mới bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 9/12/2014, hòa đàm song phương dự trù tại Thủ đô Belarus giữa Chính phủ Kiev và phe ly khai bị rời sang một ngày khác theo thông báo của Matxcơva.Lệnh ngưng bắn bị vi phạm hàng ngày làm thiệt mạng hơn 1.000 người từ binh sĩ quân đội Ukraine, chiến binh ly khai và nhất là thường dân. Trong tình hình căng thẳng này, thật ra không thiếu những dấu hiệu hy vọng. Yuri Ouchakov, cố vấn của Tổng thống Nga tuyên bố, Nga sẽ cố gắng hết sức để hòa đàm diễn ra.

Tuần trước, trong chuyến công du Kazakhstan trở về, Tổng thống Pháp sau khi hội ý với Thủ tướng Đức, bất ngờ ghé ngang Matxcơva và hội kiến với chủ nhân điện Kremli ngay tại phi trường quốc tế. Tuy cuộc tiếp xúc diễn ra ngắn ngủi và không rõ hai bên đã cam kết những gì nhưng Tổng thống François Hollande kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin phải góp sức, không phải chỉ làm xuống thang căng thẳng mà phải đem lại hòa bình thật sự cho Ukraine, phải có hành động thật sự chứ không phải chỉ qua lời nói. Chưa biết động thái ngoại giao của Tổng thống Pháp, trong bối cảnh Nga bị Tây phương trừng phạt và đồng tiền Nga bị rớt giá, kinh tế Nga bị suy thoái, có làm Kremli xét lại chính sách đối đầu tại Ukraine sau khi đã nuốt chửng Crimea hay không?

Song song với những dấu hiệu khích lệ này, Nga và Tây phương vẫn tiếp tục đọ sức. Thủ tướng Đức Angela Merkel tố cáo Matxcơva luôn tìm cách gây khó khăn cho các nước láng giềng. Lãnh đạo Tây phương mà Putin tôn trọng nhất khẳng định các biện pháp trừng phạt Nga là chính sách tốt. Thủ tướng Ukraine Arseni Iatseniouk cảnh cáo Nga một là tôn trọng thỏa thuận Minsk, hai là “trả giá đắt”. Ông Rob Nicholson, Bộ trưởng Quốc phòng Canada, thành viên của NATO, tuyên bố tại Kiev là Tây phương cần duy trì áp lực để buộc Nga phải tôn trọng nền độc lập của Ukraine. Canada viện trợ quân dụng không gây sát thương và quân phục mùa đông cho quân đội Ukraine.

Giới chính trị Nga cũng không thiếu những lời tuyên bố bốc lửa. Trong buổi điều trần tại Hạ viện Douma, Thứ trưởng Ngoại giao Serguei Riabkov tố cáo Hoa Kỳ muốn lật đổ Tổng thống Putin bằng chính sách trừng phạt kinh tế tài chính. Serguei Riabkov thẩm định là các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích tạo điều kiện kinh tế xã hội bất lợi dẫn đến sự sụp đổ của chế độ. Tuần trước, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov cũng khẳng định với chuyên gia và doanh nhân Nga là nhiều người trong giới lãnh đạo Tây phương không phải đòi Nga thay đổi chính sách mà thật ra là muốn thay đổi chế độ.

(Theo RT, AFP)

Phạm Quỳnh

 

 


Ý kiến của bạn