Tuyên bố của Thủ tướng Israel làm “dậy sóng” Trung Đông
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, nếu ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử lại vào ngày 17/9 tới, ông sẽ thực thi ngay chủ quyền của Israel đối với Thung lũng Jordan ở Bờ Tây và phía bắc Biển Chết. Đây là bước đi đầu tiên của Israel trong kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng ở Bờ Tây và là “cơ hội lịch sử” của Israel để mở rộng chủ quyền của mình đối với Bờ Tây. Điều này sẽ được tiến hành sau khi Mỹ công bố Kế hoạch Hòa bình. Chưa dừng lại ở đó, Thủ tướng Israel còn cho biết, các khu định cư Do Thái sẽ là mục tiêu tiếp theo của Israel nếu đảng Likud của ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử.
Kế hoạch của Thủ tướng Israel đang làm "dậy sóng" Trung Đông
Tuyên bố này ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới chức Palestine cũng như thế giới Arab. Với các nước Trung Đông, đây là “bước leo thang nguy hiểm” của Israel và Thủ tướng Netanyahu chống lại người dân Palestine, vi phạm “Hiến chương LHQ và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”. Saudi Arabia kêu gọi một hội nghị khẩn cấp Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để bàn về vấn đề này.
Trưởng đoàn đàm phán hòa bình Palestine Saeb Erekat cho rằng ý định sáp nhập lãnh thổ của Thủ tướng Israel là “tội ác chiến tranh”. Còn Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cảnh báo, nếu Israel thực hiện ý định này, Palestine sẽ chấm dứt toàn bộ các thỏa thuận, hiệp định đã ký với Israel trước đó.
Liên đoàn Arab (AL) ngay lập tức có cuộc họp và ra tuyên bố chung phản đối kế hoạch của Thủ tướng Israel, coi đây là sự xâm lược mới của Israel, “giết chết” mọi cơ hội tiến tới hòa bình giữa Israel và Palestine. AL còn khẳng định sẽ “thực hiện mọi hành động pháp lý và chính trị để chống lại chính sách này của Israel”.
Binh sĩ Israel nhìn ra thung lũng Jordan
Bước leo thang nguy hiểm đe dọa tiến trình hòa bình Trung Đông
Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng Netanyahu hứa hẹn “mở rộng chủ quyền” trước một cuộc bầu cử. Hồi tháng 4, ông cũng tuyên bố ý định nhắm vào Bờ Tây, tuy nhiên không có thông tin cũng như thời gian biểu cụ thể. Lần này, ông thẳng thừng tuyên bố với sự hậu thuẫn của Mỹ, Israel sẽ hiện thực hóa các mong ước bấy lâu của mình.
Ngay sau động thái của người đứng đầu Chính phủ Israel, Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric khẳng định: "Quan điểm của Tổng thư ký luôn rõ ràng, các hành động đơn phương không giúp ích cho tiến trình hòa bình (Trung Đông)". Bất cứ quyết định nào của Israel nhằm áp đặt luật pháp hay sự quản lý tại khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng sẽ không có hiệu lực pháp lý quốc tế, thay vào đó sẽ hủy hoại triển vọng khôi phục các cuộc đàm phán, nền hòa bình trong khu vực và giải pháp hai nhà nước. Bộ Ngoại giao Nga nhận định, kế hoạch của Thủ tướng Israel sẽ “hủy hoại những hy vọng về việc thiết lập hòa bình được mong chờ từ lâu giữa Israel và các nước Arab láng giềng".
Theo các nhà phân tích chính trị, tuyên bố này của Thủ tướng Israel chỉ nhằm mục đích thu hút phiếu cử tri, lôi kéo sự ủng hộ của các thành viên theo đường lối cực hữu. Ông kêu gọi người dân Israel đi bỏ phiếu để lựa chọn người có “đủ khả năng đàm phán với Tổng thống Mỹ” đồng thời kêu gọi cử tri Israel cho ông cơ hội để “xác định biên giới của Israel” .
Mục tiêu của ông Netanyahu là đưa “con bài “ xung đột với Palestine trở thành trọng tâm trong cuộc bầu cử ngày 17/9. Đây là cuộc bầu cử lần thứ 2 của Israel trong 5 tháng qua sau khi Thủ tướng Netanyahu thất bại trong việc thành lập Chính phủ liên minh từ các đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 4.
Chưa biết tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ diễn tiến theo chiều hướng nào, nhưng ngay sau những tuyên bố của Thủ tướng Israel, hàng loạt tên lửa từ dải Gaza đã được bắn đi, gióng lên một hồi chuông cảnh báo đe dọa an ninh, an toàn khu vực.