Em bé sinh non là bé Đinh Văn Cu Em con thứ ba trong gia đình anh Đinh Văn Thắng và chị Hoàng Thị Huyền ở xã Cao Răm, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Chị Huyền mang song thai, đến tuần thứ 27 thì có dấu hiệu chuyển dạ và sinh vào ngày 7/6/2018 tại Trung tâm y tế huyện Lương Sơn.
Sau sinh, bé trai đầu nặng hơn 1,3kg nhưng không may bị tử vong. Bé Đinh Văn Cu Em ra đời sau, nhẹ cân hơn nhưng lại may mắn được cứu sống dù đã qua thời gian vàng (6 giờ đầu sau sinh) đối với trẻ sinh non. Bé nhập viện BVĐK tỉnh Hòa Bình sau 8 giờ sinh. Khi vào Khoa Sơ Sinh, bé chỉ nặng 800g, tím tái, yếu ớt. Nếu không có biện pháp xử trí kịp thời, khả năng tử vong đối với trẻ là rất cao.
Bé Cu Em ngày xuất viện khỏe mạnh với trọng lượng hơn 3kg, tăng gấp 4 lần so với lúc nhập viện
BSCKI Đặng Thành Chung – phụ trách Khoa Sơ sinh cho biết, với các trẻ đẻ non, nhẹ cân nói chung và trường hợp của bé Đinh Văn Cu Em nói riêng, khó khăn nhất là phổi của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, da mỏng, gầy và rất bé. Trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ, đặc biệt là các bệnh lý về phổi, nhiễm trùng màng trong, bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non.
Nhận thấy tình trạng nguy cấp, kíp trực của khoa đã nhanh chóng cấp cứu tích cực, đảm bảo thân nhiệt, hô hấp, đường máu, dinh dưỡng, vàng da và chống nhiễm khuẩn. Ngoài việc sử dụng lồng ấp để tạo môi trường ổn định như khi trẻ trong bụng mẹ, ê-kíp điều trị đã huy động tối đa các phương tiện máy móc kèm theo như máy thở, máy monitoring theo dõi, máy truyền dịch, bơm tiêm điện.
Nhờ quá trình chăm sóc tốt, sau 3 tháng điều trị, bé đã cai được máy thở. Kết quả sau 3 tháng nỗ lực chăm sóc và nuôi dưỡng tích cực, trẻ đã cai được máy thở. Đến nay, trẻ tỉnh táo, khóc to, tự thở, môi hồng, cân nặng tăng 4 lần cân nặng lúc sinh đạt 2900g, ăn và tiêu hóa được 60-70ml sữa/2 giờ. Em bé đã được xuất viện trong tâm trạng vui mừng của gia đình và đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.
Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và khoa Sơ sinh bàn giao trẻ cho gia đình bé Đinh Văn Cu em
Theo các bác sỹ khoa Sơ Sinh,BVĐK tỉnh Hòa Bình, đối với các ca sinh non, việc chăm sóc trẻ đòi hỏi rất chi tiết, kỳ công và phải có nhân viên y tế trực 24/24h. Vì một trẻ sinh non có hàng trăm diễn biến bệnh trong ngày và trong suốt quá trình điều trị nên cần các y bác sỹ trực thường xuyên để kịp thời xử lý những biến chứng.
Đối với Đinh Văn Cu Em, điều này càng cần thiết do hệ hô hấp của em chưa hoàn chỉnh. Cán bộ y tế phải liên tục hút đờm, dãi, làm sạch đường thở để việc hô hấp của bé được thuận lợi.
Qua những trường hợp này cho thấy, đối với trẻ sinh non tháng, các gia đình vẫn có rất nhiều hy vọng cứu chữa cho trẻ. Tuy nhiên, cần đảm bảo những giờ vàng đầu tiên (6 giờ đầu sau sinh) để trẻ được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế tốt nhất, mang lại nhiều cơ hội cho trẻ.