Hội Đông y tỉnh Hoà Bình đã chú trọng tuyên truyền cán bộ, hội viên chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và pháp lệnh hành nghề y dược; hưởng ứng các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, góp phần chăm sóc sức khoẻ nhân dân và làm tốt công tác y tế cộng đồng.
Những năm qua, Hội Đông y các cấp trong tỉnh đã phát động phong trào thi đua và tổ chức kỷ niệm các ngày truyền thống của ngành Y tế nhằm giáo dục y đức, y đạo, y thuật cho cán bộ, hội viên và thực hiện chủ trương Đông - Tây y kết hợp như thư của Bác Hồ gửi Hội nghị ngành Y tế, thực hiện tốt lời Bác dạy "Lương y như từ mẫu".
Trên địa bàn tỉnh hiện có 57 cơ sở hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân được cấp phép; trong đó có 5 phòng khám đa khoa tư nhân kết hợp y học cổ truyền (YHCT) và y học hiện đại; 28 phòng chẩn trị YHCT; 23 cơ sở khám chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền, 3 cơ sở dịch vụ YHCT. Ngoài ra, còn có các bài thuốc gia truyền khám chữa bệnh bằng thuốc nam.
Cán bộ Hội Đông y tỉnh tuyên truyền, giới thiệu phương pháp chăm sóc sức khoẻ cộng đồng bằng y học cổ truyền tại TP Hoà Bình.
Nhằm phát huy những kinh nghiệm hay, bài thuốc từ y, dược học cổ truyền phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, những năm qua, Hội Đông y tỉnh đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn và phát huy vốn quý của y, dược học cổ truyền. Các cấp Hội Đông y nuôi trồng được nhiều dược liệu quý phổ biến như: Thanh thiên quỳ, bạch hoa xà, cở nhung, quế, hồi, sa nhân, xạ đen, đinh lăng, hoài sơn, huyết đằng, hà thủ ô, ba kích tím, đơn lá đỏ, nghệ đỏ, sa chi, cà gai leo, chanh leo, củ bình vôi, ngải cứu...
Một số địa phương trong tỉnh đã hình thành được vùng chuyên canh cây dược liệu quý như: Cây nghệ, sa chi, hà thủ ô (TP Hòa Bình), giảo cổ lam, ngải cứu (Đà Bắc), xạ đen, củ bình vôi (Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Sơn, Đà Bắc), cà gai leo (Yên Thủy, Cao Phong, Lương Sơn).
Qua đó đã hình thành được nhiều vườn thuốc có giá trị, một số lương y dày công sưu tầm trồng các loại cây thuốc quý, bảo tồn và phát triển gen, phát triển dược liệu như: Lương y Đinh Thị Phiển, tại huyện Cao Phong, diện tích gần 10 ha với trên 206 loài dược liệu. Lương y Nguyễn Đức Thi (TP Hòa Bình); lương y Bùi Văn Phượng (Yên Thủy) trồng trên 3 ha thảo dược với gần 300 loài cây thuốc quý.
Đây là những cơ sở được Trung ương Hội Đông y Việt Nam, Học viện Y học cổ truyền, Trường Đại học Y, Trung cấp Y và Hội Đông y các tỉnh, thành phố đến thăm quan học tập kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn học thuật của nhiều thế hệ sinh viên và những người làm thuốc chữa bệnh.
Hướng dẫn cách sử dụng thuốc đông y cho người dân.
Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Vũ Kim Sản cho biết: Hội tăng cường kiểm tra các cấp hội và hội viên trong thực hiện các văn bản chỉ đạo của T.Ư và của tỉnh về công tác kế thừa, bảo tồn, phát triển nền YHCT và công tác hội trong tình hình mới. Chỉ đạo các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội Đông y tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Các huyện hội, thành hội, chi hội duy trì sinh hoạt định kỳ. Hội là "mái nhà chung" để hội viên gặp gỡ, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm khám, chữa bệnh. Vì vậy, chất lượng hội viên ngày một nâng cao.
Theo Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Vũ Kim Sản, thời gian tới Hội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các cấp hội và hội viên, tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của T.Ư và của tỉnh. Không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, củng cố tổ chức, phát triển hội viên, xây dựng các mô hình YHCT điển hình để nhân rộng.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện xã hội hoá YHCT để nhiều người dân biết sử dụng thuốc nam chữa các bệnh thông thường. Hội xác định không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng YHCT, tham gia chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, lồng ghép vào kế hoạch phát triển KT - XH, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để sản phẩm thuốc YHCT trở thành hàng hoá.
Mời độc giả xem thêm video:
Đau nhức xương khớp và một số các bài thuốc đông y đơn giản I SKĐS