Hội nghị đối thoại chính sách nằm trong khuôn khổ Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719).
Để triển khai nội dung, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức 9 cuộc đối thoại mẫu tại 9 xã (xã Nà Phòn, huyện Mai Châu; xã Phong Phú, huyện Tân Lạc; xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy; xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi; xã Hợp Phong, huyện Cao Phong; xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy; xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn; xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc và xã Độc Lập, thành phố Hòa Bình) thu hút gần 800 người tham gia.
Hội nghị đối thoại chính sách cấp xã, cụm thôn tại địa bàn khó khăn là một trong những chỉ tiêu thực hiện Dự án 8 của tỉnh.
Thông qua đối thoại nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho hội viên phụ nữ; tạo cơ hội và điều kiện để hội viên, phụ nữ được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.
Tại 9 hội nghị đối thoại, đã có gần 130 ý kiến của hội viên, phụ nữ về vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chính sách BHXH, BHYT, vấn đề ô nhiễm môi trường, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, công tác dạy nghề cho lao động nữ...
Các ý kiến đã được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành địa phương giải đáp, làm rõ. Đồng thời, các nội dung cuộc đối thoại đã được các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, định hướng cụ thể, đặc biệt là những quy định của pháp luật để hội viên hiểu và thực hiện.
Hội nghị đối thoại chính sách mẫu đã góp phần hỗ trợ năng lực cho cán bộ Hội Phụ nữ cấp cơ sở trong tổ chức đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản. Qua đó, giúp các cấp Hội kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên phụ nữ; góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của chị em vào sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền và vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội các cấp.
Từ đó, hội viên phụ nữ tiếp tục có những thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng; góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Kết thúc mỗi hội nghị, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức rút kinh nghiệm để Hội LHPN các cấp tổ chức tốt các hội nghị đối thoại trong thời gian tới tại địa phương.
Xem thêm video đang được quan tâm
Đào tạo cô đỡ thôn bản - Khó khăn và thách thức.