Hòa Bình: Chung kết Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

15-11-2023 09:12 | Giới tính

SKĐS - Ngày 15/11, Ban Tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” đã có Công văn số 2169/BTC-TTĐB thông báo kết quả Chung kết Cuộc thi.

Trước đó, ngày 12/11/2023, tại thành phố Hòa Bình, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình tổ chức chung kết Cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) trên địa bàn tỉnh. Sau 2 vòng thi cụm, Ban Tổ chức đã chọn 4 đội vào thi chung kết là đội các Trường PTDTNT THCS&THPT các huyện Kim Bôi, Lương Sơn, Yên Thủy và Lạc Sơn. Các đội lần lượt trải qua 4 phần thi: Chào hỏi; tiểu phẩm; kiến thức và hùng biện.

Theo thể lệ, phần thi chào hỏi, các đội giới thiệu đội thi của mình bằng hình thức sân khấu hóa, như văn nghệ, thơ, ca, hò, vè. Phần thi tiểu phẩm, mỗi đội tham gia 1 tiểu phẩm có nội dung tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức, góp phần giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số. Phần thi kiến thức, mỗi đội trả lời nhanh 10 câu hỏi trắc nghiệm về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới. Phần thi hùng biện của cá nhân theo chủ đề tự lựa chọn và đáp ứng được yêu cầu của Ban Tổ chức.

Chung kết cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao giải nhất cho Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Lạc Sơn; giải nhì Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Yên Thủy; giải ba Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Kim Bôi và Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Lương Sơn. Các đội thi đạt giải đã được trao Cờ và tiền thưởng theo quy định Thể lệ Cuộc thi. 

Cuộc thi thể hiện những ý tưởng sáng tạo kết hợp với nhiều hình thức thể hiện phong phú, truyền cảm đúng với trọng tâm cuộc thi nhằm tuyên truyền luật pháp, những hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình... 

Cuộc thi là sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho các em học sinh dân tộc nội trú, tạo cơ hội học tập, nâng cao kỹ năng sống, giúp các em mở rộng kiến thức về hôn nhân và gia đình, về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong các nhà trường.

Hòa Bình: Chung kết Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống- Ảnh 1.

Học sinh DTNT sôi nổi tham gia Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Đinh Hòa

Từ năm 2021, Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số" được tích hợp trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 (Tiểu dự án 2 - Dự án 9).

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Phòng Dân tộc các huyện, thành phố đa dạng hình thức tuyên truyền thông qua các cuộc thi tuyên truyền viên về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng hình thức sân khấu hóa; tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề này...

Đặc biệt, Ban Dân tộc tỉnh triển khai mô hình trường học nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Các nội dung được thực hiện chủ yếu tại 12 trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh với các hoạt động: Thành lập các tổ tư vấn/câu lạc bộ tư vấn thanh niên tại 12 trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các hoạt động của tổ tư vấn như: sinh hoạt tổ, xây dựng các nội dung sinh hoạt ngoại khóa, trực tư vấn, giải đáp về các vấn đề liên quan sức khỏe sinh sản, hôn nhân, tình yêu, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Khi trường học là 'trợ thủ' đắc lực của phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thốngKhi trường học là "trợ thủ" đắc lực của phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

SKĐS - Nhằm giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) công tác tuyên truyền giáo dục tới học sinh, thanh niên được coi là biện pháp hiệu quả tích cực.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đào tạo cô đỡ thôn bản - Khó khăn và thách thức


T.Vũ
Ý kiến của bạn