Đó là một liệu pháp trị bệnh tâm thần của ông. Ông đưa bệnh nhân sang Việt Nam, thăm lại chiến địa cũ, hòa mình sống với nhân dân, đi thăm những địa chỉ tâm linh như đền chùa và nhà thờ, nghĩa địa, chứng kiến cuộc sống hoà bình ở các trường học, công trường, đồng ruộng, các nơi giải trí… để những hình ảnh tươi mới xóa nhòa dĩ vãng máu lửa, một cách hòa giải tinh thần rất hiệu quả. Ông cũng nhờ tôi thuyết trình về văn hóa Việt, để bệnh nhân của ông dễ thâm nhập vào xã hội Việt Nam, để nhân dân Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận họ.
Ông Ed Tick tặng tôi một cuốn sách họa và thơ, nhan đề Hãy nói lời hòa bình (phụ đề là: Những tiếng nói Mỹ đáp lại những bức tranh của trẻ em Việt Nam). Sách in ở Mỹ, do 2 tổ chức đồng xuất bản: Trung tâm Thơ Wick (thuộc Trường đại học bang Kent, Ohio) và Bảo tàng di tích chiến tranh TP. Hồ Chí Minh thực hiện theo sáng kiến của ông Ed Tick. Sách in lại 22 bức tranh do trẻ em Việt Nam vẽ. Đối diện mỗi bức tranh là một bài thơ của người Mỹ minh họa bức tranh. Sách tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn: Từ lâu, đi lại như con thoi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, ông Ed Tick mang về những bức tranh của trẻ em Việt Nam vẽ, đề tài hòa bình và chiến tranh để giúp việc trị bệnh tâm thần cho các cựu chiến binh và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn hóa. Hoài bão của các ông đã được thực hiện với sự đóng góp của Viện Bảo tàng di tích chiến tranh TP. Hồ Chí Minh. Hằng năm, Viện đã tổ chức thi tranh trẻ em vẽ về đề tài chiến tranh và hòa bình, thường nhận được 1 - 2 nghìn tranh dự thi của các em từ 4 - 15 tuổi. Viện chọn ra 300 bức để triển lãm tại Viện và đưa đi các vùng xa.
Ông Turner - Giám đốc Phòng triển lãm Trường đại học Nghệ thuật Kent đánh giá cao về cuộc trưng bày thơ và tranh trẻ em Mỹ - Việt này: Tranh và thơ động viên ta thực hiện một thế giới hoàn chỉnh, hiểu rõ hơn tác động các hành động của chúng ta và khiến ta phải suy nghĩ nên hành động thế nào như những nghệ sĩ và nghệ thuật của họ.
Ông Ed Tick tâm sự: “Ở Viện Di tích chiến tranh tại TP. Hồ Chí Minh, tôi đã từng đứng rất lâu bên những cựu chiến binh hoặc những thường dân Mỹ khi họ xem những bức tranh của các trẻ nhỏ Việt Nam. Sau khi họ xem phòng trưng bày một cách chính xác và khách quan những sự khủng khiếp của chiến tranh, họ cảm thấy tâm hồn dịu đi khi bước vào phòng tranh của các em vẽ về hòa bình. Các bức tranh ấy khiến lòng họ thanh thản hơn, thoát khỏi ấn tượng hãi hùng. Tôi đã thấy nhiều con mắt Mỹ đẫm lệ, hàm trễ xuống và người run run. Phi nhân hóa bản thân và với mọi người là một vết thương tai hại nhất của chiến tranh. Nghệ thuật có thể giúp vào quá trình lấy lại tính người. Từ khi chiến tranh kết thúc, cựu chiến binh Bob R. hiện là luật sư biện hộ cho cựu chiến binh, đau khổ vì những vết thương hữu hình và vô hình. Sau khi xem tranh trẻ em Việt Nam vẽ về hòa bình và chơi với các em, anh giúp đỡ học sinh nghèo Việt Nam và tuyên bố: “Khi tôi tham chiến ở Việt Nam, tôi coi trẻ em như cỏ rác, giờ thì tôi coi như các cháu tôi, những con người có tâm hồn. Qua các bức tranh, người xem đi sâu vào tâm hồn trẻ em Việt Nam, thấy các em chịu đựng và ra khỏi cuộc chiến tranh thế nào, mơ ước và hy vọng của các em ra sao…Nghệ thuật có thể trị căn bệnh tâm thần do chiến tranh gây ra”.
Cuốn Hãy nói lời hòa bình có thể coi là một liều thuốc nghệ thuật chữa bệnh tâm thần cho cựu chiến binh. Mỗi bức vẽ của trẻ em Việt Nam được một người Mỹ - đủ lứa tuổi, kể cả nhà thơ chuyên nghiệp – hòa âm bằng một bài thơ tiếng Anh. Xin lấy vài ví dụ:
Bức tranh của em Khuê 15 tuổi vẽ 4 bàn tay màu da khác nhau chụm lại để bảo vệ một con chim gấp bằng giấy được nhà thơ nữ người Mỹ H. Hart hòa âm như sau: “Con trai tôi dạy tôi gấp con chim giấy, gấp chỗ này lại gấp chỗ kia, lâu biết mấy! Chờ mong hòa bình, chờ đợi tạo nỗi buồn dai dẳng. Thành một thực thể tay ta cầm nắm…”.
Bức vẽ Ước vọng hòa bình của em Ái Nữ, 13 tuổi gây cảm hứng cho một em bé Mỹ lớp 4 là Basu: “Ước gì em được là cái bút sáp của bạn/ để vẽ nên các con chim hòa bình/ bay quanh đầu bạn. Ước gì em được là mặt trời của bạn. Để sáng sáng mọc lên/ Đem lại cho bạn niềm hy vọng mới…”.
Hữu Ngọc