Hà Nội

Hở van tim hai lá: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và phương pháp điều trị

08-10-2021 19:10 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Bệnh hở van tim hai lá (hở van hai lá, trào ngược van hai lá, suy van hai lá, thiểu năng van hai lá) là tình trạng van hai lá của tim không đóng chặt, khiến máu chảy ngược lại vào trong buồng tim.

Nếu tình trạng hở van hai lá trở nên nghiêm trọng, máu không thể được đẩy đi hoàn toàn và sẽ gây ra các dấu hiệu cũng như triệu chứng có thể xảy ra và khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi hoặc khó thở.

Bài viết của BS. Đặng Đức Minh, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cung cấp những thông tin về tình trạng hở van hai lá.

1. Hở van tim hai lá là gì?

Hở van tim hai lá: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và phương pháp điều trị - Ảnh 1.

Hỉnh ảnh mô tả van tim bình thường và bệnh van tim. Ảnh: Internet

Tim có cấu tạo gồm 4 ngăn, 2 tâm nhĩ ở trên và 4 tâm thất nằm bên dưới, trong đó có 2 van thông tâm nhĩ và tâm thất ở mỗi bên được gọi là van nhĩ thất. Van nhĩ thất thông giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải còn được gọi là van 3 lá vì có cấu tạo dạng 3 cánh khép lại, trong khi van nhĩ thất thông giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái còn được gọi là van 2 lá với cấu tạo 2 cánh.

Van hai lá nối giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái, van gồm có lá trước và lá sau (2 lá) áp vào nhau giúp van đóng mở, đưa máu đi theo một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái.

Hở van 2 lá là tình trạng 2 lá van đóng không kín, làm dòng máu trào ngược từ thất trái về nhĩ trái khi tim co bóp. Do lượng máu trào ngược về nhĩ trái cộng thêm lượng máu bình thường từ phổi đổ về làm tăng lưu lượng máu, hậu quả là giãn lớn nhĩ trái và thất trái nếu hở van nặng và kéo dài.

2. Các giai đoạn của bệnh hở van tim 2 lá

Có 4 giai đoạn của bệnh theo diễn tiến từ nhẹ đến nặng:

- Giai đoạn A: Bệnh nhân có nguy cơ mắc hở van hai lá, thường gặp ở người sa van 2 lá, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành mạn tính. Trên siêu âm tim hở van 2 lá nhẹ, các buồng tim không giãn, chức năng tim tốt. Người bệnh hầu như không có triệu chứng của bệnh.

- Giai đoạn B: Bệnh tiến triển tăng lên, thường gặp ở người có bệnh van hậu thấp, bệnh cơ tim, sa van 2 lá. Trên siêu âm thấy hở van mức độ trung bình trở lên, các buồng tim giãn nhẹ, chức năng tim còn tốt và bệnh nhân không có triệu chứng của bệnh hở 2 lá.

- Giai đoạn C: Bệnh ở mức độ nặng nhưng bệnh nhân không có triệu chứng của bệnh. Trên siêu âm tim hở van 3/4 - 4/4, dãn lớn thất trái, nhĩ trái, áp lực động mạch phổi bình thường hoặc tăng, chức năng tim bắt đầu thay đổi.

- Giai đoạn D: Hở van tim 2 lá nặng và người bệnh có triệu chứng suy tim, giảm khả năng gắng sức và khó thở. Trên siêu âm tim hở van mức độ từ 3/4 trở lên, giãn lớn thất trái, nhĩ trái, tăng áp động mạch phổi, chức năng co bóp thất trái giảm.

Siêu âm Doppler được sử dụng để phát hiện dòng chảy hở van và tăng áp động mạch phổi. Siêu âm tim 2 chiều hoặc 3 chiều được sử dụng để xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Siêu âm qua thực quản cũng được chỉ định khi cân nhắc sửa van hai lá thay vì thay van, nhằm đánh giá chi tiết hơn cơ chế hở van.

3. Hở van tim 2 lá có nguy hiểm không?

Hở van 2 lá có nhiều mức độ khác nhau, được đánh giá dựa vào siêu âm tim và chụp cản quang buồng tim (thông tim). Cách thông dụng để đánh giá độ nặng của hở van 2 lá là dựa vào siêu âm tim, được chia làm 4 độ:

- Hở 2 lá 1/4: Mức độ hở van nhẹ hoặc rất nhẹ.

- Hở 2 lá 2/4: Mức độ hở van trung bình.

- Hở 2 lá 3/4: Mức độ hở van nặng.

- Hở 2 lá 4/4: Mức độ hở van rất nặng.

Bệnh nhân hở van hai lá nặng nhưng chưa có triệu chứng, theo diễn tiến bệnh sẽ có 50% xuất hiện triệu chứng sau 5 năm.

Bệnh nhân hở 2 lá nặng đã có chỉ định phẫu thuật nhưng không thực hiện, chỉ điều trị nội khoa thì tỷ lệ còn sống sau 5 năm chỉ 30%.

Một nghiên cứu nổi tiếng Framingham Heart Study của Mỹ cho thấy, ở người bình thường, khi làm siêu âm tim, 75 - 80% có hở van ở mức độ nhẹ (1/4); khoảng 19% ở mức độ trung bình đến nặng (2/4 - 3/4) và hở nặng đến rất nặng (3/4 - 4/4) gặp khoảng 3,5%. Tỷ lệ người mắc bệnh tăng dần khi lớn tuổi.
Hở van hai lá: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và phương pháp điều trị - Ảnh 3.

Hở van hai lá được xác định chẩn đoán dựa trên siêu âm tim.

4. Nguyên nhân của tình trạng hở van hai lá

- Sa van hai lá: Trong tình trạng này, các lá van hai lá phình trở lại tâm nhĩ trái trong quá trình tim co bóp. Dị tật tim phổ biến này có thể ngăn van hai lá đóng chặt và dẫn đến máu chảy ngược.

- Các mô cơ nhú bị tổn thương: Theo thời gian, các mô cột cơ nhú neo các nắp của van hai lá vào thành tim có thể bị kéo căng hoặc rách, đặc biệt ở những người bị sa van hai lá. Vết rách có thể gây rò rỉ máu qua van hai lá đột ngột và có thể phải điều trị bằng phẫu thuật. Chấn thương ở ngực cũng có thể làm đứt cơ nhú.

- Thấp khớp: Sốt thấp khớp - một biến chứng của viêm họng do liên cầu khuẩn không được điều trị có thể làm hỏng van hai lá, dẫn đến hở van hai lá sớm hoặc muộn trong cuộc đời.

- Viêm nội tâm mạc: Van hai lá có thể bị hỏng do nhiễm trùng màng trong tim (viêm nội tâm mạc) có thể liên quan đến van tim.

- Đau tim: Cơn đau tim có thể làm tổn thương vùng cơ tim nâng đỡ van hai lá, ảnh hưởng đến chức năng của van. Nếu tổn thương đủ rộng, cơn đau tim có thể gây ra hở van hai lá đột ngột và đặc biệt nghiêm trọng.

- Bất thường của cơ tim (bệnh cơ tim): Theo thời gian, một số tình trạng nhất định chẳng hạn như tăng huyết áp có thể khiến tim làm việc quá mức, dần dần khiến tâm thất trái của tim to ra. Điều này có thể kéo căng mô xung quanh van hai lá và dẫn đến hở van.

- Chấn thương: Chấn thương chẳng hạn như trong một tai nạn xe hơi có thể dẫn đến hở van hai lá.

- Dị tật tim bẩm sinh: Một số trẻ sinh ra đã bị dị tật ở tim, bao gồm cả van tim bị tổn thương.

- Do thuốc: Sử dụng kéo dài một số loại thuốc có thể gây ra chứng hở van hai lá, chẳng hạn như những thuốc có chứa ergotamine được sử dụng để điều trị chứng đau nửa đầu và các bệnh lý khác.

- Xạ trị: Trong một số ít trường hợp, xạ trị ung thư tập trung vào vùng ngực có thể dẫn đến hở van hai lá.

- Rung nhĩ: Rung nhĩ là một vấn đề về nhịp tim phổ biến có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra chứng hở van hai lá.

5. Triệu chứng của hở van tim hai lá

Ở những trường hợp bệnh lý, các triệu chứng có thể không xuất hiện trong nhiều năm. Các dấu hiệu và triệu chứng của hở van hai lá sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng, cũng mức độ tiến triển nhanh như thế nào. Khi đó, các triệu chứng có thể bao gồm:

- Nghe thấy tiếng tim bất thường (tiếng thổi của tim) qua ống nghe

- Khó thở, đặc biệt khi hoạt động mạnh hoặc khi nằm xuống

- Mệt mỏi

- Tim đập nhanh, loạn nhịp

- Phù mu bàn chân hoặc mắt cá chân

Hở van hai lá thường nhẹ và tiến triển chậm. Các triệu chứng có thể không xuất hiện trong nhiều năm và nhiều người không biết bản thân đang mắc tình trạng này, và bệnh cũng có thể không tiến triển nặng thêm. Tuy nhiên, đôi khi bệnh phát triển nhanh chóng và người bệnh có thể bị đột ngột xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng.

Tiên lượng thay đổi theo thời gian, mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân của hở hai lá. Một số trường hợp hở hai lá nặng lên và trầm trọng. Một khi hở hai lá trở nên trầm trọng, khoảng 10% bệnh nhân không có triệu chứng trở nên có triệu chứng mỗi năm sau đó. Khoảng 10% bệnh nhân bị hở hai lá mạn tính do sa van hai lá đòi hỏi can thiệp.
BS. Đặng Đức Minh - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên

6. Các biến chứng của hở van tim hai lá

Khi ở mức độ nhẹ, hở van hai lá thường không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, hở van hai lá nặng có thể dẫn đến các biến chứng, bao gồm:

* Hở van hai lá gây suy tim

Đây là kết quả của tình trạng tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Hở van hai lá mức độ nặng làm tăng áp lực cho tim vì khi máu bị chảy ngược lại, lượng máu được chuyển đi khắp cơ thể sẽ bị ít hơn theo mỗi nhịp đập. Điều này khiến tâm thất trái ngày càng lớn hơn và nếu không được điều trị, cơ thất trái sẽ yếu đi và dẫn đến suy tim. Ngoài ra, áp lực máu tích tụ trong phổi cũng làm tăng áp lực lên tim.

* Rung nhĩ

Sự giãn ra và mở rộng của tâm nhĩ trái có thể dẫn đến tình trạng nhịp tim không đều, trong đó các buồng tâm nhĩ của tim đập một cách hỗn loạn và quá nhanh. Rung nhĩ có thể gây ra cục máu đông, và cục máu đông có thể vỡ ra kèm theo di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể, gây ra các vấn đề nghiêm trọng như đột quỵ nếu cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu trong não.

* Tăng huyết áp động mạch phổi

Nếu tình trạng hở van hai lá lâu dài không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, tăng áp động mạch phổi có thể xảy ra. Van hai lá bị hở có thể làm tăng áp lực trong tâm nhĩ trái, cuối cùng có thể gây tăng áp động mạch phổi. Điều này có thể dẫn đến suy tim ở phía bên phải của tim.

7. Điều trị hở van tim 2 lá

Các phương pháp điều trị bệnh hở van 2 lá được lựa chọn tùy theo mức độ nặng của bệnh.

Hở van 2 lá nhẹ không cần điều trị đặc hiệu, chỉ cần theo dõi siêu âm định kỳ mỗi năm để theo dõi tiến triển của bệnh.

Hở van 2 lá trung bình trở lên cần tìm nguyên nhân để điều trị can thiệp nguyên nhân, ngăn ngừa tình trạng hở 2 lá tiến triển.

Những trường hợp hở van 2 lá nặng (3/4 - 4/4), có triệu chứng cơ năng, giãn lớn buồng tim, chức năng tim giảm cần điều trị phẫu thuật sửa hoặc thay van tim.

* Điều trị nội khoa (dùng thuốc):

Dùng kháng sinh phòng thấp tim tái phát lâu dài (đến 40 tuổi hoặc hơn) nếu hở van 2 lá do hậu thấp.

Khám và điều trị bệnh răng miệng định kỳ mỗi 6 tháng để phòng ngừa nhiễm trùng trên van 2 lá. Nguyên nhân nguồn gốc nhiễm trùng trên van tim có 75% vi trùng từ vùng hầu họng, răng miệng bị viêm đi vào máu và bám lên chỗ van tim bị hư gây viêm nhiễm hoặc áp-xe van, làm hư hỏng van nặng nề hơn.

Điều trị các bệnh nội khoa có nguy cơ cao dẫn đến hở van tim như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim…

Điều trị suy tim nếu bệnh nhân có triệu chứng hay suy giảm chức năng tim trên siêu âm tim. Các thuốc điều trị suy tim bao gồm thuốc ức chế men chuyển, chẹn thụ thể angiotensin II hoặc ARNI (Sacubitril + Valsartan), thuốc chẹn bêta, lợi tiểu. Nếu người bệnh có kèm bệnh tim mạch do xơ vữa cần dùng thêm thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc thuốc giảm cholesterol máu.

Bệnh nhân bị rung nhĩ cần sử dụng thuốc làm chậm tần số tim như chẹn bêta và thuốc chống đông để phòng ngừa huyết khối gây tắc mạch.

Tiêm vaccine phòng bệnh cúm mỗi năm, vaccine phòng viêm phổi do phế cầu mỗi 5 năm cho tất cả bệnh nhân hở van nặng, suy tim.

* Điều trị phẫu thuật

Hở van hai lá: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và phương pháp điều trị - Ảnh 5.

Có nhiều dấu hiệu để quyết định thời điểm cần phẫu thuật thay van tim.

Có nhiều dấu hiệu để quyết định thời điểm cần phẫu thuật thay van, căn cứ vào triệu chứng cũng như các thông số chức năng tim. Thông thường là khi bệnh nhân có triệu chứng, chức năng tim còn tốt (EF>30%) thì chỉ định phẫu thuật, nếu chức năng tim giảm thì cân nhắc phẫu thuật nếu các yếu tố nguy cơ cho phẫu thuật thấp, tỉ lệ thành công của phẫu thuật cao.

Hoặc nếu bệnh nhân không có triệu chứng thì cũng nên chỉ định phẫu thuật khi có rối loạn chức năng thất trái trên siêu âm tim (Ds >45mm, EF <60%) hoặc tăng áp lực động mạch phổi hoặc rung nhĩ mới xuất hiện.

Điều trị can thiệp gồm phẫu thuật (sửa hoặc thay van nhân tạo) và sửa van qua da.

Phẫu thuật sửa van: được ưu tiên lựa chọn hơn nếu cấu trúc van thích hợp để sửa. Trường hợp van hư nặng, vôi hóa nhiều không thể sửa thì bắt buộc phải thay van nhân tạo. Sau thay van nhân tạo, người bệnh cần uống thuốc chống đông để ngăn ngừa cục huyết khối gây kẹt van. Đối với van sinh học, thời gian uống kháng đông là 3 tháng nếu không có kèm rung nhĩ. Nếu thay van cơ học hoặc bệnh nhân đã có rung nhĩ thì uống thuốc kháng đông suốt đời.

Sửa van 2 lá qua da (MitraClip): Bác sĩ đưa một ống thông theo mạch máu ở đùi đi vào nhĩ trái, xuống thất trái, sau đó đưa 1 kẹp bằng kim loại vào giữa 2 mép van chỗ bị hở và kẹp lại. Phương pháp này không sửa van triệt để như mổ tim hở, chỉ áp dụng trong trường hợp bệnh nhân nặng không thể phẫu thuật được, điều trị thuốc tối đa rồi nhưng triệu chứng suy tim không giảm, phải nhập viện nhiều lần.

8. Van 2 lá bị hở điều trị có khỏi không?

- Hở van 2 lá nhẹ: Có thể không tiến triển thêm. Do đó, người bệnh không nên quá lo lắng, chỉ cần theo dõi hàng năm, điều chỉnh lối sống tốt cho sức khỏe, điều trị các bệnh mạn tính đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường giúp ngăn ngừa hở van tiến triển.

- Hở 2 lá trung bình hậu thấp cần phòng thấp lâu dài để tránh thấp tái phát, hở van không tiến triển thêm; nong đặt stent mạch vành nếu hở van do thiếu máu cục bộ cơ tim.

- Hở van nặng có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật sửa hay thay van nhân tạo. Sau phẫu thuật, chức năng của van 2 lá phục hồi gần như hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần uống thuốc và theo dõi đều đặn với bác sĩ chuyên khoa. Điều trị đúng sau mố tim giúp hạn chế bệnh tái phát. Bệnh nhân sau mổ sửa hoặc thay van 2 lá cơ học có thể sống thêm 20 - 30 năm nữa hoặc hơn tùy vào tính trạng sức khỏe của mỗi người và chăm sóc lâu dài sau mổ tim.

9. Những vấn đề cần theo dõi sau mổ van tim 2 lá

- Sau phẫu thuật sửa van: theo dõi hở van tái phát, nhiễm trùng van tim;

- Sau thay van sinh học: theo dõi thoái hóa van, hở van tái phát, nhiễm trùng van tim;

- Sau thay van cơ học: theo dõi kẹt van do huyết khối, sút van, nhiễm trùng trên van nhân tạo.

Để việc theo dõi tốt, người bệnh cần:

- Uống thuốc đều đặn và tái khám định kỳ;

- Siêu âm tim: ngay sau mổ tim, tháng thứ 3, thứ 6 và 1 năm sau mổ, sau đó là mỗi năm hoặc khi có triệu chứng mệt, khó thở;

- Bệnh nhân có uống thuốc kháng vitamin K cần đo INR định kỳ mỗi 1-3 tháng và khi tái khám để chỉnh liều thuốc sao cho INR nằm trong khoảng điều trị cao nhất (INR mục tiêu 2.5 – 3.5).

- Bệnh nhân nghi ngờ có dấu hiệu kẹt van cần làm thêm siêu âm tim qua thực quản, chụp CT tim hay soi van dưới màn huỳnh quang để xác định và tìm nguyên nhân.

10. Thay đổi lối sống và các thói quen không tốt

- Giữ huyết áp trong tầm kiểm soát: Kiểm soát huyết áp cao là rất quan trọng nếu bị hở van hai lá.

- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim mạch: Thức ăn tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng hở van hai lá, nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch khác có thể làm suy yếu cơ tim. Ăn thực phẩm ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, đường, muối và ngũ cốc tinh chế, chẳng hạn như bánh mì trắng. Ăn nhiều loại rau và trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein, chẳng hạn như thịt nạc, cá và các loại hạt khác.

Hở van hai lá: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và phương pháp điều trị - Ảnh 6.

Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch.

- Duy trì cân nặng hợp lý: Giữ cân nặng trong phạm vi được bác sĩ khuyến nghị.

- Phòng ngừa viêm nội tâm mạc: Nếu đã được thay van tim, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc kháng sinh trước khi làm thủ thuật nha khoa để ngăn ngừa nhiễm trùng được gọi là viêm nội tâm mạc.

- Cắt giảm rượu: Lạm dụng rượu nặng có thể gây rối loạn nhịp tim và có thể làm cho các triệu chứng của bệnh tồi tệ hơn. Sử dụng rượu quá nhiều cũng có thể gây ra bệnh cơ tim, một tình trạng cơ tim bị suy yếu dẫn đến hở van hai lá.

- Tránh thuốc lá: Nếu hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Hỏi tham khảo ý kiến bác sĩ để nỗ lực bỏ thuốc.

Hoạt động thể chất thường xuyên. Có thể tập thể dục trong bao lâu và ở mức độ nào sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh hay cường độ tập luyện. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết.

- Đi khám thường xuyên: Đi khám thường xuyên ở các cơ sở y tế chuyên khoa.

Nếu là một phụ nữ và gặp phải tình trạng bị hở van hai lá, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bạn mang thai. Nên được theo dõi một cách cẩn thận và chu đáo trong suốt thai kỳ và sau khi sinh.

Sức khỏe tình dục và bệnh timSức khỏe tình dục và bệnh tim

SKĐS – Nhiều bệnh nhân tim hoặc người bệnh đã trải qua cơn đột quỵ sợ rằng quan hệ tình dục sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng của họ hoặc làm phát sinh các vấn đề sức khỏe tim mạch khác.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tại nhà.

BS. Đặng Đức Minh
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
Ý kiến của bạn