Hà Nội

Hở van tim có dễ phát hiện?

26-10-2020 11:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh hở van tim là bệnh lý phổ biến nhất trong các bệnh về tim mạch hiện nay. Hở van tim ít có triệu chứng ở giai đoạn đầu bởi bệnh tiến triển âm thầm trong nhiều năm. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm để điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.

Van tim của con người giống như van một chiều trong hệ thống máy bơm, giúp máu lưu thông theo một chiều, máu từ tĩnh mạch về tim và từ tim đi ra động mạch mà không thể chảy theo chiều ngược lại. Nếu không có van tim, máu sẽ lưu thông 2 chiều và tim không thể đẩy máu đi nuôi cơ thể. Van tim bị hở sẽ làm quá trình lưu thông máu khó khăn hơn.

Tim người có 4 van: van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi. Van dễ bị tổn thương nhất là van 2 lá, kế đến là van động mạch chủ, còn van 3 lá và van động mạch phổi ít bị tổn thương hơn.

Nguyên nhân do đâu?

Các tổn thương khiến van tim bị hở có thể chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất do nguyên nhân bẩm sinh, tức mới sinh ra đã có dị tật bẩm sinh ở tim. Nhóm thứ hai do nguyên nhân người bệnh có những bệnh lý mắc phải.

Trong bệnh lý hở van tim do mắc phải lại chia ra làm 2 dạng bệnh thường gặp: Bệnh lý van tim mắc phải do hậu thấp, tức là sau khi bị thấp khớp, thấp tim mới dẫn đến bị hở van tim; hở van tim do nguyên nhân này hiện nay chiếm tỷ lệ cao nhất ở Việt Nam và những nước đang phát triển. Bệnh lý van tim mắc phải do thoái hóa, hở van tim do thoái hóa có thể do thoái hóa của tuổi già, hoặc do bệnh lý nào đó làm tim thoái hóa nhanh hơn so với người bình thường.

Bên cạnh hở van tim do thoái hóa còn có những bệnh lý có thể gây ra tổn thương ở van tim, cụ thể như thiếu máu (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim). Khi van tim bị hư như vậy sẽ làm đứt những dây chằng, đứt phần cơ giữ van tim ở trong khiến van tim bị hở. Ngoài ra còn những bệnh lý khác hiếm gặp nhưng cũng có thể làm van tim bị hở, như bệnh cơ tim giãn nở hoặc bệnh nhân bị phình động mạch chủ, viêm nội tâm mạc...

Hở van tim là bệnh phổ biến nhất trong các bệnh về tim mạch hiện nay.

Hở van tim là bệnh phổ biến nhất trong các bệnh về tim mạch hiện nay.

Cách phát hiện sớm

Thông thường hở van tim nhẹ sẽ không có triệu chứng. Chỉ khi hở van tim đã làm tim bị suy, thậm chí bị phù, gan đã lớn thì lúc đó mới xuất hiện triệu chứng khó thở, mệt, đau ngực, không nằm đầu thấp được. Ngoài ra, các yếu tố gợi ý như: Khó thở là biểu hiện đầu tiên khi bạn bị bệnh hở van tim. Cảm giác khó thở, nhất là khi nằm thẳng hoặc hoạt động mạnh thì tình trạng này càng trở nên trầm trọng.

Cũng tương tự như các bệnh lý khác về tim, người bệnh sẽ thấy mệt mỏi kéo dài liên tục ngay cả khi không hoạt động. Tim đập nhanh, đánh trống ngực liên hồi, ho khan... là triệu chứng thường gặp ở bệnh hở van 2 lá và 3 lá.  Đối với những trường hợp hở van tim mà chưa có triệu chứng phải siêu âm mới thấy.

Khi nào cần điều trị?

Theo quy ước trên siêu âm tính độ hở của van tim có 4 mức: hở 1/4, 2/4, 3/4 và 4/4. Nếu chỉ bị hở từ 2/4 trở xuống thì không phải lo lắng nhiều vì đó là chuyện bình thường, chưa phải điều trị mà chỉ cần định kỳ tái khám, theo dõi; ngoại trừ việc hở van tim là hậu quả của những bệnh khác như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, thấp tim...

Van tim bị hở từ 2/4 trở lên mới cần phải chú ý, kiểm tra để xác định nguyên nhân và điều trị. Khi van tim bị hở 3/4 trở lên mới phải điều trị tích cực. Nếu bị hở từ 3,5/4 trở lên sẽ mổ để sửa chữa van tim hoặc thay van tim nhân tạo.

Về điều trị, tùy nguyên nhân gây hở van tim mà việc điều trị sẽ khác nhau. Nếu hở van tim do tim bị giãn, khi điều trị tim nhỏ lại sẽ hết hở. Nếu hở do dây chằng bị dài hoăc bị đứt thì không thể hết, nhất là khi bị đứt thì phải mổ để sửa lại, nhưng vẫn phải điều trị để bệnh không nặng thêm và không dẫn tới suy tim. Khi bị hở van tim từ 2/4 trở lên, bệnh nhân nên đến bác sĩ tim mạch khám tìm những yếu tố nguy cơ có thể thúc đẩy bệnh nặng thêm để điều trị...

Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh hở van tim là căn bệnh vô cùng nguy hiểm và phổ biến. Tuy nhiên, chỉ cần biết được biện pháp phòng ngừa đúng cách, có thể bảo vệ mình khỏi căn bệnh này. Một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả cũng như dễ dàng thực hiện nhất là chế độ ăn uống khoa học, luyện tập thể thao thường xuyên. Thường xuyên kiểm tra huyết áp và lượng cholesterol. Hạn chế sử dụng thuốc lá.


BS. Đỗ Kim
Ý kiến của bạn