Xuất hiện liên tiếp 3 hố tử thần trong thời gian ngắn
Trưa 11/4, người dân đang cày ruộng tại cánh đồng xã Kim Lư (Na Rì, Bắc Kạn) thì mặt ruộng bất ngờ sụt thành hố sâu, lòng hố có nước. Miệng hố có dấu hiệu mở rộng. Vị trí này cách hố sụt ngày 29/3 trên quốc lộ 3B, xã Kim Lư khoảng 30m.
Dọc quốc lộ 3B và trên cánh đồng trong bán kính hơn 200 m tính từ hố sụt đầu tiên đã xuất hiện nhiều vết nứt. Một giếng nước của hộ dân bị rút cạn nước.
Sáng 12/4, ông Lương Thanh Lộc - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Na Rì cho biết cách vị trí sụt lún trên quốc lộ 3B thuộc địa phận thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư, huyện Na Rì khoảng 50m vừa tiếp tục xảy ra hiện tượng sụt lún.

Hố tử thần liên tiếp xuất hiện ở Bắc Kạn.
Sở Xây dựng Bắc Kạn đang xin ý kiến phương án khắc phục hố sụt trên quốc lộ 3B. Trước đó, khi hố sụt mở rộng đến đường kính hơn 8,5 m, sâu hơn 5 m, đơn vị quản lý đường bộ đổ khoảng 200 m3 đá hộc xuống, nhưng bị dòng nước phía dưới cuốn trôi.
Chính quyền địa phương cũng tuyên truyền, vận động người dân không tiếp cận vị trí sụt lún để tránh trường hợp xảy ra các sự cố tai nạn. Huyện lên phương án sẵn sàng di dời các hộ dân đến nơi khác nếu việc sụt lún có thể gây mất an toàn đến tính mạng, tài sản các hộ dân xung quanh khu vực sụt lún.
Kể từ ngày 28/3, thời điểm xuất hiện "hố tử thần" đầu tiên, khu vực thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư đã xảy ra 3 hố sụt lún với độ sâu từ 5 đến 8 mét. Các vị trí cách nhau khoảng 50 đến 70 mét.
Huyện Na Rì đã lên danh sách hơn 20 hộ dân thuộc diện ảnh hưởng sẵn sàng di dời khi có diễn biến phức tạp. Nhà chức trách rào hố và phân luồng phương tiện từ TP Bắc Kạn đi Lạng Sơn và ngược lại theo phương án đến km 82+900 quốc lộ 3B thì rẽ trái vào trung tâm thị trấn Yến Lạc và nhập lại quốc lộ 3B ở km75+900.
Huyện Na Rì có địa hình phức tạp với nhiều núi đá vôi, thung lũng hẹp, độ dốc lớn, thuộc cánh cung Ngân Sơn. Khối núi đá vôi Kim Hỷ trên địa bàn được đánh giá là loại địa hình caster trẻ với những đỉnh đá tai mèo, vách đứng, vực sâu, nhiều sông suối chảy ngầm, vô cùng nguy hiểm.
Có thể lấp hố tử thần không?
Theo đánh giá sơ bộ, vị trí sụt lún dạng hang động Karst (hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn), bên dưới có dòng nước ngầm chảy thường xuyên kéo theo đất, đá gây ra sụt lún nền đường.
Đoàn công tác của Cục Đường bộ Việt Nam đã đến hiện trường kiểm tra thực tế hố sụt. Đơn vị quản lý đường bộ đã đổ khoảng 200 m3 đá hộc xuống, nhưng bị dòng nước phía dưới cuốn trôi. Để bảo đảm an toàn giao thông, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn đã có phương án phân luồng tạm thời tại khu vực này, cấm toàn bộ người và các phương tiện tham gia giao thông qua hố sụt lún.
Theo các chuyên gia địa chất, nguyên nhân hố tử thần ở Bắc Kạn giống hệt như những hố sụt ở nhiều địa phương khác. Bởi ở khu vực đó có hệ thống hang ngầm caster phức tạp. Nguồn gốc của hang ngầm caster là do núi lửa từng trào lên phun vào các đứt gãy, làm cho đá vôi bị chảy ra thành vôi hóa. Sau đó, bị nước rũa tạo thành hang ngầm caster rồi rỗng ra và bị phủ một lớp dung nhan núi lửa gần như đá ong ở trên mặt. Khi có sự tác động của các yếu tố dễ dẫn đến sập sụt.
TS Nguyễn Quốc Khánh và cộng sự Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản từng nghiên cứu về nguyên nhân xuất hiện hố tử thần ở Bắc Cạn. Trong đó, 3 nguyên nhân tự nhiên gồm: Cấu trúc địa chất của khu vực rất phức tạp với sự có mặt của nhiều loại đất đá bị phân cắt mạnh bởi các hệ thống đứt gãy; hệ thống karst ngầm phát triển mạnh với nhiều tầng hang karst khác nhau, tỷ lệ karst trung bình lên tới 15%; tầng đất phủ có thành phần là hỗn hợp sét pha, bột, cát gắn kết yếu, dễ bị rửa trôi xuống hệ thống hang karst ngầm bên dưới.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng sụt lún đất do việc hạ thấp mực nước ngầm của tầng chứa nước karst bởi quá trình bơm hút nước trong vùng. Kết luận này dựa trên kết quả khảo sát, tham khảo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học khác trên thế giới cũng như trên phân tích mô hình số.
Theo PGS.TS Trần Tân Văn, chuyên gia về địa chất khoáng sản, giải pháp duy nhất là phải điều tra khảo sát, khoanh vùng lại để cảnh báo. Việt Nam hầu như chưa thực hiện điều tra khảo sát sập sụt hang động. Hiện Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đang triển khai dự án điều tra khảo sát ở vùng một số tỉnh như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang... Nhưng để có một bản đồ cảnh báo hoàn thiện thì phải được thực hiện ở tất cả các vùng núi đá vôi. Khu vực vùng núi đá vôi, hàng ngầm… chiếm khoảng 40% diện tích toàn miền Bắc.
Việc lấp 'hố tử thần' từ trước đến nay chỉ được một thời gian ngắn, ở các vùng caster có các hố sụt như vậy đều có diễn tiến giống nhau. Chính quyền cần thực hiện ngay điều tra khảo sát, đánh giá quy mô hố sụt lớn hay nhỏ, nông hay sâu, từ đó có biện pháp phòng tránh. Còn nếu lấp lại rồi lại tiếp tục sinh sống trên 'hố tử thần' là không ổn vì nguy cơ vẫn còn.
Hiện có nhiều công nghệ có thể biết được quy mô của hố sụt như thế nào như đo địa vật lý hay dùng rada xuyên đất. Qua đó biết cấu trúc lượng đất bên dưới thế nào. Khảo sát địa chất xem xung quanh có chỗ nào có điểm lộ hang đá vôi hay không. Các cơ quan địa chất sẽ có phương pháp nghiên cứu cho từng địa điểm cụ thể.