Điều kỳ diệu
Tối ngày 12/10/2019, bác sĩ Trung được báo vào bệnh viện gấp để đỡ một ca đẻ khó. Sản phụ là người Mông, mang thai đủ tháng, nhà ở cách bệnh viện hơn 30 km. Qua lời kể của người nhà thì gia đình định để đẻ tại nhà nhưng đã 6 tiếng từ lúc chuyển dạ, sản phụ vẫn chưa sinh được trẻ nên phải chuyển lên Bệnh viện huyện Sốp Cộp. Khi khám cho sản phụ thì đầu trẻ đã xuống sâu và có thể quan sát thấy đầu lấp ló, nhận thấy có dấu hiệu suy thai do chuyển dạ kéo dài, bác sĩ Trung đã thông báo với gia đình sản phụ về tình trạng sức khoẻ của thai, có nguy cơ và tiên lượng xấu về trẻ, rồi khẩn trương tiến hành đỡ đẻ. Sau khi sổ thai, sơ sinh toàn thân trắng bệch, mềm như bún, không có phản xạ cơ. Bác sĩ Trung tiến hành cắt rốn đưa ra bàn hồi sức, sử dụng bộ hồi sức sơ sinh gồm bóng và mặt nạ để thông khí khoảng 2 phút. Vẫn không thấy trẻ thở, bác sĩ kiểm tra mũi miệng, hút dịch, và làm thông đường thở rồi đặt lại mặt nạ và tiếp tục thông khí với lực bóp bóng mạnh hơn và duy trì tần suất 50 nhịp trong vòng 1 phút.
Bác sĩ Lò văn Trung.
Trong phòng sinh tối hôm đó có bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, nữ hộ sinh cùng hỗ trợ ca đẻ với bác sĩ Trung. "Thấy tình trạng trẻ như vậy mọi người đều khẳng định, cháu bé đã hết hy vọng. Nếu trước đây khi tôi chưa được tập huấn, tôi cũng đã bỏ cuộc với trường hợp này. Rồi khi thấy trẻ nấc rồi bắt đầu nghe tiếng khóc to của trẻ, trong lòng tôi như có một luồng điện lan toả, tôi tiếp tục thông khí rồi kích thích thở mà thấy như bừng sáng vì hạnh phúc. Một vài phút sau, da trẻ trở nên hồng hào, trẻ thở đều cất tiếng khóc to trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người trong phòng đẻ. Sau đó, trẻ được chuyển về lại cạnh mẹ và tiến hành chăm sóc thường quy”. Bs Trung chia sẻ.
Bác sĩ Trung cũng cho biết, anh cảm thấy thật may mắn vì nhờ những kiến thức và thực hành có được qua lớp tập huấn hỗ trợ trẻ sơ sinh thở mà anh đã cứu sống một sơ sinh khi đẻ ra hoàn toàn không thở. Tại Việt Nam, đây là một trong những bằng chứng đầu tiên của việc áp dụng hiệu quả kỹ thuật hỗ trợ trẻ sơ sinh thở trong hồi sức sơ sinh và quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu.
Học viên của huyện Sốp Cộp đang thực hành kỹ thuật hỗ trợ trẻ thở sử dụng mô hình nhân vật.
Hiệu quả của dự án
Tại lớp tập huấn, bác sĩ Trung cùng 15 bác sĩ, điều dưỡng và nữ hộ sinh khác trong tỉnh Sơn La được các chuyên gia đến từ Tổ chức LDSC, VietHealth, và các giảng viên Quốc gia trao đổi về các nội dung chăm sóc sơ sinh thiết yếu, hỗ trợ trẻ sơ sinh, thực hành kỹ thuật hỗ trợ trẻ sơ sinh thở sử dụng mô hình Natalie (mô hình nhân vật) và hoàn thành bài kiểm tra lâm sàng về kỹ thuật hỗ trợ trẻ sơ sinh thở sử dụng bóng và mặt nạ. Kết thúc lớp tập huấn, 16 học viên tại lớp tập huấn đã được cấp 01 mô hình Natalie, 01 bộ dụng cụ hỗ trợ trẻ sơ sinh thở để tiếp tục luyện tập kỹ năng lâm sàng và tập huấn cho các cán bộ cung cấp dịch vụ đỡ đẻ tại địa phương.
Huyện Sốp Cộp là một huyện miền núi nghèo, cách thành phố Sơn La khoảng 132 km, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó người Mông chiếm đa số. Cũng như nhiều địa bàn vùng cao, miền núi khác, trình độ văn hoá của người dân ở đây còn hạn chế, thiếu hiểu biết và các kiến thức về chăm sóc y tế, còn nhiều hủ tục cản trở người dân tìm đến các dịch vụ y tế cần thiết.
Theo tục lệ, phụ nữ dân tộc Mông mang thai phải sinh con tại nhà chứ không được đến các cơ sở y tế và người đỡ đẻ phải là phụ nữ. Ngoài các nguyên nhân như cơ sở vật chất, trình độ năng lực của cán bộ y tế thì đây cũng chính là một vấn đề khiến công tác quản lý thai và đỡ đẻ của huyện Sốp Cộp nói riêng và của tỉnh Sơn La gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến tỷ lệ đẻ tại nhà chiếm khoảng 40% và tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi ở 5,87‰ (theo Thống kê y tế năm 2015).
Dự án hỗ trợ trẻ sơ sinh thở (Help Babies Breathe - HBB) do Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em - Bộ Y tế phối hợp với VietHealth triển khai thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Tổ chức Latter-Day Saint Charity (LDSC) nhằm mục đích góp phần cải thiện tình trạng sức khoẻ bà mẹ, trẻ em thông qua triển khai thực hiện các lớp tập huấn kỹ thuật hỗ trợ trẻ sơ sinh thở tại một số tỉnh, thành phố đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án HBB tập huấn các bước chăm sóc cơ bản cần thực hiện tại những giây phút đầu tiên ngay sau đẻ - còn gọi là Phút vàng trong quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu và hồi sức sơ sinh. Kỹ thuật hỗ trợ trẻ sơ sinh thở trong hồi sức sơ sinh được chứng minh góp phần giảm bệnh tật, cứu sống sơ sinh lên đến 47%.