Việc làm này giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế tuyến huyện, giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh, còn người dân được hưởng lợi vì được sử dụng dịch vụ y tế tốt hơn ở ngay gần nhà.
Nâng tầm cho bệnh viện tuyến dưới
Với chủ trương đưa kỹ thuật cao mà tuyến dưới còn yếu hoặc thiếu, các bệnh viện trực tuyến tỉnh của Quảng Ninh đang rất nỗ lực để chuyển giao hiệu quả cho tuyến dưới. Theo đó, năm 2017, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh... đã xây dựng kế hoạch chuyển giao kỹ thuật, cử chuyên gia hỗ trợ chuyên môn cho các Trung tâm y tế (TTYT) huyện. Những kỹ thuật được chuyển giao như phẫu thuật nội soi, gây mê, hồi sức cấp cứu, ngoại ổ bụng, chấn thương tại các trung tâm y tế... Để việc chuyển giao đạt hiệu quả, các bệnh viện tiếp nhận các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng từ tuyến dưới về bệnh viện đào tạo “cầm tay, chỉ việc” từ 3 đến 9 tháng tùy theo chuyên ngành. Thông qua các đợt chuyển giao, nhiều trung tâm y tế đã đưa vào ứng dụng những kỹ thuật cao.
Một ca phẫu thuật nội soi ở Trung tâm y tế huyện Hải Hà, Quảng Ninh.
Đơn cử như TTYT huyện Hải Hà với sự trợ giúp của các bác sĩ của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, TTYT huyện Hải Hà đã mổ nội soi thành công cho 5 bệnh nhân bị u xơ tử cung, u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung bị vỡ và bệnh nhân bị sỏi túi mật. Đây là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng thành tựu y học hiện đại vào hoạt động điều trị, chữa bệnh cho bệnh nhân tại tuyến huyện. Việc TTYT huyện Hải Hà đưa hệ thống mổ nội soi hiện đại có chức năng phẫu thuật nội soi ổ bụng và phẫu thuật nội soi sản khoa nhằm giúp cho các bệnh nhân được chữa trị ngay tại cơ sở. Qua đó góp phần giảm chi phí đi lại, ăn ở cho bệnh nhân và giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
BS. Nguyễn Đông Thanh - Giám đốc TTYT huyện Hải Hà cho biết, nhiều năm nay, TTYT huyện Hải Hà đã triển khai nhiều kỹ thuật mới như: điều trị cho bệnh nhân suy thận, mổ nội soi, chụp cắt lớp... tại đơn vị, qua đó giảm thiểu được bệnh nhân chuyển tuyến và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Còn tại TTYT huyện Vân Đồn, người dân ở đây cũng rất phấn khởi khi được các bác sĩ với trình độ cao và máy móc hiện đại điều trị mà không phải chuyển đi xa. Chị N.T.N. (ở xã Hạ Long, Vân Đồn) - người được các bác sĩ TTYT huyện Vân Đồn cứu sống một cách ngoạn mục cho biết, chị nhập viện do bị ngã rách đầu và đau bụng, với hiện tượng đó thì cũng không phải ca nặng. Tuy nhiên, sau khi thăm khám, các bác sĩ đánh giá tình trạng của chị khá nặng, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh, nhỏ và khó bắt thì ngay lập tức các bác sĩ cho bệnh nhân đi siêu âm và phát hiện ra khối chửa ngoài tử cung đã bị vỡ. Chỉ trong vòng 10 phút từ khi nhập viện, bệnh nhân được đưa vào phòng phẫu thuật để mổ cầm máu. Tuy nhiên, vừa đẩy vào phòng mổ thì tim bệnh nhân ngừng đập. Nhờ sự quyết đoán nhanh nhạy của các bác sĩ và huy động máu hiến kịp thời của các nhân viên y tế trung tâm mà chị N. đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
BS. Phạm Quang Dũng - Giám đốc TTYT huyện Vân Đồn cho biết, hiện trung tâm đã có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như máy chụp cắt lớp, siêu âm màu 4D, hệ thống nội soi tiêu hóa, máy gây mê kèm thở, máy sinh hiển vi khám mắt, bộ phẫu thuật nội soi tiêu hóa...
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
BS. Vũ Xuân Diện - Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, nâng cao năng lực chuyên môn cho các đơn vị y tế nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là đồng bào vùng khó khăn luôn được ngành y tế tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhiệm vụ này được ngành y tế chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt và giao nhiệm vụ trực tiếp cho các đơn vị y tế tuyến tỉnh trong chỉ tiêu kế hoạch năm. Theo đó, có 4 bệnh viện tuyến tỉnh (Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi, Đa khoa khu vực Cẩm Phả) thực hiện hỗ trợ toàn diện cho 4 đơn vị y tế khó khăn: TTYT Đầm Hà, Bình Liêu, Cô Tô, Ba Chẽ. Ngoài ra, các bệnh viện lớn trên còn hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị khó khăn khác như TTYT Hải Hà, Móng Cái, Hoành Bồ, Quảng Yên, Tiên Yên... Ngoài hỗ trợ toàn diện, các đơn vị còn tổ chức định kỳ các đợt khám, chữa bệnh lưu động đến các vùng khó khăn, hải đảo nhằm giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật có chất lượng.
Song song với việc chuyển giao kỹ thuật cao, ngành y tế Quảng Ninh luôn ý thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phát huy hiệu quả sự đầu tư của tỉnh, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế cho nhân dân. Sở Y tế Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo xây dựng cơ chế đãi ngộ để thu hút, “giữ chân” cán bộ có chuyên môn giỏi, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn minh, tạo điều kiện tối đa để bác sĩ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với đơn vị... Nhờ vậy trong năm qua, ngành y tế đã thu hút được trên 500 bác sĩ, hầu hết là hệ đào tạo chính quy.
Với các giải pháp thiết thực, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. So với năm 2012 chỉ đạt 7,5 thì đến nay đã lên đến 14,5 bác sĩ/vạn dân, gấp gần 2 lần so với mức trung bình của cả nước, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.