Nghiên cứu cho thấy IGABT có thể giúp tăng gần như gấp đôi tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư cổ tử cung khi được kết hợp với các phương pháp xạ trị hiện có. Qua đó, bệnh nhân ung thư cổ tử cung tại Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận với phương pháp điều trị "có khả năng cứu sống" này.

Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng và Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh là 3 cơ sở đã tiếp nhận thiết bị hiện đại về đào tạo IGABT. Đây là một phần của Dự án ACTIVE (Nâng cao năng lực điều trị ung thư cổ tử cung tại Việt Nam), và có thể được coi là một sáng kiến tiên phong trong ngành. Các bệnh viện này đã nhận được phê duyệt theo quy định vào năm 2024 và là những đối tác chính tại Việt Nam trong khuôn khổ Dự án ACTIVE.
Dự án ACTIVE được tài trợ bởi KfW DEG (Deutsche Investitions- und Entwicklungsgesellschaft) và Elekta, đã hợp tác cùng ba bệnh viện ung bướu, Tổ chức Asia Society for Social Improvement and Sustainable Transformation (ASSIST), cùng các chuyên gia lâm sàng uy tín nhằm đảm bảo mọi bệnh nhân ung thư cổ tử cung tại Việt Nam đều có thể tiếp cận đến IGABT.
Ung thư cổ tử cung là một thách thức lớn đối với sức khỏe phụ nữ tại các nước đang phát triển. Riêng tại Việt Nam, hơn 4.000 ca mắc mới được chẩn đoán mỗi năm. Với những tiến bộ gần đây trong điều trị ung thư, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên Hợp Quốc đã xác định ung thư cổ tử cung là loại ung thư có khả năng được loại trừ như là một vấn đề y tế cộng đồng. Bên cạnh đó, WHO cũng khuyến nghị IGABT là công nghệ quan trọng giúp bệnh viện điều trị hiệu quả ung thư cổ tử cung.
Trong khi xạ trị thông thường chỉ mang lại tỷ lệ sống sót 42% cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung, việc kết hợp IGABT có thể nâng tỷ lệ này lên thêm 33%. Do đó, việc IGABT được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam có thể giúp tăng gần như gấp đôi tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư cổ tử cung.
Kết quả lâm sàng cho thấy sự cải thiện đáng kể đối với bệnh nhân được điều trị bằng IGABT xuất phát từ đặc tính chính xác và khả năng thích ứng cao của phương pháp này. IGABT giúp tiêu diệt tối đa tế bào ung thư trong khi giảm thiểu tổn thương đến các mô khỏe mạnh xung quanh, từ đó hạn chế tối đa tác dụng phụ và nâng cao hiệu quả điều trị.
Những kết quả ban đầu từ các bệnh nhân Việt Nam đang điều trị bằng IGABT tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh rất khả quan. Bệnh nhân bày tỏ sự hài lòng với phương pháp điều trị này, trong khi các chuyên gia về ung bướu cũng đánh giá cao hiệu quả lâm sàng nhờ tính chính xác vượt trội của IGABT.
Từ năm 2021, hơn 160 chuyên gia y tế tại Việt Nam đã được đào tạo theo chương trình giảng dạy chuyên sâu từ châu Âu, trải qua đào tạo thực hành và khóa học trực tuyến được Liên Hợp Quốc cấp chứng chỉ về xạ trị tiên tiến. Thành tựu quan trọng này giúp bệnh nhân ung thư cổ tử cung trên toàn quốc tiếp cận dễ dàng hơn với đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm về IGABT.
Dự án ACTIVE khẳng định cam kết của tất cả các bên liên quan trong việc nâng cao tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Bằng cách kết hợp công nghệ tiên tiến với chương trình đào tạo trong nước, dự án mong muốn đặt nền tảng cho các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung hiệu quả và đổi mới hơn, góp phần loại trừ căn bệnh này như một vấn đề y tế cộng đồng.
Tìm hiểu thêm về Dự án ACTIVE:
https://aboutbrachytherapy.com/vietnam-project-about-brachytherapy/
Thu Nguyễn