Hà Nội

Hỗ trợ tăng cường miễn dịch cho trẻ: Dùng sao cho đúng?

19-02-2020 10:32 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Để tăng cường miễn dịch cho trẻ em, việc bổ sung các thuốc/sản phẩm hỗ trợ tăng cường miễn dịch được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, việc bổ sung các sản phẩm này cũng không hề đơn giản...

Loại thuốc nào thường được lựa chọn?

Vitamin D

Vitamin D được coi như một hormon có vai trò quan trọng giúp xương của trẻ chắc khỏe. Hơn nữa bổ sung vitamin D là an toàn và nó bảo vệ giúp phòng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính rất có hiệu quả, mặt khác cũng giúp ích cho sức khỏe tâm thần và có lợi cho vấn đề tuổi thọ.

Kẽm

Kẽm có nhiều trong thịt, do đó ở những nước đang/chưa phát triển, những vùng khó khăn, thiếu kẽm có thể còn cao nhưng lại ít được để ý tới. Nhiều bằng chứng cho thấy bổ sung kẽm dự phòng là có hiệu quả trong việc giảm cả tỷ lệ lưu hành và tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy, giảm nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt giúp cải thiện sự tăng trưởng ở trẻ em có tình trạng dinh dưỡng kém. Tuy nhiên các bé có được chăm sóc dinh dưỡng tốt có thể không thiếu kẽm, không nhất thiết phải bổ sung thông thường như các bé có tình trạng dinh dưỡng kém hơn.

Thuốc có chứa beta - glucan

Beta - glucan là một chuỗi các phân tử đường liên kết phức tạp, khác với tinh bột, được chiết xuất từ yến mạch, lúa mạch và nấm men, cũng được thấy trong tảo hoặc nấm linh chi...

Beta-glucan giúp kích thích hệ miễn dịch tự nhiên, tăng cường sức khỏe hô hấp. Beta-glucan giúp tăng cường hoạt động của tế bào miễn dịch, tăng tiết các chất hoạt hóa tế bào nhằm tiêu diệt các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài kích thích tiêu hóa, phòng các bệnh đường ruột, nhiễm trùng do vi khuẩn, virus.

Sản phẩm chứa chất ly giải vi khuẩn đông khô

Là thuốc được tạo ra từ bột ly giải đông khô từ 10 loại vi khuẩn hay gây bệnh đường hô hấp, thuốc kích thích một tổ chức miễn dịch ở ruột giúp kích thích cơ thể tiết kháng thể và các tế bào miễn dịch. Thuốc có hiệu quả trong các đợt nhiễm trùng hô hấp trên, giảm thời gian điều trị bằng kháng sinh, nhiễm trùng, sốt, ho và thở khò khè, làm tăng nồng độ immunoglobulin huyết thanh (IgG, IgA hoặc IgM) và tế bào miễn dịch Lympho T.

Một số sản phẩm chứa thymomodulin

Là thành phần chiết xuất từ tuyến ức (thường là bò) cũng được cho là giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp phòng bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn hoặc virus, tuy nhiên với liều 80-120mg/ngày, các sản phẩm hiện có đa phần chưa đủ hàm lượng này. Một mặt khác các nghiên cứu rất ít, và cũ từ nhưng năm 90 chứng cứ còn chưa mạnh và rõ ràng.

Bên cạnh đó còn có sản phẩm thuốc chứa kháng thể gắn với interferon ở người, giúp điều hòa miễn dịch, kích thích và tăng hiệu quả hoạt động của các tế bào miễn dịch...

Dùng thuốc tăng cường miễn dịch cần theo chỉ định của bác sĩ.

Dùng thuốc tăng cường miễn dịch cần theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý khi sử dụng

Thuốc/TPCN tăng cường miễn dịch về bản chất không phải là tự nhiên, do đó trước khi sử dụng bất cứ sản phẩm gì cần có sự tham vấn của bác sĩ. Việc cho trẻ uống quá liều có thể khiến trẻ bị ngộ độc và tổn hại gan thận, làm gia tăng các tác dụng không mong muốn của thuốc. Trước khi cho trẻ uống bất kỳ một loại thuốc tăng cường miễn dịch nào, cần phải đọc kỹ thành phần có trong thuốc, để tránh việc có thể bổ sung chồng chéo các chất gây quá liều.

Bên cạnh đó, cần lưu ý dù là thuốc bổ, thuốc tăng cường miễn dịch nhưng tuyệt đối không cho trẻ uống kéo dài. Cần bảo quản thuốc đúng, tránh làm hỏng thuốc, mất tác dụng hoặc có thể sản sinh ra các chất không có lợi.

Lời khuyên của thầy thuốc

Trẻ em có hệ miễn dịch còn yếu hơn người lớn, đặc biệt trong giai đoạn có khoảng trống miễn dịch (6-36 tháng) nên dễ bị bệnh, nhất là bệnh lý hô hấp, tiêu hóa. Các bậc cha mẹ cần tránh lạm dụng thuốc mà điều quan trọng là cần giúp trẻ nâng cao hệ miễn dịch tự nhiên mà không tốn kém, bằng cách.

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho bú mẹ lâu nhất có thể; tiêm chủng đầy đủ; vệ sinh môi trường sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc nguồn lây, khói thuốc; chế độ ăn đa dạng hợp lý, ngủ đủ giấc và có môi trường an toàn để vui chơi; luôn vệ sinh tay đúng cách khi chăm sóc, chế biến và cho trẻ ăn và dạy trẻ làm như vậy.


BS. Trần Đồng
Ý kiến của bạn