Hỗ trợ phụ nữ miền Bắc Việt Nam được tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản và KHHGĐ

23-11-2017 15:34 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đáp ứng nhu cầu tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình chất lượng cao cho những chị em phụ nữ ở miền Bắc Việt Nam, nhất là những phụ nữ ở các vùng khó khăn, Tổ chức Marie Stopes Việt Nam đã triển khai dự án MS Ladies – là các nữ hộ sinh, cộng tác viên dân số - tiếp cận đối tượng là phụ nữ, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm giảm thiểu việc mang thai ngoài ý muốn.

Việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ về sức khỏe sinh sản (SKSS) và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) chất lượng cao (SRH) là một thách thức đối với các chị em phụ nữ ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là những phụ nữ ở các vùng khó khăn. Chương trình mang tên MS Ladies đã được tổ chức Marie Stopes Việt Nam triển khai nhằm nâng cao khả năng tiếp cận bằng cách đào tạo các nữ hộ sinh và các cộng tác viên dân số - được gọi chung là những “MS Ladies” - để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ về SKSS và KHHGĐ chất lượng cao với một mức giá hợp lý. Dự án mới này đã mang lại cho những chị em gia nhập đội ngũ MS Ladies cơ hội có thêm một nguồn thu nhập ổn định và cải thiện tài chính cho gia đình cũng như cho bản thân.

Chị Nguyễn Thị Thanh và Lương Thị Xuyến – cộng tác viên dân số tại tỉnh Yên Bái, và chị Trương Thị Hoa – nữ hộ sinh tại trạm y tế xã Vũ Linh, huyện Yên Binh, tỉnh Yên Bái đã chia sẻ về công việc của họ với tư cách là những “MS Ladies” một cách đầy nhiệt huyết và đam mê. Các chị đã tham gia mạng lưới MS Ladies vì đây là cơ hội để tăng cường khả năng tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc SKSS của các chị em phụ nữ và giảm thiểu việc mang thai ngoài ý muốn trong cộng đồng.

Các trạm y tế vẫn thường cung cấp các sản phẩm và dịch vụ về SKSS và KHHGĐ miễn phí trong cộng đồng. Tuy nhiên, do chính sách cắt giảm ngân sách và đóng góp từ các nhà tài trợ bị hạn chế trong những năm gần đây, các trạm y tế đã không thể tiếp tục cung cấp miễn phí và dần không đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ SKSS và KHHGĐ trong cộng đồng. Chính vì vậy, các chị em phụ nữ xem mạng lưới MS Ladies như một cách khắc phục hiệu quả. Các MS Ladies mua các sản phẩm chăm sóc SKSS và KHHGĐ từ tổ chức Marie Stopes Việt Nam và bán lại với giá phải chăng cho các khách hàng, tạo ra một nguồn lợi nhỏ từ công việc này, giúp cải thiện thu nhập của bản thân cũng như cho gia đình. Chương trình mới được triển khai vào tháng 6 năm 2017, nên hiện nay cả chị Thanh, chị Xuyến và chị Hoa đều đang trong giai đoạn xây dựng nguồn khách hàng, thu nhập chưa nhiều nhưng vẫn đều đặn mỗi tháng. Các chị cũng đều chia sẻ rằng khách hàng đã quen dần và quay lại mua sản phẩm nhiều hơn, đồng thời các chị em cũng truyền tai nhau, giúp cho các MS Ladies có thêm những khách hàng mới, tăng thêm tính bền vững cho việc kinh doanh.

MS Lady – chị Lương Thị Xuyến – đang tư vấn về các sản phẩm KHHGĐ giúp các chị em phụ nữ dân tộc tại tỉnh Yên Bái.

Khách hàng cũng cho biết, rằng họ cảm thấy thích những sản phẩm được phân phối bởi các MS Ladies hơn là những sản phẩm được bày bán tại các tiệm thuốc, vì đây đều là những sản phẩm được đảm bảo chất lượng, ít tác dụng phụ và giá cả hợp lý. Chị Thanh chia sẻ, khách hàng của chị cảm thấy yên tâm hơn khi mua sản phẩm vì chị luôn tư vấn một cách cẩn thận về từng loại sản phẩm cho khách hàng, một điều mà khách hàng khó có thể trải nghiệm tại các tiệm thuốc thông thường tại địa phương. Chị Đặng Thị Bá là một trong những khách hàng quen thuộc của chị Xuyến cho biết, chị cảm thấy rất hài lòng với chất lượng các sản phẩm được cung cấp. “Thuốc của MS Ladies cũng làm cho da của tôi khỏe đẹp hơn và dịch vụ thì rất tiện lợi”, chị Bá chia sẻ.

Một trong những thách thức của MS Ladies đó là các khách hàng đã quen với việc được cung cấp sản phẩm miễn phí từ các trạm y tế, do đó họ đôi khi cảm thấy miễn cưỡng khi phải trả tiền và sẽ cần một thời gian để nhìn thấy được những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng. Chị Thanh cho biết, việc cung cấp các tài liệu truyền thông và tư vấn trực tiếp sẽ thuyết phục được khách hàng rằng họ chỉ phải bỏ ra một chi phí rất nhỏ so với chất lượng của các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp.

Các cán bộ tại các trạm y tế cũng đã hỗ trợ trong việc thực hiện các dịch vụ cho khách hàng sau khi được tư vấn và góp phần đáng kể cho sự thành công của dự án MS Ladies.

Dự án MS Ladies đang được tổ chức quốc tế Marie Stopes International triển khai tại 11 quốc gia, trong đó có các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, và Đắc Lắc của Việt Nam. Từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2017 đã có 60 nữ hộ sinh và cộng tác viên dân số/ cán bộ y tế cộng đồng được tuyển dụng và đào tạo trở thành “MS Ladies”, phục vụ hơn 8500 khách hàng tại Việt Nam.

Hải Yến
Ý kiến của bạn