Nhà khó khăn trông ngóng
Nhiều gia đình thuộc diện khó khăn ở thôn 6B (xã Cư Elang) cho biết: Khi nhận được thông tin Nhà nước sẽ hỗ trợ một khoản tiền cho những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, ai cũng mong ngóng, nhưng rồi đành thất vọng, phải tìm đủ cách mưu sinh qua ngày bởi tiền hỗ trợ COVID-19 toàn vào những gia đình khá giả, có nhà cao cửa rộng.
Bà Nguyễn Thị Hoa ngao ngán: Chi tiền hỗ trợ vậy bất cập quá. Nhà tôi đất sản xuất thì hạn chế, hai vợ chồng già thì chẳng có thu nhập gì nhiều. Dịch bệnh xảy ra, không biết trông chờ vào đâu. Số tiền hỗ trợ COVID-19 tuy không nhiều nhưng nếu đúng địa chỉ thì cũng phần nào vơi đi khó khăn của người dân.
Không riêng gì bà Hoa, nhiều hộ dân khác cũng sống trong cảnh phải xoay sở lương thực hàng ngày như ông Trương Văn Duy và bà Bàn Thị Linh nhưng cũng không được xét duyệt vào danh sách nhận các khoản tiền cho người bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Nhiều thôn khác như: Thôn 2; Thôn 6B; Thôn 6D; Thôn Vân Kiều... cũng bức xúc trước cách làm việc của chính quyền địa phương. Bà Hoàng Thị Gái ở Thôn 2 thất vọng: Gia đình như chúng tôi, nghèo và cận nghèo từ năm 2019 đến nay, ở nhà thì cũ nát, thu nhập chẳng được bao nhiêu. Lo trang trải vài bộ quần áo, sách vở cho trẻ nhỏ đi học đã phải chật vật lắm rồi. Ảnh hưởng dịch bệnh không đi làm thêm được nên càng khó khăn hơn. Vậy nhưng cũng chẳng được cán bộ chính sách nhắc đến hay đưa vào danh sách nhận tiền hỗ trợ.
Nỗi thất vọng của người dân tăng thêm khi nhiều gia đình xây được nhà kiên cố, có khả năng mua sắm phương tiện đắt tiền như: ông Ngân Văn Ch (Thôn 6B), ông Nguyễn T... Một số người dân ở thôn Vân Kiều mong muốn chính quyền địa phương đẩy mạnh việc kiểm tra, sử dụng số tiền hỗ trợ đúng mục đích, không để người thực sự khó khăn phải thất vọng.
Nhiều người khó khăn thực sự mong chính quyền hỗ trợ đúng đối tượng.
Đang kiểm tra, xử lý
Trước phản ánh của hàng trăm hộ dân nghèo, người khó khăn, ông Trần Phú Hùng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đăk Lăk cho biết đã nắm bắt được thông tin. Việc triển khai chương trình hỗ trợ là rất cần thiết, nhân văn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ở các địa phương, nhất là tuyến xã có bất cập như ở Ea Kar. Sở đã và đang phối hợp với huyện và xã để điều tra, sớm có biện pháp khắc phục. Nếu có hiện tượng cố tình làm trái, làm sai sẽ bị xử lý nghiêm.
Ông Trần Văn Thanh - Chủ tịch xã Cư Elang cho biết: Toàn xã có 1.991 hộ với hơn 9.000 khẩu. Qua bình xét cuối năm 2019, toàn xã có 792 hộ nghèo và 583 hộ cận nghèo đủ điều kiện để được hưởng tiền hỗ trợ COVID-19. Việc cập nhật danh sách nghèo, cận nghèo, khó khăn là do các thôn, buôn đưa lên, xã chỉ duyệt. Nắm thông tin bất cập, xã cũng đã lập đoàn kiểm tra. Bước đầu cho thấy việc bình xét hộ nghèo, hộ khó khăn ở các thôn chưa thực sâu sát, bỏ sót nhiều hộ nên dẫn đến các bức xúc. Việc này sẽ được sớm chấn chỉnh lại.
Lý giải của Chủ tịch xã Cư Elang là vậy, tuy nhiên, nhiều hộ dân lại cho rằng, khi bắt đầu xuất hiện bất cập đã báo với các trưởng thôn, các trưởng thôn báo lên xã nhưng xã không điều chỉnh kịp thời nên mới xảy ra sai sót tràn lan như hiện nay.
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk, đến nay, đối với diện nghèo, cận nghèo, khó khăn bị ảnh hưởng bởi COVID-19, tỉnh này đã phê duyệt tiền hỗ trợ cho 375.204 khẩu với hơn 281 tỉ đồng; đã chi trả cho 360.778 khẩu với hơn 270 tỉ đồng. Đối với thành phần lao động tự do, tỉnh Đăk Lăk cũng đã phê duyệt hỗ trợ cho 4.531 người, đang tiến hành giải ngân hỗ trợ. Riêng các đối tượng là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng thì đã tiến hành chi hỗ trợ xong.
Từ những bất cập ở xã Cư Elang (huyện Ea Kar), hy vọng các địa phương khác ở Đăk Lăk nói riêng, các tỉnh thành khác nói chung cần thực hiện đúng mục đích, trúng đối tượng, phát huy tính nhân văn, ý nghĩa trong gói hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi COVID-19 của Nhà nước.