Theo đó, tại Điều 105 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, về nội dung đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề nêu rõ: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức, tạo điều kiện cho người hành nghề tham gia đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa liên tục, bồi dưỡng về chuyên môn kỹ thuật, đạo đức nghề nghiệp.
Nhà nước có chính sách về cấp học bổng như sau:
- Cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu có kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước;
- Cấp học bổng chính sách cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu là người đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nhà nước hỗ trợ đối với người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu như sau:
- Hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước;
- Hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng với mức quy định tại điểm a khoản này nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.
Điểm 4 của điều này cũng ghi rõ, nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học.
Cũng về nội dung này, theo quy định tại Điều 83 về đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, nhà nước miễn học phí đối với người học chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y, pháp y tâm thần. Như vậy, so với Luật cũ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã tăng thêm 3 chuyên ngành được nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí là: tâm thần, hồi sức cấp cứu và truyền nhiễm.
Theo Bộ Y tế, trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần vẫn còn nhiều khó khăn, nhân viên làm việc trong môi trường độc hại và chịu nhiều áp lực tâm lý. Cơ chế chính sách đãi ngộ với đội ngũ cán bộ chuyên ngành pháp y hiện chưa phù hợp và tương xứng với đặc thù công việc, chưa thu hút được cán bộ đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, giám định viên pháp y.
Do vậy, một số Trung tâm pháp y được thành lập nhưng cán bộ vẫn còn kiêm nhiệm hoặc từ các cơ sở y tế chuyên ngành khác chuyển sang, ít có kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Nhiều chuyên gia đã cho rằng để thu hút nguồn nhân lực và giảm tình trạng thiếu bác sĩ ở một số chuyên ngành đặc thù, như gây mê hồi sức, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh… cần có cơ chế đặc biệt về lương và các chế độ đãi ngộ khác. Thậm chí đã có những đề xuất với các chuyên ngành trên, lương của bác sĩ khi ra trường có thể cao gấp 4-5 lần các chuyên ngành khác. Vì đây là những chuyên ngành rất đặc thù, nhân viên y tế không thể mở phòng khám, làm thêm ngoài giờ.
GS.TS Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội trong lần trao đổi về vấn đề đào tạo nhân lực y tế đã dẫn chứng về sự thiếu nhân lực của các chuyên ngành này. Như ở thời điểm bùng phát dịch COVID-19 ở các tỉnh phía Nam thiếu nhân lực hồi sức tích cực cho người bệnh nguy kịch diễn ra ở nhiều nơi, có địa phương chỉ có 2 bác sĩ hồi sức...
"Vậy chúng ta phải làm sao để sinh viên khi chọn chuyên ngành thì sẵn sàng đăng ký vào các chuyên ngành đặc thù gây mê, tâm thần, giám định pháp y...", GS.TS Lê Ngọc Thành nói.