Viêm khí quản mạn tính là bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi, nhất là đối với người già, trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, với biểu hiện chủ yếu là ho, có đờm, khó thở, khò khè, sốt và ớn lạnh, mệt mỏi,… Người bệnh cần đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong thời gian điều trị có thể kết hợp dùng một số bài thuốc Đông y có tác dụng hỗ trợ điều trị hiệu quả.
Bài 1: Ma hoàng 1,5g, lê 1 quả. Cách làm: Lê bỏ hạt đi cho ma hoàng vào, đem chưng cách thủy, ăn lê và uống nước, mỗi buổi tối dùng một lần. Dùng cho bệnh nhân ho nhiều, khó khạc đờm.
Bài 2: Vỏ quýt tươi 30g, gạo lức 100g. Cách làm: Vỏ quýt rửa sạch, nước vừa đủ nấu lấy nước, bỏ bã. Cho gạo lức vào nấu thành cháo loãng, chia vài lần ăn trong ngày. Công dụng: Táo thấp, lý khí, hết đờm. Dùng cho viêm khí quản mạn, ho có đờm ướt.Người bệnh âm hư, ho khan hoặc ho khan không đờm, không nên dùng.
Bài 3: Rễ cây trà 100g, gừng 50g, mật ong đủ dùng. Cách làm: Rễ cây trà và gừng sắc lấy nước, đổ mật ong khuấy đều. Mỗi lần uống 20ml, ngày uống 2 lần. Công dụng: Nhuận phổi, trừ đờm, ngăn ho.
Bài 4: Gừng 6g; hạnh nhân, tang bạch bì, mỗi thứ 10g; đảng sâm 30g; đại táo 7 quả; sữa bò tươi 200ml, gạo tẻ 100g. Cách làm: Ngâm hạnh nhân, bóc bỏ lớp ngoài vỏ, vớt ra để ráo, tán nhuyễn hòa vào sữa bò, lọc lấy nước. Đảng sâm, tang bạch bì, gừng, táo, sắc lấy nước, cho gạo vào nấu cháo.Khi cháo chín, đổ nước hạnh nhân vào khuấy đều.Ăn lúc bụng đói, không hạn chế số lượng. Công dụng: Thanh phế, hạ khí, chặn ho, ngăn suyễn. Chủ trị chứng ho do viêm khí quản nhánh gây ra, nặng ngực, thở mệt, nhiều đờm…
Bài 5: Phổi lợn 500g, gạo lức 100g, nhân ý dĩ 50g. Cách làm: Phổi lợn rửa sạch, cho vào nồi, thêm nước và một chút rượu, nấu chín vớt ra, thái nhỏ rồi cho vào nồi cùng gạo lức đãi sạch, nhân ý dĩ, hành, gừng tươi, muối vừa đủ, đầu tiên đun to lửa, đun sôi sau nhỏ lửa, đun đến khi gạo chín nhừ là được, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Bổ tỳ phế, khỏi ho.
Lưu ý: Nếu đờm nhiều, khó khạc, có thể dùng phương pháp xông đơn giản để khử đờm. Cách làm: Lấy một chiếc cốc to, đổ vào một lượng nước sôi nửa cốc, người bệnh ghé mũi vào vào cốc, miệng ở bên ngoài cốc, dùng khăn mặt trùm cả đầu và cốc. Hít khí nóng vào mũi, thở khí đục bằng miệng.Mỗi lần làm khoảng 5 - 10 phút, luôn giữ cho nước nóng. Nếu ngứa họng hay ho có thể cho thêm một 1 - 2 giọt loại dầu có tinh chất bạc hà vào nước để xông.
Bác sĩ Thúy Hường