Theo đó, cán bộ dinh dưỡng đã yêu cầu địa phương thống kê trẻ bị SDD để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, tư vấn về chế độ ăn uống hợp lý cho bà mẹ và trẻ em. Khuyến khích duy trì nuôi con bằng sữa mẹ phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai; cố gắng không để đứt bữa, ăn đủ no và từng bước ăn hợp lý, đủ nhu cầu và đa dạng nguồn thực phẩm, cấn ưu tiên cho các đối tượng dễ tổn thương là bà mẹ và trẻ em.
Trong đợt này, Viện Dinh dưỡng đã hỗ trợ hàng nghìn hộp cho sản phẩm phục hồi dinh dưỡng, viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai và trẻ dưới 5 tuổi tại các tỉnh Hà Tĩnh, Huế, Quảng Bình Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định.
Trong thời gian tới, để hỗ trợ cho các đối tượng có nguy cơ cao bị SDD, dự kiến giữa tháng 11/2020, Viện Dinh dưỡng sẽ hỗ trợ 7,5 tấn sản phẩm phục hồi dinh dưỡng (HEBI), 1,5 triệu gói bổ sung đa vi chất dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi. Cung cấp đa vi chất cho phụ nữ mang thai tại 8 huyện (trên 2 triệu viên) bị ngập nặng bao gồm: Minh Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình; ĐaKrông, Hải Lăng, Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị và huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên của Hà Tĩnh ít nhất trong vòng 3 tháng.
Cán bộ Trạm y tế xã Triệu Thượng, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tư vấn về dinh dưỡng và các biện pháp phòng bệnh sau bão lũ cho bà mẹ nuôi con nhỏ.
Thông điệp đảm bảo dinh dưỡng trong mùa bão lũ
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để đảm bảo sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Trong mùa bão lũ, người dân cần thực hiện những việc sau để đảm bảo dinh dưỡng:
1. Hằng ngày, đảm bảo ăn đủ bữa, ăn nhiều loại thực phẩm, ưu tiên các thực phẩm được sản xuất tại chỗ.
2. Gia đình có trẻ đang bú mẹ hoặc trẻ nhỏ dưới 5 tuổi cần được tạm trú ở những địa điểm an toàn để có thể cho trẻ tiếp tục bú mẹ và nhận hỗ trợ về nuôi dưỡng trẻ nếu cần.
3. Duy trì thực hành nuôi con bằng sữa mẹ: bú mẹ sớm trong 1h đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Với trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, đặc biệt lưu ý đến các điều kiện vệ sinh khi nuôi ăn bằng sữa công thức.
4. Tìm kiếm, lựa chọn các thực phẩm an toàn và phù hợp cho việc ăn bổ sung của trẻ 6 đến 24 tháng cùng với các điều kiện để có thể chuẩn bị bữa ăn an toàn. Đảm bảo trẻ ăn đủ số lượng, đủ số lần theo độ tuổi của trẻ và đa dạng thực phẩm.
5. Liên hệ với cán bộ y tế để được bổ sung các vi chất dinh dưỡng (đa vi chất, vitamin A) cho các đối tượng bà mẹ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi, người cao tuổi.
6. Liên hệ với cán bộ y tế để được phát hiện sớm và điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính bằng sản phẩm điều trị hoặc hướng dẫn chế độ ăn.
7. Với người đang mắc các bệnh mạn tính không lây, cần duy trì thuốc điều trị và chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Ăn đủ bữa và kiểm soát các yếu tố nguy cơ.
8. Sử dụng tối ưu tất cả nguồn nước và các phương tiện vệ sinh được cấp và thực hành vệ sinh an toàn.
9. Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
10. Sau bão lũ: Thực hiện 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý. Thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ theo khuyến nghị.