Huyết khối tĩnh mạch sâu là hiện tượng hình thành cục máu đông bên trong lòng tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trong cơ thể nhưng thường gặp nhất là huyết khối tĩnh mạch xuất hiện ở chi dưới.Bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nên khi được chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch chi dưới, bạn cần được điều trị ngay và bên cạnh đó tuân thủ một số lời khuyên sau đây để hỗ trợ cho điều trị hiệu quả.
Nâng cao chân và mang tất nén
Nâng cao chân và mặc tất nén là một phần của điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu. Điều này sẽ giúp giảm triệu chứng sưng và đau đặc trưng của căn bệnh này. Khi mặc tất nén, cần đảm bảo kích thước phù hợp. Ngoài ra, hãy nâng cao chân của bạn bất cứ khi nào có cơ hội (nâng chân cao hơn hông). Làm như vậy sẽ thúc đẩy lưu thông máu và lưu lượng bạch huyết từ chân về phía tim.
Tập thể dục thường xuyên
Các bài tập thể chất thường xuyên, vừa phải sẽ cải thiện lưu thông máu. Ví dụ, đi bộ trong khoảng 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 lần/1 tuần. Bạn cũng có thể đi bộ, chạy xe đạp, bơi lội hoặc các hoạt động tương tự để máu lưu thông tốt hơn. Không nên ngồi một chỗ trong thời gian dài, máu có thể tụ ở chân tạo thành huyết khối. Vì vậy, cứ sau 1-2 giờ, cần đứng lên và đi lại trong khoảng 5-10 phút, bất kể là đang ngồi làm việc hay đi trên xe hoặc máy bay. Nếu ngồi cũng không nên bắt chéo chân, nên cử động co duỗi chân luân phiên ngay cả khi đang ngồi.
Huyết khối di chuyển lên phổi gây thuyên tắc mạch phổi.
Sử dụng các loại “thuốc” từ thiên nhiên
Gừng: Gừng là một loại salicylate tự nhiên, được biết là có tác dụng ngăn ngừa đông máu. Gừng cũng cải thiện và thúc đẩy lưu thông máu trong hệ thống tuần hoàn. Nó cũng giúp ngăn ngừa cholesterol cao, là một yếu tố quan trọng dẫn đến xơ vữa động mạch, làm giảm lưu lượng máu và tăng nguy cơ đông máu. Để điều trị hỗ trợ huyết khối tĩnh mạch chân, bạn có thể sử dụng gừng tươi, uống trà gừng hàng ngày hoặc uống bột gừng. Tuy nhiên, bạn nên xin ý kiến bác sĩ trước khi dùng gừng để điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu.
Củ nghệ: Hoạt chất curcumin trong củ nghệ giúp ngăn ngừa đông máu, làm giảm nguy cơ mảng xơ vữa động mạch - một yếu tố khác góp phần vào huyết khối tĩnh mạch sâu. Do đặc tính chống viêm của nó, nghệ sẽ làm giảm sưng và đau. Có thể uống bột nghệ, nước ép nghệ với mật ong, sữa 1-2 lần/ngày. Hoặc dùng các sản phẩm bổ sung chiết xuất từ nghệ.
Tỏi: Tỏi được biết là giúp giảm huyết áp, nhưng nó cũng ngăn ngừa đông máu. Bạn có thể ăn tép tỏi sống, viên tỏi hoặc sử dụng dầu tỏi để mát-xa chân bị ảnh hưởng.
Ớt: Capsaicin được tìm thấy trong ớt thúc đẩy lưu thông máu, ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông. Hợp chất này cũng làm giảm mức cholesterol và chất béo trung tính trong máu. Nó cũng giúp điều hòa huyết áp.
Dầu cá: Dầu cá được biết đến với axit béo omega-3 có đặc tính tiêu sợi huyết và đặc tính kháng tiểu cầu. Dầu cá cũng làm giảm mức cholesterol trong máu cũng như hạ huyết áp. Nguồn axit béo omega-3 tốt là cá hồi, cá trích, cá thu, hạt hướng dương, hạt bí ngô, quả óc chó, dầu canola...
Thực phẩm giàu vitamin E: Vitamin E được biết đến với đặc tính chống đông máu và kháng tiểu cầu. Với mục đích này, thực phẩm giàu vitamin E nên là một phần trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn. Thực phẩm chứa nhiều vitamin E là hạnh nhân, quả óc chó, quả phỉ, dầu ôliu, hạt hướng dương, quả bơ, bông cải xanh, rau bina... Bạn cũng có thể uống thuốc bổ sung vitamin E.
Cảnh giác với biến chứng
Với điều trị, huyết khối có thể tan và biến mất. Tuy nhiên, nếu có thêm các yếu tố nguy cơ khác (hút thuốc lá, tuổi cao, vừa trải qua một phẫu thuật...), làm tăng nguy cơ biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, trong đó thuyên tắc phổi là một biến chứng nguy hiểm nhất đe dọa tính mạng. Chú ý các dấu hiệu biến chứng như: thấy sưng một bên chân, đau chân và đặc biệt là nếu bạn thấy đau ngực, khó thở, ho ra máu, choáng váng, ngất xỉu..., hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế khẩn cấp vì đây đều là những dấu hiệu của thuyên tắc phổi.
Không nên ngồi bắt chéo chân khi bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới.
Lời khuyên của thầy thuốc
Dưới đây là một số lời khuyên bổ sung khi bạn điều trị huyết khối tĩnh mạch chân tại nhà:
Uống thuốc chống đông máu theo đơn của bác sĩ điều trị. Thời gian điều trị bằng loại thuốc này thường kéo dài trong 3-6 tháng, đôi khi còn lâu hơn. Điều rất quan trọng là phải tuân theo tất cả các hướng dẫn về cách dùng, liều lượng vì dùng quá nhiều thuốc chống đông máu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc dùng ít hơn mức cần thiết có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Tránh và bảo vệ bản thân khỏi bị ngã hoặc chấn thương trong sinh hoạt, chơi thể thao...
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào khác vì chúng có thể có tương tác với thuốc chống đông máu.
Trong suốt thời gian điều trị, bệnh nhân cần làm xét nghiệm kiểm tra chức năng đông máu thường xuyên. Để đảm bảo nồng độ thuốc vừa đủ để phòng chống hình thành huyết khối nhưng không gây ra tình trạng xuất huyết. Bởi các thuốc kháng đông sẽ gây ra tình trạng xuất huyết nếu sử dụng quá liều lượng.
Đừng tự ý dừng thuốc chống đông máu, cũng đừng thay đổi chúng mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Hãy chắc chắn uống thuốc mỗi ngày vào cùng một giờ. Nếu quên uống một liều thuốc, cần hỏi bác sĩ trước khi uống bổ sung hay uống liều tiếp theo.
Nếu phải điều trị một bệnh nào khác, cần thông báo với bác sĩ về việc bạn đang dùng thuốc đông máu vì bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu.