Hỗ trợ các nước ASEAN ứng phó với bệnh lao, nhiễm trùng đường hô hấp qua đường không khí

08-08-2024 17:37 | Quốc tế

SKĐS - Ngày 8/8/2024, tại thủ đô Viêng Chăn, Lào, Chương trình Phòng chống các bệnh truyền nhiễm qua đường không khí (Airborne Infection Defense Platform - AIDP) được ra mắt tại sự kiện bên lề của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN (AHMM) lần thứ 16.

Chương trình AIDP nhằm giúp các nước ASEAN tăng cường khả năng ứng phó với bệnh lao, củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe và khả năng ứng phó với đại dịch để giải quyết về các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp qua không khí đang ngày càng gia tăng.

AIDP được hỗ trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và thực hiện bởi Stop TB Partnership và Stop TB Partnership Indonesia (STPI), một tổ chức phi chính phủ hoạt động hướng tới mục tiêu xóa bỏ bệnh lao. Chương trình này được các quốc gia thành viên ASEAN ủng hộ.

Các nhà lãnh đạo trong lễ ra mắt Chương trình Phòng chống Bệnh truyền nhiễm qua đường Không khí (AIDP) tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 16

Các nhà lãnh đạo trong lễ ra mắt Chương trình Phòng chống các bệnh truyền nhiễm qua đường không khí (AIDP) tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 16

Theo Báo cáo toàn cầu về bệnh lao năm 2023, ước tính có hơn 2,4 triệu người ở ASEAN bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Năm quốc gia ASEAN (Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) nằm trong danh sách có gánh nặng bệnh lao cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới các chương trình phòng ngừa và điều trị lao quốc gia khi lấy mất nhân sự và nguồn lực cần thiết để điều trị lao. Theo ước tính, số ca tử vong do lao đã tăng thêm gần nửa triệu ca từ năm 2020 đến năm 2022.

Trong khi đó, theo WHO, Việt Nam đứng thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới. Dữ liệu từ Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam cũng cho thấy gần 40% số người mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, điều trị hoặc báo cáo. Ở cấp độ quốc gia, hơn 100.000 bệnh nhân lao được phát hiện mỗi năm, với tỷ lệ điều trị thành công trên 90%. Bệnh lao có tỷ lệ tử vong cao ở mức gần 15%, so với COVID-19 là 3,5%.

Phát biểu tại lễ ra mắt chương trình, Tiến sĩ Bounfeng Phoummalaysith, Bộ trưởng Bộ Y tế Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, cho biết: "Đại dịch COVID-19 đã tác động đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Chúng ta cần rút kinh nghiệm và chuẩn bị tốt hơn cho bất kỳ tình huống tương tự nào trong tương lai, tạo nên một hệ thống y tế mạnh mẽ và kiên cường hơn. Chương trình phòng chống lao có một số nguyên tắc quản lý phù hợp để áp dụng cho bất kỳ bệnh lây truyền qua không khí nào, chẳng hạn như các công cụ sàng lọc nhanh, theo dõi tiếp xúc, hệ thống kỹ thuật số và cộng đồng; hệ thống cảnh báo sớm. Chúng ta cần đầu tư vào các công nghệ nền tảng và tạo ra cơ sở hạ tầng có thể triển khai cho các đại dịch lây truyền qua đường không khí trong tương lai".

Với mục tiêu tăng cường hợp tác chống lại các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp qua không khí, AIDP sẽ hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác quan trọng trên toàn cầu nhằm thống nhất các chính sách và phương pháp, cũng như trao đổi kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng, công nghệ nền tảng và nhân lực để tạo ra năng lực ứng phó đối với bệnh lao và tăng cường công tác phòng ngừa đại dịch.

GS.TS Tjandra Yoga Aditama, Cố vấn cấp cao của Stop TB Parnership Indonesia và Trưởng dự án AIDP, chia sẻ: "Tình hình bệnh lao ở ASEAN khá lo ngại, khi nhiều quốc gia trong khu vực vẫn đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc kiểm soát và quản lý bệnh lao. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc hợp tác với ASEAN để tăng cường hệ thống ứng phó với bệnh lao, không chỉ nhằm tạo ra năng lực ứng phó cấp độ cao đối với bệnh lao mà còn tăng cường khả năng phòng ngừa đại dịch".

Trước khi tiến hành đánh giá toàn cảnh, AIDP sẽ tập trung vào việc tăng cường các biện pháp ứng phó với đại dịch và bệnh lao ở mỗi quốc gia ASEAN, bao gồm cả ở cấp cộng đồng và chăm sóc ban đầu. Hoạt động này được thực hiện bằng cách nâng cao cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe hiện có để cải thiện khả năng phát hiện, điều trị và phòng ngừa. Các biện pháp phòng ngừa bệnh lao đa dạng sẽ có lợi khi đối mặt với một đại dịch trong tương lai, mà khả năng cao là một bệnh truyền nhiễm qua không khí.

Các nhà lãnh đạo tham gia thảo luận tại lễ ra mắt AIDP

Các nhà lãnh đạo tham gia thảo luận tại lễ ra mắt AIDP

Chia sẻ về tiến trình thực hiện dự án, TS. Suvanand Sahu, Phó giám đốc điều hành tổ chức Stop TB Partnership, cho biết: "Giai đoạn đầu tiên trong dự án AIDP sẽ cải thiện mức độ hiểu biết của mọi người bằng cách tiến hành đánh giá toàn cảnh tại 10 quốc gia ASEAN. Đánh giá này sẽ phác thảo năng lực hiện tại của mỗi quốc gia trong việc ứng phó với bệnh lao và các đại dịch lây truyền qua không khí trong tương lai, đồng thời đề xuất các hoạt động để đạt được sự chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch.

Sau đó, giai đoạn thứ hai của chúng tôi sẽ hỗ trợ các hoạt động và sáng kiến chăm sóc sức khỏe ban đầu và dựa vào cộng đồng nhằm tăng cường năng lực chuẩn bị ứng phó với bệnh lao trên khắp ASEAN để giải quyết tốt hơn các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hoặc đại dịch lây truyền qua không khí".

Mỗi năm thêm 172.000 người mắc mới, Việt Nam là quốc gia có gánh nặng bệnh lao caoMỗi năm thêm 172.000 người mắc mới, Việt Nam là quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao

SKĐS - Việt Nam là 11/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao; 11/30 quốc gia có gánh nặng lao đa kháng thuốc. Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 172.000 người mắc mới bệnh lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao.


Xuân Dự
Ý kiến của bạn