Ho, sổ mũi ở trẻ bao lâu thì khỏi?

29-12-2023 07:36 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Ho, sổ mũi là triệu chứng thường gặp ở trẻ, mặc dù không gây nguy hiểm nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm họng, viêm phế quản…

3 bước xử trí ho có đờm ở trẻ cha mẹ cần biết3 bước xử trí ho có đờm ở trẻ cha mẹ cần biết

SKĐS - Thời tiết lạnh như hiện nay khiến các bệnh lý viêm đường hô hấp ở trẻ em tăng cao. Biểu hiện ban đầu thường gặp nhất là trẻ sẽ bị ho. Tuy nhiên, đây là phản xạ có lợi, vì sẽ làm sạch đường thở và làm long đờm nhầy ra khỏi niêm mạc của trẻ.

Nguyên nhân gây ho, sổ mũi ở trẻ

Tai mũi họng được xem là cửa ngõ của hệ hô hấp, phần hốc mũi được lót bởi một lớp niêm mạc và được bao phủ bằng lớp thảm nhầy giúp giữ lại vi khuẩn, bụi bẩn để bảo vệ mũi xoang. Nếu các biểu mô trong hốc mũi bị kích thích do thời tiết thay đổi đột ngột hoặc có dị vật, hóa chất, khối u, viêm nhiễm… sẽ khiến cho các tuyến tiết chế nằm trong lớp biểu mô gia tăng sản xuất dịch, từ đó xuất hiện hiện tượng chảy nước mũi, ho.

Ho, chảy nước mũi có thể tự hết, nhưng cũng có thể gây ra những biến chứng như viêm họng, viêm xoang, viêm tắc vòi tai, viêm phế quản…

Người ta ghi nhận tình trạng ho, sổ mũi ở trẻ thường là do viêm mũi dị ứng. Ở người bị viêm mũi dị ứng, các triệu chứng của bệnh bao gồm: Ngứa mũi có thể kèm theo ngứa mắt, tai và vòm họng, hắt hơi thường thành từng tràng dài liên tục, chảy nước mũi, ho khan, nghẹt mũi...

Người bị viêm mũi dị ứng có thể xuất hiện ho, sổ mũi do tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, mùi thức ăn, lông chó mèo, do tâm lý. Bệnh thường liên quan đến các bệnh dị ứng khác như hen, chàm da…

Ho, sổ mũi còn do nguyên nhân cảm lạnh, bệnh biểu hiện với triệu chứng chảy nước mũi kèm ho và có thể sốt nhẹ. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, đặc biệt là thời điểm giao mùa, nguyên nhân phổ biến của cảm lạnh là do virus. Thông thường sau 1 tuần bệnh sẽ thuyên giảm. Ở trẻ em tần suất bị cảm lạnh cao hơn người lớn. Cần biết rằng khi nước mũi chuyển sang màu xanh vàng, đặc có thể không phải là biểu hiện của bội nhiễm.

Cảm lạnh nếu kéo dài sẽ dẫn đến các biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang hoặc khởi phát cơn hen phế quản cấp.

Thời tiết lạnh như hiện nay khiến tình trạng ho, sổ mũi xảy ra thường xuyên hơn, nguyên nhân hay gặp là do cúm. Bệnh cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra và rất dễ lây lan. Đây là một bệnh diễn tiến cấp tính, nhưng thường tự giới hạn. Cúm có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, với các biểu hiện điển hình như đau đầu, sổ mũi, đau họng... nếu nặng thì có thể suy kiệt, thậm chí tử vong.

Trong giai đoạn khởi phát, người bệnh sẽ sốt cao đột ngột, kèm rét run hay ớn lạnh. Mệt mỏi, chán ăn, đau cơ khớp, sổ mũi, đau họng và ho khan cũng là triệu chứng của bệnh. Ở giai đoạn toàn phát, người bệnh sẽ sốt cao liên tục, mệt mỏi chán ăn, đau cơ khớp kèm với tổn thương thanh – khí – phế quản. Tuy nhiên, sốt ở cúm thường kéo dài 2 - 5 ngày rồi giảm đột ngột và phần lớn bệnh tự hồi phục sau 1 tuần.

Ngoài ra, ho, sổ mũi còn do các nguyên nhân như: Viêm VA, viêm xoang.

Nhìn chung ho kèm theo sổ mũi do các nguyên nhân thông thường nếu được điều trị đúng cách, người bệnh có thể tự khỏi sau khoảng 7 - 10 ngày.

Ho, sổ mũi ở trẻ bao lâu thì khỏi?- Ảnh 2.

Ho, sổ mũi là triệu chứng thường gặp ở trẻ. Ảnh minh hoạ.

Khi trẻ bị ho, sổ mũi cần làm gì?

Khi trẻ bị ho, sổ mũi nhiều, nếu lo lắng thì cha mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. 

Việc chăm sóc trẻ ở nhà vô cùng quan trọng, khi trẻ sổ mũi và ho sẽ dễ bị ngạt mũi, nôn trớ. Vì vậy, phụ huynh nên thường xuyên vệ sinh mũi của trẻ bằng nước muối sinh lý, điều này sẽ giúp làm ẩm niêm mạc mũi, long – loãng đờm.

Cần chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt là khi đi ra ngoài. Cha mẹ không nên tự ý dùng kháng sinh, thuốc ho cho trẻ. Nhiều người có thói quen khi trẻ ho là cho trẻ uống thuốc kháng sinh, tuy nhiên không phải lúc nào thuốc kháng sinh cũng có tác dụng.

Bởi ho, sổ mũi thường là do virus, trong khi đó thuốc kháng sinh không có tác dụng với đối với virus, vì thế trong trường hợp này cha mẹ không nên dùng kháng sinh cho trẻ. Việc uống kháng sinh nhiều có thể dẫn đến tiêu chảy, sức đề kháng của trẻ sẽ yếu đi nhiều, làm bệnh lâu khỏi hơn. Khi bội nhiễm thì các bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh, kháng viêm phù hợp.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với trẻ. Đảm bảo dinh dưỡng khoa học, bữa ăn gồm 4 nhóm bột, béo, đạm, rau và phù hợp với khẩu vị của trẻ. Nên cho trẻ ăn những thực phẩm giàu sinh tố A, chất kẽm, sắt chẳng hạn như: Thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh đậm, đỏ... Nên hạn chế cho trẻ ăn những món chiên, xào…

Nếu trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ, thì nên cho trẻ bú sữa mẹ thường xuyên, vì trong sữa mẹ có rất nhiều dưỡng chất tốt cho trẻ, không chỉ vậy sữa mẹ còn có nhiều kháng thể giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch.

Nếu trẻ ho, sổ mũi nhiều, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

BS Trần Anh Tuấn
Ý kiến của bạn