Điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ cao ngất ngưởng
Nhiều thí sinh khi nhận bảng điểm chuẩn xét học bạ đều choáng váng và không thể tin khi ngành mình đăng ký năm nay tăng tới 8 điểm so với năm ngoái. Có một số ngành học, điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ bị đẩy lên trung bình trên 9 điểm/môn vẫn không trúng tuyển.
Học viện Ngoại giao vừa thông báo điểm trúng tuyển vào ĐH hệ chính quy theo phương thức xét kết quả học bạ bậc THPT cao nhất cả nước, 32,18 điểm đối với khối C00 ngành Truyền thông quốc tế, các ngành còn lại đều lấy mức điểm chuẩn từ 30 trở lên.
Trường Đại học Ngoại thương công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm của ba phương thức. Một số chương trình đào tạo của Đại học Ngoại thương (FTU) lấy điểm chuẩn học bạ 30 - 30,5 điểm (đã bao gồm điểm ưu tiên giải học sinh giỏi).
Ở phương thức xét học bạ bậc THPT, Trường Đại học Ngoại thương quy định ba nhóm thí sinh, gồm tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình năm học kỳ (trừ kỳ II lớp 12) của ba môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên.
Năm nay, danh sách các trường có điểm chuẩn học bạ đạt ngưỡng 30 điểm đã tăng khá nhiều. Cùng với sự tăng mạnh điểm đầu vào của phương thức này ở hầu hết các ngành học cũng tăng từ 5-8 điểm.
Trên 30 điểm học bạ vẫn chưa đỗ ĐH có là bất thường trong tuyển sinh?
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc đánh giá, cho điểm học sinh tại nhiều trường THPT không còn chuẩn mực, làm giảm độ tin cậy của nguồn tuyển này.
TS. Lê Đông Phương (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho biết: Những trường năm nay có điểm học bạ tăng cao thực ra con số tuyển sinh vẫn giữ đều như mọi năm nhưng khi điểm học bạ tăng lên chứng tỏ đã có lượng lớn hơn thí sinh nộp theo phương thức xét tuyển học bạ. Đồng thời, hồ sơ học bạ của các thí sinh có vẻ được làm đẹp hơn những năm trước".
Thầy giáo Đinh Đức Hiền (giáo viên THPT) cho hay: "Từ chất lượng đào tạo đến kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh THPT đã có sự không đồng đều trên phạm vi cả nước. Sự chênh lệch đó không chỉ thể hiện giữa các địa phương với nhau mà còn thể hiện giữa các trường trong cùng một khu vực".
Lo ngại trước tình trạng điểm chuẩn xét học bạ của các trường ĐH tăng đột biến, trên 30 điểm vẫn trượt, TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam chỉ ra nguyên nhân điểm chuẩn học bạ tăng cao là do số hồ sơ nộp vào tăng, thí sinh có nhiều điểm cộng, trường không dám gọi vượt vì năm nay sử dụng phần mềm xét tuyển chung. Ngoài ra, điểm trung bình môn 3 năm học THPT của thí sinh tăng cao cộng với nhiều chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nên điểm chuẩn càng tăng mạnh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết, thực tế, chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay chưa đồng đều, tình trạng quản lý lỏng lẻo, việc xét tuyển nguyên kết quả học bạ là phương thức chưa đủ độ tin cậy và tạo lòng tin với xã hội. "Nhiều trường hiện căn cứ vào kết quả học bạ để xét tuyển, nhưng kết quả trong học bạ ở trường THPT có đáng tin cậy không hay đã được "làm đẹp"?".
TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, ngoài việc đánh giá chưa thực chất, ông cũng cho rằng, 30 điểm học bạ vẫn chưa đỗ ĐH gây rối loạn về phương thức tuyển sinh, thể hiện sự bất thường trong tuyển sinh. Tình trạng này tiếp diễn khiến chất lượng tuyển sinh trở nên tiêu cực, mất công bằng cho thí sinh.
Để phương thức xét học bạ phát huy ưu điểm, các trường nên đưa ra các tiêu chí phụ cùng các yếu tố khác như hạnh kiểm, thành tích nổi bật trong 3 năm THPT... Như vậy, trường có thể tuyển chọn thí sinh theo đúng tiêu chí và năng lực cần đạt của người học.
Năm nay, một số trường ĐH đưa thêm nhiều tiêu chí sàng lọc khi xét tuyển học bạ chứ không dựa hoàn toàn vào điểm số.
Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường có một phương thức xét tuyển sớm là xét tuyển tài năng. Vì đã dự đoán trước xu hướng "lạm phát" điểm học bạ nên điều kiện trúng tuyển của phương thức này gồm nhiều yếu tố, trong đó điểm học bạ chỉ là một.
Ông Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Chưa nói đến việc xét tuyển phù hợp với yêu cầu đào tạo, chỉ nói đến mục tiêu công bằng thôi thì việc lựa chọn thang đo là rất quan trọng. Hiện nay, những thang đo tạm gọi là đáng tin cậy có kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi nó được kiểm soát nghiêm túc; hoặc các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các đơn vị đào tạo tổ chức. Còn điểm học bạ thì quả thật mức độ tin cậy khó mà được như các nước có nền giáo dục phổ thông phát triển. "Mình không thể vơ đũa cả nắm, cho rằng mọi điểm học bạ đều là ảo. Do đó, cũng không thể phủ nhận hoàn toàn giá trị của điểm học bạ. Nhưng không nên dựa hoàn toàn vào điểm học bạ, mà chỉ nên xem đó là một yếu tố bên cạnh các yếu tố khác".
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ 0h00 ngày mai (24/7), các địa phương chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 cho thí sinh.