Hồ sơ Hát ca trù người Việt sẵn sàng trình UNESCO

17-03-2009 06:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sau hơn 3 năm xây dựng, chỉnh lý, bổ sung, hồ sơ Hát ca trù người Việt đã được Viện Âm nhạc Việt Nam (VN) trình lên Chính phủ. Dự kiến, trong tháng 3 này, hồ sơ này sẽ được Việt Nam trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Sau  hơn 3 năm xây dựng, chỉnh lý, bổ sung, hồ sơ Hát ca trù người Việt đã được Viện Âm nhạc Việt Nam (VN) trình lên Chính phủ. Dự kiến, trong tháng 3 này, hồ sơ này sẽ được Việt Nam trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Là một bộ môn nghệ thuật truyền thống của VN, thịnh hành từ thế kỷ 15, trải qua những biến động của lịch sử và thời gian, ca trù có xu hướng thất truyền. Mặc dù thời gian qua, loại hình nghệ thuật này đã được vực dậy với nhiều CLB ca trù ra đời, nhiều liên hoan dành riêng cho ca trù được tổ chức nhưng theo đánh giá của ông Lê Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc VN - đơn vị được  giao trách nhiệm xây dựng bộ hồ sơ trình UNESCO thì đó chỉ là hiện tượng “bề nổi”. Còn thực chất, ca trù vẫn đang đứng trên bờ vực thẳm. Nếu không  nó đã “nằm ngoài” tiêu chí xem xét của UNESCO và chẳng có lý gì để VN phải đổ công sức, tiền bạc để cứu vớt và bảo tồn loại ca được cả cộng đồng dân cư, giới quan lại và cả  vua chúa cũng đặc biệt yêu thích.
 
 Biểu diễn ca trù.         Ảnh: Hoàng Hà
Cơ sở để nói ca trù vẫn đang ở nguy cơ thất truyền cao là qua nghiên cứu của giới chuyên môn thì ca trù có tới hơn 50  điệu hát, nhưng hiện tại  các nghệ nhân còn sống chỉ thuộc 31 làn điệu. Được bảo tồn và lưu truyền nhờ nghệ nhân, vậy mà thống kế trong toàn quốc cũng chỉ có hơn 20 nghệ nhân ca trù. Trong số này, lại chỉ có khoảng 10 người còn hát và truyền dạy được. Đa số đã bước qua cái ngưỡng thất thập, chỉ riêng năm ngoái đã có mấy cụ ra đi. Sự ra đi của các nghệ nhân mang theo những hiểu biết về ca trù cổ là một thiệt thòi lớn đối với giới nghiên cứu nếu không nhanh chóng có biện pháp chấn hưng hiệu quả.

Khi được hỏi có lạc quan về khả năng “thắng” của hồ sơ Hát ca trù người Việt, ông Lê Toàn nói: “Đương nhiên là chúng tôi hy vọng. Nếu  được UNESCO công nhận, hàng năm chúng ta sẽ phải báo cáo  kiểm kê nộp cho tổ chức UNESCO. Cụ thể, phải báo cáo về số nghệ nhân lớn tuổi, những biến động trong năm; số lượng nghệ nhân trẻ hát ca trù mỗi năm thêm (hay bớt) bao nhiêu; các tổ chức ca trù (được thành lập, mất đi bao nhiêu, lý do); các di tích lịch sử liên quan đến nghệ thuật hát ca trù  được phục hồi... Theo chúng tôi được biết, từ nhiều năm trước ca trù đã được các nhà nghiên cứu, học giả của nước ngoài nghiên cứu, ví dụ như TS. Barley Norton (Anh), Thạc sĩ Alienor Anisensel (Pháp), GS. Stephen Addiss (Mỹ)... Ca trù cũng đã giới thiệu  tại ĐH  Hawai at Manoa Hônlulu, Sorbonne Paris do GS. Trần Văn Khê thuyết giảng. Người Pháp cũng đã ghi hình biểu diễn ca trù từ những năm đầu thế kỷ 20... Vì thế, nếu ca trù  được UNESCO công nhận sẽ có được tiếng vang để thế giới biết đến. Qua đó, chúng ta sẽ phát tín hiệu để tìm kiếm thêm các tư liệu về ca trù cổ từ nước ngoài. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ có kế hoạch quay, ghi hình các nghệ nhân còn sống. Quay để rồi sau đó phục dựng”.

Cũng theo những người xây dựng hồ sơ, dù ca trù có được UNESCO công nhận thì đó cũng chỉ là một cái danh. Quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân trong việc bảo tồn, giữ gìn vốn cổ của mình. Thời gian qua, nhiều nơi trong cả nước đã có ý thức khơi dậy và bảo tồn bộ môn nghệ thuật đặc sắc này nhưng chưa làm sống lại thực sự không gian và không khí hát ả đào xưa. Ca trù thấm sâu trong dân và gắn liền với môi trường diễn xướng. Vậy nên, nếu bảo tồn ca trù bằng cách sân khấu hóa, đưa vào những khán phòng kiểu hội trường... sẽ làm cho ca trù mất đi không ít giá trị tự thân.

Vì thế, không thể ngồi chờ thế giới công nhận giá trị văn hóa của mình, mà phải có ngay kế hoạch, hành động để giữ gìn ca trù. Đây là điều mà Viện  Âm nhạc VN đã có kế hoạch tiếp tục triển khai công tác thống kê, kiểm kê, điền dã, sưu tầm. Một cuộc hội thảo khoa học lớn về ca trù sẽ được tổ chức vào giữa năm 2009 với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học và các địa phương có ca trù với mục đích tìm kiếm những giải pháp chấn hưng ca trù hiệu quả hơn nữa. 

Chu Thu Hằng


Ý kiến của bạn