Đã có thời, Mỹ và châu Âu đua nhau ca tụng các biệt dược Prozac, Zoloft, déroxat,... với nhiều tác dụng tích cực trong điều trị chứng trầm cảm - căn bệnh rất phổ biến ở các nước này. Tuy nhiên, gần đây người ta mới biết rằng loại thuốc này còn có những tác dụng phụ đáng sợ. Và đáng sợ hơn nữa là những thông tin mặt trái này đã bị các hãng dược phẩm lớn bưng bít, che giấu trong một thời gian dài.
Những cái chết thương tâm
Hồi tháng 6/2006, tạp chí Khoa học và tương lai xuất bản ở Pháp đã gây chấn động dư luận bằng một loạt bài viết chuyên đề về "lưỡi dao thứ hai" của thuốc chống trầm cảm - một loại thuốc đang được dùng rất phổ biến ở Pháp cũng như châu Âu lúc bấy giờ. Theo đó, tờ báo này đã liệt kê và đăng ảnh hàng chục cái chết thương tâm có nguyên nhân bắt nguồn từ những viên thuốc có tên zoloft, prozac, séropram hay déroxat.
Đầu tiên là trường hợp vừa xảy ra vào tháng 5 năm đó ở Bordeaux (Pháp). Robin 26 tuổi mắc chứng trầm cảm và được bác sĩ cho đơn thuốc chống trầm cảm séropram. Sau 3 ngày uống thuốc, Robin thấy bệnh càng nặng hơn, anh bắt đầu có ý nghĩ muốn chết. Gia đình tin rằng anh chịu ảnh hưởng của việc điều trị chống trầm cảm theo đơn thuốc. Bố anh khuyên con nên nhập viện. Trong lúc ông chuẩn bị đồ đạc cho con vào viện thì Robin đã nhảy qua cửa sổ tự tử. Theo gia đình Robin, chính những viên thuốc chống trầm cảm đã dẫn anh tới hành động đó. Bố mẹ Robin đã khởi kiện.
Tiếp sau đó là nhiều trường hợp tử vong do bạo lực hay tự tử khác, xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới trong khoảng thời gian từ năm 1998 - 2006 với một điểm chung: người gây ra các vụ việc này đều đang trong thời gian dùng thuốc chống trầm cảm. Chẳng hạn: Ngày 16/3/1999, bệnh nhân S.Wijobski (công dân Oregon) đã siết cổ đến chết bệnh nhân cùng phòng sau hai tháng rưỡi dùng thuốc Prozac. Sổ nhật ký của ông ta ghi rõ "một cảm giác thèm muốn kinh khủng được hành hạ và giết ai đó"; ngày 30/6/2000, nữ bệnh nhân V.Ipswich (công dân Wyming) thắt cổ tự tử sau khi để lại tờ giấy trên giường bệnh: "Tôi chỉ thấy chán sống thêm sau khi dùng thuốc zoloft". Tháng 6/2004, một gia đình Mỹ đã kiện Công ty dược phẩm Smith Kline Becham (SKB) vì một người trong gia đình này dùng deroxat của công ty trên và đã nổi điên giết người rồi tự sát...
Dưới bảng liệt kê dài dằng dặc này, tác giả bài báo đưa ra kết luận: các loại thuốc chữa bệnh trầm cảm đang gây ra thảm họa ở khắp mọi nơi đồng thời yêu cầu các cơ quan quản lý dược phẩm cũng như các nhà lãnh đạo ngành y tế các nước phải điều tra và có biện pháp xử lý đối với vấn đề này. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, loạt bài trong chuyên đề đó lại chỉ giống như hòn đá ném xuống ao bèo. Không cơ quan quản lý dược phẩm nào lên tiếng hay có động thái gì trước vấn đề này.
Người lật mở hồ sơ đen
Đó là GS.David Healy, tác giả của loạt bài chuyên đề mà báo Khoa học và tương lai đã đăng tải. Theo điều tra của GS. David, từ 10 đến 30% bệnh nhân sau khi uống thuốc từ 24 - 48 giờ thì bắt đầu đứng ngồi không yên và có những hành động quá khích. Đỉnh cao là sau khi uống thuốc khoảng 1 tuần thường xảy ra các ca tự vẫn. Thống kê sơ bộ của ông cho thấy, chỉ tính riêng ở Mỹ, tính từ năm 1998 đến tháng 2/2006 đã có khoảng 600 bệnh nhân "biến thành con người khác" khi dùng thuốc chống trầm cảm.
Trước đó, người ta cũng đã biết đến những tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm. Đã có gia đình nạn nhân phát đơn kiện bác sĩ và các công ty dược phẩm khi người nhà của họ tự vẫn trong thời gian dùng thuốc. Thế nhưng, trong các cuộc "đọ sức" trước vành móng ngựa, các công ty dược phẩm luôn thắng kiện vì họ có nhiều tiền. Còn gia đình nạn nhân thường ngậm ngùi thua cuộc vì đuối lý trong khi các bác sĩ, dược sĩ vẫn cứ mạnh tay kê đơn để rồi nhận được các khoản hoa hồng lớn mà chẳng thèm quan tâm đến sự thật. Thực tế này khiến GS. David Healy quyết định đột nhập các kho lưu trữ tối mật của ngành công nghệ dược phẩm để tìm ra chứng cứ.
Sau rất nhiều khó khăn để có thể tiếp cận với kho hồ sơ của các tập đoàn dược phẩm, cuối cùng, David cũng đã tìm ra những những thông tin đắt giá. Chẳng hạn, trong 34 cuộc thử nghiệm thuốc Deroxat trước khi tung ra thị tường của một tập đoàn dược phẩm đã có tới 25% người tình nguyện đã trở nên quá khích. Hay tại phòng thí nghiệm Pfizer - Mỹ, David đã khám phá ra những tập hồ sơ liên quan đến loại thuốc chống trầm cảm có tên Zoloft mà theo khẳng định của ông thì "bất cứ ai trong giới chuyên môn cũng sẽ sửng sốt khi đọc những tài liệu này". Trong đó, David biết được rằng Pfizer từng đối đầu với những ca tự tử từ những lần thử nghiệm thuốc Zoloft đầu tiên. Kết luận cuối cùng của David là: "FDA (Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), Bộ Y tế của Anh, Pháp và nhiều quốc gia khác đã không được đọc hết tác dụng phụ của những loại thuốc này". Ông cũng nhấn mạnh: Các công ty đều đã thử nghiệm và biết rõ những tác hại, nhưng vì lợi nhuận họ vẫn cố tình bưng bít sự thật và cố tình tung sản phẩm ra thị trường. Nói rõ hơn, để tung thuốc ra thị trường, các công ty này đã "khéo sắp xếp và vun vén" hồ sơ để các cơ quan chức năng chỉ đọc được "những gì nên đọc"!
Tất nhiên, David đã phải hứng chịu những trận giông tố của các công ty dược phẩm. Ông bị tấn công tới tấp, bị gây khó dễ trong công việc, bị đánh đòn tâm lý, thậm chí còn nhận được thư và điện thoại nặc danh, đe dọa "đưa mày về thế giới bên kia nếu còn tọc mạch, lắm điều". Mặc dù vậy, David vẫn kiên quyết: "tôi biết ơn các loại thuốc Prozac, Zoloft hay Deroxat vì chúng phần nào có tác dụng tốt đối với các bệnh nhân của tôi nhưng lương tâm thầy thuốc không cho phép tôi làm ẩu. Đã đến lúc chúng ta cần phải nói thẳng, nói thật".
Cơ quan có thẩm quyền vào cuộc
Trước sự lên tiếng quyết liệt của GS. David, FDA đã phải mở cuộc điều tra về "khả năng tăng nguy cơ tử tự ở bệnh nhân điều trị bằng thuốc chống trầm cảm" để rồi cuối cùng đưa ra kết luận: Các thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng như prozac, déroxat, zoloft, séropram có tác dụng sau 2-3 tuần lễ. Nhưng thuốc cũng có một số tác dụng không mong muốn liên quan đến bản chất bệnh trầm cảm như: loại bỏ ức chế vận động tâm thần với nguy cơ tự vẫn; Đảo nghịch tính tình và xuất hiện các giai đoạn hưng cảm; Phục hoạt sự cuồng nhiệt ở người loạn tâm thần... FDA đã yêu cầu đóng khung đen chữ warning (chú ý) quanh tên các thuốc chống trầm cảm và yêu cầu các hãng dược phẩm có sản xuất thuốc chống trầm cảm phải đăng tải kỹ càng về hướng dẫn sử dụng thuốc trên một tập tài liệu chuyên đề và ghi cấm dùng cho trẻ em dưới 18 tuổi.
Bên cạnh đó, FDA cũng đưa ra khuyến cáo cho các bác sĩ kê đơn và người sử dụng như: Khi chẩn đoán về trầm cảm phải hỏi kỹ về tất cả các triệu chứng xác định theo các tiêu chuẩn hiện hành; Chỉ kê đơn thuốc ở các giai đoạn cường độ bệnh trung bình hay nặng; Chỉ dùng thuốc chống trầm cảm theo đơn và có sự giám sát của thầy thuốc; Trước khi điều trị, phải tính đến các chống chỉ định, tác dụng không mong muốn, tiền sử và tâm thần của bệnh nhân, nguy cơ tự tử; Quan tâm tới nguy cơ tự tử trong suốt thời gian điều trị, nhất là bệnh nhân còn trẻ...
Vụ việc rồi cũng dần dần tạm lắng nhưng nó đã có tác dụng như một lời cảnh tỉnh, giúp mọi người, từ bệnh nhân đến thầy thuốc lưu ý hơn tới lưỡi dao thứ hai khi sử dụng thuốc chống trầm cảm nói riêng và các loại dược phẩm nói chung. Qua đó, các công ty dược phẩm cũng được cảnh báo cần phải trung thực hơn trong việc nghiên cứu, sản xuất dược phẩm đồng thời phải nỗ lực để có những bước cải tiến nhằm hạn chế tác dụng phụ của dược phẩm. Hy vọng rằng, với sự tiến bộ của khoa học, nhân loại sẽ có thêm nhiều loại thuốc thế hệ mới, ưu việt hơn, có thể tránh cho con người những tác dụng phụ gây tai họa.