Hộ sinh là cầu nối bền vững trong chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại vùng dân tộc thiểu số

24-07-2025 06:03 | Y tế
google news

SKĐS - Tại Quảng Ninh, mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời đang được triển khai hiệu quả, đặc biệt tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Hộ sinh tuyến xã đóng vai trò chủ lực trong tư vấn, hướng dẫn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ, giúp cải thiện sức khỏe trẻ em ngay từ những năm đầu đời.

Giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, từ khi mang thai cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi được các chuyên gia y tế khẳng định là "cửa sổ cơ hội vàng" để can thiệp dinh dưỡng, giúp hình thành nền tảng cho sức khỏe, trí tuệ, thể lực trong suốt cuộc đời trẻ. Vì vậy, việc đầu tư vào chăm sóc và nuôi dưỡng đúng cách trong giai đoạn này được ví như đầu tư chiến lược cho tương lai của đất nước, đặc biệt ở các địa bàn khó khăn, nơi trẻ em dân tộc thiểu số đang chịu thiệt thòi lớn về dinh dưỡng và chăm sóc y tế.

Với mục tiêu nâng cao sức khỏe, cải thiện thể chất và trí tuệ cho thế hệ tương lai, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2869/QĐ-BYT, hướng dẫn triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời trên toàn quốc.

Năm 2023, tổ chức triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời tại 40% các xã vùng III (tương đương với 600 xã tại 39 tỉnh/thành trên toàn quốc). Đến năm 2025, duy trì mô hình và nâng cao chất lượng của mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại 40% xã vùng III (tương đương với 600 xã tại 39 tỉnh/thành trên toàn quốc). Triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại 51 tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, mô hình này được lồng ghép vào Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2030, tạo động lực mạnh mẽ trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở những địa bàn khó khăn.

Hộ sinh, cầu nối bền vững trong chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại vùng dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Quảng Ninh, mô hình chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời được triển khai sâu rộng.

Quảng Ninh, mô hình chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời được triển khai sâu rộng

Thực hiện Kế hoạch số 452/KH-TTKSBT ngày 13/3/2025 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh về "Tập huấn Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời". Ngày 15/4 – 17/04/2025 Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh tổ chức lớp tập huấn Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời cho gần 40 học viên là cán bộ khoa Phụ sản- CSSKSS, khoa Nhi và cán bộ phụ trách chương trình CSSKSS- dinh dưỡng tại các trạm Y tế phường xã trên địa bàn.

Tháng 5/2025, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (CDC) phối hợp với Trung tâm Y tế TP. Hạ Long tổ chức chuỗi truyền thông tư vấn dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và người chăm sóc trẻ từ 0 đến 24 tháng tuổi. Không chỉ là một hoạt động truyền thông đơn thuần, sự kiện còn cho thấy rõ vai trò định hướng, đồng hành và dẫn dắt của đội ngũ hộ sinh tại cơ sở y tế.

Hộ sinh, cầu nối bền vững trong chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại vùng dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Bs. CKII Nguyễn Hữu Lạc Phó Giám Đốc Trung Tâm Y Tế Thị Xã Quảng Yên dự và chỉ đạo lớp tập huấn chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời.

Bs. CKII Nguyễn Hữu Lạc Phó Giám Đốc Trung Tâm Y Tế Thị Xã Quảng Yên nhận định: "Dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời là cửa sổ cơ hội cho tất cả người mẹ cũng như cán bộ y tế và những người liên quan. Nếu biết tận dụng tối đa cơ hội đó để thực hiện chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và con ngay từ khi mang thai cho đến 2 năm đầu đời của trẻ. Việc đầu tư vào chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này chính là sự đầu tư tốt nhất cho sự phát triển ở những giai đoạn tiếp theo của trẻ. Đây được xem là cơ hội để chăm sóc dinh dưỡng, qua đó thiết lập nền tảng cho sức khỏe, trí thông minh và trí tuệ. Việc nâng cao kiến thức, kỹ năng về Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời của trẻ cho cán bộ y tế là một hoạt động hết sức cần thiết nhằm góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em nói riêng và sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói chung".

Tại mỗi buổi tư vấn, hộ sinh tuyến xã, những người gần gũi và thường xuyên tiếp xúc với phụ nữ mang thai tại cộng đồng chính là người trực tiếp hướng dẫn kỹ năng chăm sóc dinh dưỡng, từ kiến thức mang tính lý thuyết đến thực hành cụ thể.

Hộ sinh, người giữ chìa khóa dinh dưỡng giai đoạn "vàng"

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Trang, Khoa Sức khỏe sinh sản (CDC Quảng Ninh), 1.000 ngày đầu đời là "giai đoạn vàng" để đảm bảo trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ, thể lực và miễn dịch.

Để tận dụng hiệu quả thời gian này, vai trò của hộ sinh là không thể thay thế. Cụ thể các hộ sinh sẽ là người tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, giúp người mẹ hiểu rõ nhu cầu dinh dưỡng từng giai đoạn thai kỳ, hướng dẫn chế độ ăn giàu vi chất, phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương, cũng như điều chỉnh lao động, nghỉ ngơi hợp lý để thai nhi phát triển tối ưu.

Hộ sinh, cầu nối bền vững trong chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại vùng dân tộc thiểu số- Ảnh 3.

Bác sĩ Nguyễn Thị Trang, khoa Sức khỏe sinh sản (CDC) hướng dẫn một số kỹ năng cần thiết cho các bà mẹ tại buổi truyền thông.

Hộ sinh cũng là người "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn bà mẹ cách cho con bú đúng tư thế, cách xử lý khi tắc tia sữa, trẻ bú kém, mẹ mệt mỏi sau sinh… Đồng thời, họ cũng là người kiên trì vận động cộng đồng hiểu rõ lợi ích của sữa mẹ, nhất là tại các vùng DTTS.

Khi trẻ từ 6 tháng tuổi, hộ sinh hướng dẫn bà mẹ thời điểm, cách chế biến bữa ăn dặm đơn giản, đủ chất từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương, hạn chế tình trạng biếng ăn, suy dinh dưỡng, và chậm lớn ở trẻ em DTTS.

Ngoài ra, các hộ sinh cũng có nhiệm vụ theo dõi và sàng lọc dinh dưỡng định kỳ, ghi chép, theo dõi biểu đồ tăng trưởng, cảnh báo dấu hiệu suy dinh dưỡng hoặc chậm phát triển.

Từ thôn bản đến bệnh viện, vai trò hộ sinh không dừng lại ở "đỡ đẻ"

Trong nhận thức mới về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, hộ sinh không chỉ là người trực tiếp đỡ đẻ mà còn là chuyên gia cộng đồng, người nắm vững kiến thức, truyền đạt kỹ năng, theo dõi sức khỏe mẹ và trẻ sau sinh một cách liên tục. Đặc biệt ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, hộ sinh là người nói được tiếng địa phương, am hiểu văn hóa dân tộc, biết cách tiếp cận tâm lý bà mẹ trẻ, từ đó tư vấn hiệu quả và phù hợp.

Hộ sinh, cầu nối bền vững trong chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại vùng dân tộc thiểu số- Ảnh 4.

Không chỉ Quảng Ninh, mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời hiện cũng đang được triển khai trên toàn quốc

Sự vào cuộc tích cực của đội ngũ hộ sinh giúp lan tỏa kiến thức dinh dưỡng đến từng hộ gia đình, từng bà mẹ. Tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ngày càng cao, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi có xu hướng giảm, trẻ phát triển tốt hơn ngay từ năm đầu đời.

Trong chiến lược quốc gia về phát triển toàn diện con người, việc chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời không chỉ là một biện pháp y tế, mà là một chiến lược đầu tư vào trí tuệ và thể chất dân tộc. Hộ sinh với vai trò tư vấn, đồng hành và kết nối giữa bà mẹ và hệ thống y tế chính là người giữ "chìa khóa vàng" của giai đoạn này.

Từ Quảng Ninh đến các vùng sâu, vùng xa, hộ sinh không ngừng nỗ lực để từng đứa trẻ dù ở đâu, mang dân tộc nào, cũng có quyền được khỏe mạnh, được chăm sóc và phát triển đầy đủ ngay từ lúc lọt lòng.


Vũ Hồng Thủy
Ý kiến của bạn