Chị Bùi Thị Trầm - Vợ của bệnh Đào Duy Quân vui mừng sau khi chồng thoát khỏi lưỡi hái tử thần
Ngày 14/2 (29 tháng chạp), trao đổi với chị Bùi Thị Trầm chị cho biết: anh Đào Duy Quân, sinh năm 1983 (Hoàng Mai – Hà Nội), từ hồi quen và lấy anh tới nay đã có 2 con, chị chưa bao giờ thấy anh bị bệnh gì, sức khỏe rất tốt. Đúng ngày 27/1, hôm diễn ra trận Chung kết bóng đá U23, chồng chị cùng anh em đồng nghiệp, bạn bè ra quán cà phê xem bóng đá cho có không khí. Tuy nhiên, anh đột nhiên bị ho vài tiếng và thấy có ít máu khi ho.
Mấy ngày sau, anh Quân vẫn thấy sức khỏe bình thường và tự đi tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám. Các bác sĩ nghi ngờ anh có dấu hiệu bị lao và chỉ định chuyển anh Quân sang BV Phổi Trung ương điều trị.
Video: Bệnh nhân Đào Duy Quân hồi phục sau ca phẫu thuật
Cuộc chạy đua cùng tử thần, đánh gục cơn “ho ra máu sét đánh”
Nói về ca bệnh đắc biệt này, PGS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết: Giãn động mạch phổi là một ca bệnh rất khó, bệnh nhân hiếm khi được cứu sống.
Trường hợp anh Quân bị giãn động mạch phổi gây ho ra máu tắc nghẽn được cứu sống là một trong những trường hợp hiếm gặp. “Ho ra máu sét đánh” là chứng bệnh diễn biến rất nhanh sẽ khiến các bác sĩ không kịp trở tay, bệnh nhân giống như kiểu bị cắt tiết gà, máu chảy ra từ động mạch phổi, đóng đông thành từng cục và bít tắc đường thở, chỉ một vài phút sẽ suy hô hấp, trụy tuần hoàn. Khó khăn nhất của ca bệnh này là chẩn đoán nhanh và đúng bệnh. Ca bệnh này khá đặc biệt bởi quá trình hồi sức của bệnh nhân kéo dài từ trước khi lên bàn mổ tới cả trong và sau khi mổ.
Video: BS. Chuyên khoa II Nguyễn Thành Long – Trưởng khoa Gây mê Hồi sức BV Phổi Trung ương nói về những khó khăn, thử thách của ca bệnh
BS. Chuyên khoa II Nguyễn Thành Long – Trưởng khoa Gây mê Hồi sức BV Lao – Phổi Trung ương cho biết: Ca bệnh này được cứu sống thành công là sự phối hợp của cả một e kip gồm nhiều khâu: hồi sức, ngoại khoa, phục hồi chức năng của nhiều khoa phòng cả bệnh viện.
BS. Chuyên khoa II Nguyễn Thành Long cho biết: Ngày 27/1, bệnh nhân Quân nhập viện. Với tình trạng ho ra máu số lượng ít, bệnh viện Phổi Trung ương tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân như vậy và tất cả các khoa khối Nội đều có thể xử trí được.
Tuy nhiên, đêm ngày 30/1, bệnh nhân bất ngờ ho ra máu dồn dập. Số lượng máu bị mất ước lượng khoảng nửa lít. Bệnh nhân được đưa lên khoa gây mê phẫu thuật để mổ cấp cứu.
Tuy nhiên, tình huống mới đã xảy ra khiến cho cuộc mổ không thể tiến hành luôn trong đêm ngày 30/1, nếu mổ, bệnh nhân sẽ tử vong ngay trên bàn mổ bởi khi đặt ống nội khí quản, cả hai bên đường thở đều bị nhiều cục máu đông bít, tắc khiến bệnh nhân không thở được, oxy tụt. Trong đêm ngày 30/1, các bác sĩ thông rửa phế quản cho bệnh nhân.
BS. Lê Việt Anh - một trong những bác sĩ trực tiếp thực hiện ca hồi sức cho bệnh nhân Quân
BS. Lê Việt Anh, một trong những bác sĩ trực tiếp thực hiện ca hồi sức cho bệnh nhân Quân cho biết: “Cuộc hồi sức đêm ngày 30/1 ngay trên bàn mổ cho bệnh nhân Quân giống như một cuộc chạy đua với tử thần theo cả nghĩa đen và nghĩa bong của cả kíp bác sĩ.
Máu chảy ra từ phổi bên phải nhưng chảy tới ngã 3 đoạn chia khí phế quản thì bị tràn và bít cả phổi bên trái. Các bác sĩ phải dùng các ống hút nhỏ thông hút đường thở qua 2 nòng ống nội khí quản. Trong suốt đêm đó, chỉ mong sao bệnh nhân không không tiếp tục ho ra máu. Nếu tiếp tục họ, đường máu sẽ tắc nốt đường khí quản bên còn lại và bệnh nhân sẽ tử vong”.
BS. Lê Việt Anh giải thích: Bệnh nhân khó thở là do bị phình động mạch phổi chứ không phải phình 1 động mạch của phế quản. Bình thường phình động mạch phế quản ho ra máu với số lượng lớn sẽ nút mạch là một kĩ thuật cao thường xuyên thực hiện tại bệnh viện Phổi trung ương nhưng trường hợp này là do giãn động mạch phổi.
Sau 6h hồi sức, cả bệnh viện đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân vào ngày 31/1/2018. Ca mổ diễn ra 2h đồng hồ và rất khẩn trương nhanh gọn tránh cho bệnh nhân một cuộc mổ kéo dài. Các phẫu thuật viên chuyên sâu về lồng ngực của bệnh viện đã tiến hành nhiều ca mổ tương tự.
Sau ca phẫu thuật, vẫn nhiều cam go
Tuy nhiên, sau ca mổ, cuộc chạy đua dành giật tử thần chưa dừng lại, khả năng phục hồi của bệnh nhân rất khó, nguy cơ tử vong vẫn rình rập. Máu chảy vào tận các phế nang (vùng sâu nhất của phổi) mà các ống hút không thể vào tới được, đòi hỏi bệnh nhân phải có sức để tự ho, khạc đờm, máu và các chất thải ra ngoài. Nếu không ho khạc được ra thì máu sẽ ứ đọng ở đó và tắc.
Ngày thứ 2 sau mổ, bác sĩ quyết định phải rút máy thở cho bệnh nhân tự ho, khạc. Tuy nhiên, do bệnh nhân bị gây mê và thở máy nên không có đủ sức để khạc đờm, máu ra. Các bác sĩ khoa phục hồi chức năng áp dụng chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho bệnh nhân đồng thời dùng nhiều biện pháp vỗ, xoa bóp lưng và hướng dẫn cho bệnh nhân ho khạc được mà không bị tốn nhiều sức lực. Kết quả là bệnh nhân Quân đã khạc được ra cả những cục máu đông rất lớn.
Máu đông được bệnh nhân khạc ra sau khi các y, bác sĩ phục hồi chức năng phải dùng nhiều biện pháp vỗ, xoa bóp lưng và “dạy” cho bệnh nhân ho khạc sau khi phẫu thuật.
Hiện tại, sau ca phẫu thuật 14 ngày, bệnh nhân Quân đã ổn định, dự kiến sẽ nằm điều trị tại và sớm xuất viện trong thời gian ngắn tới đây.
Chị Trầm thấy chồng mình đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, tỉnh táo trở lại, như là một điều kỳ diệu. Ngoài kia, Tết đang về rộn rã và gia đình chị thật sự vui bởi anh đã ở lại bên chị và các con. Nụ cười tươi rói của cả 2 vợ chồng chị chính là món quà ấm áp nhất đối với các y, bác sĩ của bệnh viện trong những giờ phút cuối năm này.
Vì vậy, PGS. Nhung khuyến cáo, người dân nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để dễ kiểm soát bệnh tật. Hiện nay, Việt Nam cũng đang trong lộ trình dự định tới năm 2020 sẽ thanh toán bệnh lao.
Để tầm soát và phát hiện bệnh lao sớm, người dân có thể tới tất cả các Trung tâm Y tế cơ sở trên cả nước tiến khám bệnh miễn phí. Nếu có các triệu chứng: sốt nhẹ về chiều, ăn kém, mệt mỏi, sút cân, xuất hiện những dấu hiệu viêm nhiễm kéo dài thì có thể nghĩ tới bệnh lao….