Ho ra máu, không thể xem thường

22-08-2019 15:38 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Ho ra máu là tình trạng người bệnh khạc ra đờm có dính máu khi gắng sức ho.

Ho ra đờm có máu tươi là do nhiễm trùng đường hô hấp hoặc bệnh ung thư vòm cuống họng gây ra. Lượng máu thoát ra ngoài cùng với đờm ban đầu sẽ rất ít, có màu hồng nhẹ hoặc hơi phớt cam một chút nên khá khó để phát hiện ngay nếu không quan sát cẩn thận.

Cụ bà suýt mất mạng vì ho ra máu tươi suốt nhiều ngày

Bệnh nhân N.T.N. 75 tuổi nhập viện và điều trị tại một bệnh viện huyện gần nhà. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường và lao phổi 15 năm. Bệnh nhân N. đột ngột ho ra máu tươi lượng nhiều. Trong quá trình điều trị, phát hiện thêm bệnh nhân có nhồi máu cơ tim cấp thành trước ST chênh lên ngày thứ 2. Mới đây, bệnh nhân ho ra máu tái phát lượng nhiều, các bác sĩ tim mạch can thiệp tại bệnh viện nhận định đây là một trường hợp có chỉ định can thiệp nút tắc động mạch phế quản nên được chuyển  viện.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân được hội chẩn gồm nhiều chuyên khoa. Các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp nặng, rất nguy hiểm. Kết quả hội chẩn thống nhất là chỉ định điều trị cho bệnh nhân để cầm máu cấp cứu, do ho ra máu trước, có thể nguy cơ tử vong do mất máu cấp và suy hô hấp cấp. Hơn nữa, bệnh nhân có nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên ngày thứ 2. Êkíp can thiệp do các bác sĩ khoa chẩn đoán hình ảnh đã tiến hành can thiệp cho bệnh nhân. Sau khi can thiệp, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không ho ra máu thêm.

Nút động mạch phế quản cho một bệnh nhân ho ra máu lượng nhiều.

Nút động mạch phế quản cho một bệnh nhân ho ra máu lượng nhiều.

Bệnh gì gây ho ra máu?

Nơi chảy máu hay gặp nhất là đường hô hấp, ở khí phế quản, nơi thường bị tổn thương do viêm (viêm phế quản cấp tính hay mạn tính, giãn phế quản) hoặc bởi khối u như ung thư biểu mô phế quản, ung thư biểu mô di căn trong phế quản, hay khối u loại khác. Máu bắt nguồn từ nhu mô phổi có thể do nhiễm khuẩn gây viêm phổi, áp-xe phổi, lao hoặc do bệnh đông máu, bệnh tự miễn. Các bệnh khác ảnh hưởng đến hệ mạch phổi là bệnh nghẽn mạch phổi và các bệnh gây tăng áp suất tĩnh mạch và mao mạch phổi như hẹp van hai lá suy tâm thất trái.

Những công trình nghiên cứu gần đây nhất cho thấy hai bệnh viêm phế quản và ung thư biểu mô phế quản là các nguyên nhân thường gặp nhất gây ho ra máu. Đặc biệt cần chú ý là các bệnh lao và giãn phế quản tuy có tần suất thấp ho ra máu, nhưng là nguyên nhân gây ho ra máu ồ ạt, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Ngoài ra có một số lớn bệnh nhân ho ra máu không tìm thấy bệnh căn, gọi là ho ra máu tự phát hoặc ho ra máu nguồn gốc ẩn và nguồn gốc chảy máu thật có thể là bệnh nhẹ ở đường hô hấp hoặc nhu mô phổi.

Trước một bệnh nhân ho ra máu, thầy thuốc khám phổi có thể thấy tiếng cọ màng phổi (trong nghẽn mạch phổi), tiếng rắc khu trú hoặc lan tỏa trong chảy máu nhu mô, bằng chứng tắc nghẽn đường thông khí (viêm phế quản mạn tính) hoặc ran ngáy rõ rệt kèm theo có hay không có khò khè là dấu hiệu của giãn phế quản. Nghe tim có thể thấy hẹp van 2 lá hoặc suy tim. Khám da có thể phát hiện sarcom Kaposi, dị dạng động tĩnh mạch của bệnh Osler- Rendu- Weber hoặc tổn thương của bệnh lupus ban đỏ.

Chụp Xquang ngực có thể thấy các dấu hiệu giãn phế quản hoặc bệnh nhu mô phổi khu trú hay lan toả. Với kỹ thuật soi phế quản bằng sợi quang học đặc biệt có ích để định vị nơi chảy máu và để nhìn thấy tổn thương trong phế quản. Đối với bệnh nhân nghi ngờ bị giãn phế quản, hiện nay phương thức tốt nhất là chụp cắt lớp để xác định tổn thương.

Xử trí như thế nào?

Việc điều trị ho ra máu phải căn cứ vào tốc độ chảy máu và mức độ tác động đến sự trao đổi khí để quyết định cách xử lý. Nếu chỉ chảy máu hạn chế ở mức đờm có vết máu hay lượng máu ít, sự trao đổi khí thường không bị ảnh hưởng, khi đó sự ưu tiên cao nhất là duy trì hô hấp đúng mức, ngăn ngừa máu phun ra các vùng phổi lành và tránh nghẹt thở. Cho bệnh nhân nằm nghỉ và dùng thuốc giảm ho để giảm chảy máu. Trường hợp biết được nguồn gốc xuất huyết và hạn chế ở một phổi thì nên đặt bệnh nhân ở tư thế thích hợp để máu không bị hít vào bên phổi lành.

Trường hợp nặng, máu chảy ồ ạt, vì cần kiểm soát đường thông khí và duy trì sự trao đổi khí đúng mức nên cần phải đặt ống thông trong khí quản và thông khí cơ học. Ở bệnh nhân có nguy cơ chảy máu sang bên phổi lành đối với bên xuất huyết cần phải tách riêng hai nhánh chính phế quản phải và trái với nhau bằng cách đặt ống thông chọn lọc vào phổi không chảy máu nhờ hướng dẫn bằng soi phế quản hoặc bằng cách dùng ống trong khí quản hai lòng được thiết kế đặc biệt. Có thể dùng phương pháp đặt ống thông túi qua ống soi phế quản và làm phồng túi ống thông để bít phế quản dẫn đến vị trí chảy máu để ngăn ngừa hít máu vào các vùng phổi lành và chèn ép vị trí chảy máu và làm ngừng chảy máu.

Ở những cơ sở y tế có điều kiện có thể kiểm soát chảy máu bằng các phương pháp: dùng ánh sáng laze, dùng dao đốt điện, liệu pháp nghẽn mạch và phẫu thuật cắt bỏ vùng phổi bị bệnh.


ThS. Thanh Tùng
Ý kiến của bạn