Ho ra máu kéo dài, người đàn ông được cứu sống nhờ phẫu thuật nội soi cắt phổi trái

11-10-2022 07:11 | Y tế
google news

SKĐS - Ông H.V.T, tiền sử mắc lao phổi, gần đây ho ra máu nhiều, gia đình phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Mắc lao phổi từ năm 1995, ông T. đã được điều trị bằng thuốc và dẫn lưu phổi trái nhiều lần ở các cơ sở y tế. Do bệnh dai dẳng không dứt làm một bên lồng ngực trái xẹp và mất chức năng.

Mỗi lần ho ra máu cả trăm ml máu đông. Khi đưa vào BVĐK tỉnh Quảng Ninh cấp cứu, bệnh nhân được thầy thuốc chỉ định cho chụp cắt lớp phát hiện bị chảy máu trong phổi do vỡ mạch trong hang lao, hang rất lớn chiếm gần toàn bộ phổi trái. 

Ho ra máu phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ phổi trái cho bệnh nhân - Ảnh 1.

Kíp mổ tiến hành bóc tách phổi trái qua nội soi

Bệnh nặng cộng thêm thể trạng yếu, ông T. được điều trị nội khoa ổn định ra viện để tiếp tục theo dõi nâng cao thể trạng. Sau 1 tuần về nhà tiếp tục ho ra máu nhiều hơn nên gia đình đưa vào BVĐK tỉnh tiếp tục cấp cứu.

Đến viện, các thầy thuốc tổ chức hội chẩn liên Khoa Ngoại lồng ngực, Hô hấp, Chẩn đoán hình ảnh đánh giá bệnh nhân cao tuổi, thể trạng yếu, phổi trái xẹp đã mất chức năng, tổn thương chảy máu trong hang phổi trái, gây ho ra máu kéo dài. 

Nếu điều trị bảo tồn bằng phương pháp can thiệp nút mạch, phổi trái bị viêm có thể bội nhiễm sang bên phổi lành, nguy cơ tái phát ho ra máu cao, tình trạng này kéo dài có thể gây ra cơn ho "sét đánh", máu ộc ồ ạt làm tắc đường thở gây tử vong lập tức. 

Vì vậy, thầy thuốc quyết định phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ phổi trái đã mất chức năng cho bệnh nhân T. nhằm xử lý tận gốc tình trạng ho ra máu, giảm nguy cơ nhiễm trùng, bảo vệ lá phổi còn lại.

Kíp mổ Khoa Ngoại do BS CKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa phụ trách phối hợp với Khoa Gây mê hồi sức thực hiện. 

Các phẫu thuật viên tiến hành mở các đường nhỏ dọc khoang liên sườn 5 trái. Qua dụng cụ nội soi kiểm tra thấy khoang màng phổi dính cứng chắc, phổi trái có hang lao lớn dính nhiều vào thành ngực, tim và cơ hoành. 

Đặc biệt, quá trình bóc tách gặp nhiều khó khăn do phần rốn phổi dính vào màng tim và đỉnh phổi dính chặt đỉnh ngực gây chảy máu khó cầm, nhu mô phổi mỏng, toàn bộ phổi xơ hóa thành nang chứa đầy máu cục cũ. 

Với sự nỗ lực của phẫu thuật viên và kíp gây mê hồi sức, toàn bộ phổi trái đã được bóc tách và cắt bỏ sau 3 tiếng phẫu thuật căng thẳng với hơn 2 lít máu được truyền trong mổ. Hậu phẫu bệnh nhân tỉnh táo, tự thở tốt, tiếp tục điều trị kháng sinh và lý liệu pháp hô hấp.

BS CKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, BVĐK tỉnh Quảng nói: Bệnh nhân T. nhập viện với bên phổi trái mất hoàn toàn chức năng, ho ra nhiều máu kéo dài. 

Nút tắc động mạch phế quản là phương án can thiệp ít xâm lấn, tuy nhiên không thể xử lý được tận gốc, dễ tái phát ho ra máu nặng nề hơn, vì vậy phẫu thuật cắt phổi là phương án tối ưu và triệt để nhất, ngăn tình trạng ho ra máu tái phát, đặc biệt là nguy cơ tử vong do ho ra máu "sét đánh". 

Đây là ca mổ phức tạp, bởi phổi trái bệnh nhân T. bị tổn thương nặng nề nên dính chặt vào thành ngực, tim và cơ hoành. 

Quá trình bóc tách thực hiện trong phẫu trường nhỏ hẹp, vừa bóc tách vừa cắt đốt và khâu cầm máu, đòi hỏi sự cẩn trọng và khéo léo của phẫu thuật viên để tránh nguy cơ xuất huyết ồ ạt gây tử vong ngay trên bàn mổ.

Với phẫu thuật nội soi hỗ trợ (VATS) có đường rạch da tối thiểu, màn hình camera 3D sắc nét cùng dụng cụ cắt nối chuyên dụng đã hỗ trợ đắc lực cho phẫu thuật viên, giảm thiểu tối đa nguy cơ chảy máu trong và sau mổ. 

Bệnh nhân cũng được truyền bổ sung máu kịp thời để duy trì huyết động ổn định. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi nội soi hỗ trợ cắt một lá phổi với tổn thương hết sức phức tạp. 

Dù cắt bỏ hết phổi trái nhưng phổi phải đã bù trừ chức năng từ trước nên bệnh nhân không cần hô hấp hỗ trợ sau mổ, sức khỏe phục hồi tích cực và tự thở tốt.

Cứu sống trường hợp ho ra máu 'sét đánh'Cứu sống trường hợp ho ra máu "sét đánh"

SKĐS - Sáng 10/9/2020, tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp ho máu sét đánh nguy kịch. Đây là kỳ tích trong thực hành lâm sàng, vì bệnh nhân ho ra máu rất nặng, tỷ lệ tử vong gần như 100% do tình trạng tắc nghẽn đường thở cấp tính dù được cấp cứu kịp thời, nên được y văn gọi là ho ra máu "sét đánh".


Hà Trang (BVĐK tỉnh Quảng Ninh)
Ý kiến của bạn